Thứ sáu 08/11/2024 05:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

IEEFA kiến nghị thay đổi tư duy truyền thống trong Quy hoạch điện VIII

15:42 | 17/03/2021

(Xây dựng) – Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) đánh giá dự thảo Quy hoạch điện VIII của Việt Nam vẫn có tư duy truyền thống và mâu thuẫn với các xu hướng chủ đạo đang định hình thị trường năng lượng toàn cầu.

ieefa kien nghi thay doi tu duy truyen thong trong quy hoach dien viii
Dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn chú trọng việc bổ sung công suất chạy nền từ nhiệt điện than và điện khí.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, các dự án nhiệt điện than và khí đốt truyền thống thường xuyên bị chậm tiến độ và chỉ hoàn thành một nửa công suất dự kiến. Cùng thời gian này, các dự án điện mặt trời mang lại công suất lớn hơn gấp 5 lần dự kiến và điều này được thực hiện chỉ trong một thời gian ngắn.

Bên cạnh sự khác biệt về tiến độ triển khai, hai thực tế trái ngược của công nghệ phát điện truyền thống và điện tái tạo còn có hàm ý quan trọng đối với quá trình lập quy hoạch ngành điện của Việt Nam. Các nguyên tắc xây dựng quy hoạch điện trước đây được hình thành trong bối cảnh công nghệ không có nhiều thay đổi và cách làm phổ biến là ưu tiên tập trung phát triển nguồn điện.

Nhưng IEEFA cho rằng cách tiếp cận kể trên không còn phù hợp trong giai đoạn đoạn hiện nay khi những cải tiến về công nghệ và chi phí liên tục đạt được các bước tiến chưa từng có. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong công tác lập quy hoạch, chuyển từ cách làm truyền thống là đánh giá các lựa chọn công nghệ trên cơ sở “nguyên trạng”, sang phương pháp tiếp cận theo lộ trình phát triển, mỗi loại công nghệ phát điện được đánh giá một cách tổng thể.

Cách tiếp cận mới này sẽ xem xét các lựa chọn công nghệ dựa trên tiềm năng cải tiến trong tương lai, có xét đến các rủi ro vận hành trong dài hạn, với mục tiêu là thiết kế hệ thống có thể tối ưu hoá một danh mục các công nghệ bổ trợ lẫn nhau.

Nhưng dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn cho thấy tư duy truyền thống với lựa chọn tập trung phát triển nguồn điện. Theo đánh giá của IEEFA, dự thảo chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống điện linh hoạt, có khả năng thích ứng với một danh mục công nghệ sẽ thay đổi. Thay vào đó, dự thảo tiếp tục chú trọng việc bổ sung công suất chạy nền từ nhiệt điện than và điện khí, chiếm tới 57% lượng công suất bổ sung thêm từ nay cho tới năm 2030.

Chiến lược này mâu thuẫn với các xu hướng chủ đạo đang định hình thị trường năng lượng toàn cầu và cũng đi ngược lại mục tiêu của các nhà quản lý về đảm bảo an ninh năng lượng, cực tiểu hoá chi phí toàn hệ thống, bao gồm chi phí điện và các ảnh hưởng ngoại lai tới sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Chính vì vậy, trong khi chờ Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VII làm việc, IEEFA có kiến nghị một số vấn đề cần được chú trọng ở Quy hoạch điện VII.

ieefa kien nghi thay doi tu duy truyen thong trong quy hoach dien viii
Năng lượng tái tạo tiếp tục cho thấy những cải thiện vượt bậc về chi phí sản xuất nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

Rủi ro lớn từ nguồn điện hóa thạch

Các bên ủng hộ nhiệt điện than thường lập luận rằng, năng lượng tái tạo và pin lưu trữ không thể thay thế công suất nhiệt điện than trong lộ trình và không thể cạnh tranh về giá với nhiệt điện than. Nhưng lập luận này đang giả định sai về việc năng lượng tái tạo và cách triển khai nguồn điện này sẽ không thay đổi trong tương lai.

Thực tế, nhiều dữ liệu hiện nay cho thấy, chi phí sản xuất điện của các loại hình công nghệ năng lượng chính đã bắt đầu có khuynh hướng phát triển khác nhau. Trong vòng 2 năm tới, các phương án “hiệu quả về chi phí” hiện tại sẽ được định giá lại một cách triệt để bởi thị trường. Do đó, các nhà hoạch định cần tính đến mức độ thay đổi của thị trường điện khác hơn nhiều so với phương án được đưa ra trong Quy hoạch điện VIII.

IEEFA cũng chú ý Quy hoạch điện VIII cần phải đánh giá đúng đắn về các các rủi ro đi kèm với nhiệt điện chạy nền. Theo đó, các nhà quản lý cần cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định xây dựng một lượng công suất nhiệt điện than lớn, nhất là khi triển vọng cải thiện về công nghệ và chi phí của loại hình này gần như không có.

Hiện nay, các dự án nhiệt điện than đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn tài chính. Thống kê của IEEFA cho biết, 135 tổ chức tài chính toàn cầu đã công bố lộ trình thoái vốn khỏi các dự án nhiệt điện than. Việt Nam cũng đã, đang và chắc chắn sẽ chịu tác động trực tiếp từ xu hướng toàn cầu này. Tháng trước, Tập đoàn Mitsubishi đã thông báo rút khỏi dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 được triển khai đầu tư từ năm 2009.

ieefa kien nghi thay doi tu duy truyen thong trong quy hoach dien viii
Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sạch của nền kinh tế và kiểm soát được giá điện nếu năng lượng tái tạo đóng vai trò lớn hơn trong Quy hoạch điện VIII.

Năng lượng tái tạo cần đóng vai trò lớn hơn

Theo IEEFA, việc đánh giá không đầy đủ chi phí tổng thể của nguồn điện hoá thạch sẽ làm tổn hại đến người sử dụng điện trong dài hạn. Hiện nay, cả nhiệt điện than và nhiệt điện khí đều không có tiềm năng cải thiện về chi phí trong tương lai và còn phải chịu tác động trực tiếp từ rủi ro giá nhiên liệu biến động. Trong khi đó, năng lượng tái tạo tiếp tục cho thấy những cải thiện vượt bậc về chi phí sản xuất nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật và Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi từ việc này.

Theo đánh giá của IEEFA, việc đánh giá sai nhu cầu tiêu thụ điện sạch hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến mức tăng trưởng GDP. Trong hai năm qua, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi trong khu vực Đông Nam Á đã tích cực thay đổi để đáp ứng nhu cầu của các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Do đó, Việt Nam cần phải có bước đi táo bạo hơn nữa để chiếm được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đang cố gắng đáp ứng yêu cầu của khách hàng trên toàn thế giới. Đây là thời điểm Việt Nam nên gửi đi thông điệp rõ ràng tới các nhà đầu tư quốc tế rằng, nhu cầu sử dụng năng lượng xanh của họ có thể được đáp ứng tại Việt Nam. Bước đi này hoàn toàn phù hợp với xu hướng các nguồn điện sạch mới ngày càng chiếm ưu thế trong một thị trường tiến dần lên mô hình đấu giá cạnh tranh với chi phí ngày càng thấp.

Nói tóm lại, nếu Việt Nam muốn đa dạng hoá các nguồn điện trong hệ thống, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sạch của nền kinh tế và kiểm soát được giá điện thì năng lượng tái tạo phải đóng vai trò lớn hơn trong Quy hoạch điện VIII, thay vì ngược lại.

Dịch Phong - Ảnh: Internet

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load