(Xây dựng) – Đó là 1 trong 19 khẩu hiệu tuyên truyền được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra để hưởng ứng “Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam; Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường” năm 2021.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Đại dương: Sự sống và sinh kế
Ngày Đại dương thế giới (8/6) do Liên Hợp quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Chủ đề của Ngày Đại dương thế giới năm nay “Đại dương: Sự sống và sinh kế” với thông điệp làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái đất.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 (từ ngày 01 – 08/6) với chủ đề “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”. Đây là một trong những mục tiêu đặt ra nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/ 10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, với vai trò là Cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Sau gần 03 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Nghị quyết được tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và từng bước thể chế hóa. Các chủ trương lớn của Nghị quyết được đẩy mạnh triển khai trong phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; đã từng bước hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển; phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển và đại dương.
Các khẩu hiệu tuyên truyền gồm: Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân; Chung tay góp sức vì biển đảo quê hương; Hoàng Sa, Trường Sa luôn trong tim chúng ta; Đoàn kết, chủ động, khắc phục khó khăn giữ vững chủ quyền biển, đảo Việt Nam; Bảo đảm sinh kế cho người dân để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; Hãy hành động vì sự phát triển bền vững của đại dương và hệ sinh thái biển; Kinh tế xanh cho sự phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam; Phát triển bền vững kinh tế biển - Không một ai bị bỏ lại phía sau; Bảo vệ đại dương khỏi nhựa là bảo vệ tương lai của con người.
Phục hồi hệ sinh thái
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc lựa chọn là “Phục hồi hệ sinh thái” với thông điệp về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên.
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay có sự liên kết chặt chẽ với chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) với thông điệp “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên” do Ban Thư ký Công ước Đa dạng sinh học (CBD) phát động. Điều này cho thấy sự thống nhất của các Chương trình toàn cầu về việc cần gióng lên hồi chuông báo động: Đã đến lúc mỗi quốc gia cần đoàn kết, cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực hơn vì thiên nhiên và Trái đất của chúng ta.
Đây được xem là thời điểm đánh dấu sự khởi động của Liên Hợp quốc về Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái (2021 – 2030), cũng là thời hạn cuối cùng của các mục tiêu thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững – một mốc thời gian mà các nhà khoa học xác định là cơ hội cuối để ngăn chặn thảm họa do biến đổi khí hậu.
Để hưởng ứng Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay, thực hiện cam kết của Liên Hợp quốc về Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái (2021 – 2030), thúc đẩy các hoạt động đảo ngược tình trạng suy thoái các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường của nước ta, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương, các tổ chức, cá nhân cùng đưa ra sáng kiến để phục hồi hệ sinh thái của Việt Nam, đồng thời quyết tâm hành động thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
Ở cấp độ vĩ mô, cần thúc đẩy áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái; quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên; áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng; xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng bền vững và tối ưu hoá tài nguyên thiên nhiên.
Ở cấp địa phương, địa bàn, cần phải: giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải, rác thải; tổ chức triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ phục hồi hệ sinh thái như: thực hiện các hoạt động tại Đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ; triển khai các hoạt động phục hồi hệ sinh thái rừng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan; thu gom rác thải hai bên bờ và trên mặt nước biển, các sông, suối, ao hồ, phục hồi thảm thực vật trên các vùng đất ngập nước nước; kiểm soát hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản theo hướng bền vững; khuyến khích triển khai các công trình bảo vệ môi trường, phục vụ lợi ích của cộng đồng, huy động sự tham gia của cộng đồng.
Mỗi người dân, nếu cùng chung tay hành động, vì sự phục hồi của các hệ sinh thái, chúng ta hoàn toàn có thể giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên như: sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên trong sinh hoạt hàng ngày, tập thói quen từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa và đồ nhựa sử dụng một lần; sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường; không tiêu thụ, buôn bán, khai thác trái phép các loài động, thực vật hoang dã; tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường khi đi du lịch, du lịch sinh thái; giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học cho thế hệ trẻ.
Các khẩu hiệu tuyên truyền: Sống hài hoà với thiên nhiên – Bảo tồn đa dạng sinh học; Trái đất cần chúng ta! Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu; Hãy sử dụng đồ dùng từ vật liệu tái chế; Đánh bắt hải sản sai cách là phá hủy cân bằng sinh học; Sử dụng nguồn nguyên liệu xanh là góp phần bảo vệ môi trường; Ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, các sản phẩm từ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân huỷ; Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học; Đa dạng sinh học – Hành trình duy trì sự sống; Hành động vì thiên nhiên – Trách nhiệm của chúng ta; Ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn và đề nghị các Bộ, ban ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo ưu tiên thực hiện mục tiêu kép (vừa an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời vừa phát triển kinh tế - xã hội) trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông, chương trình toạ đàm, đối thoại, giao lưu trực tuyến và trên nền tảng mạng xã hội; góp phần phát triển phong trào bảo vệ môi trường, tài nguyên, môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.
Khánh Hòa
Theo