Chủ nhật 15/12/2024 04:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hoàn thiện pháp lý về quản lý cây xanh và công viên đô thị

21:34 | 29/11/2024

(Xây dựng) – Chiều 29/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý về Nghị định quản lý cây xanh, công viên đô thị”.

Hoàn thiện pháp lý về quản lý cây xanh và công viên đô thị
Toàn cảnh Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý về Nghị định quản lý cây xanh, công viên đô thị” chiều 29/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Ban tổ chức, mục đích của việc xây dựng Nghị định riêng về quản lý cây xanh, công viên đô thị nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về cây xanh, công viên đô thị; quy định chi tiết theo nội dung được giao về quản lý cây xanh, công viên đô thị tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết: Dự thảo Nghị định sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động liên quan đến quản lý phát triển cây xanh và công viên đô thị; bảo đảm phân định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể có hoạt động liên quan đến quản lý phát triển cây xanh và công viên đô thị; nâng cao khả năng huy động các nguồn lực tham gia vào đầu tư phát triển cây xanh, công viên đô thị nhằm tăng diện tích không gian xanh đô thị, góp phần nâng cao chất lượng môi trường đô thị và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Theo đó, dự thảo Nghị định gồm 05 chương, 64 điều quy định tổ chức quản lý duy trì, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng cây xanh đô thị do Nhà nước quản lý. Quản lý vận hành sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng công viên đô thị do Nhà nước quản lý; Huy động nguồn lực phát triển cây xanh và công viên đô thị.

Cụ thể, Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa phạm vi và đối tượng quản lý cây xanh đô thị của Nghị định số 64/2010/NĐ-CP. Bổ sung “công viên đô thị” và phạm vi điều chỉnh về quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng cây xanh, công viên đô thị để cụ thể hóa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nghị định cũng bổ sung một số quy định để khắc phục một số tồn tại, bất cập và phù hợp với yêu cầu về cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như: Yêu cầu về chất lượng, nội dung của phương án thiết kế cây xanh đô thị trong thiết kế đô thị của đồ án quy hoạch chi tiết đô thị hoặc dự án đầu tư cải tạo cây xanh cho tuyến phố, ô phố và lô phố; quy định về việc xây dựng quy trình quản lý, duy trì cây xanh sử dụng công cộng đô thị làm cơ sở để quản lý chất lượng dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị và tạo thuận lợi cho việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật; quy định về trách nhiệm đền bù, bồi thường thiệt hại liên quan đến cây xanh đô thị.

Đối với công tác quản lý công viên đô thị, Nghị định quy định việc tổ chức quản lý, vận hành công viên đô thị (pháp luật hiện hành chưa quy định), như: Yêu cầu đối với quản lý công viên đô thị; yêu cầu về chất lượng, nội dung của quy hoạch chi tiết công viên đô thị; quy định về tỷ lệ phần diện tích đất sử dụng trong công viên có mục đích kinh doanh và không có mục đích kinh doanh (cụ thể hóa quy định tại khoản 1, 2 Điều 207 Luật Đất đai 2024); xây dựng, ban hành nội quy công viên đô thị để bảo đảm người dân được tiếp cận miễn phí đối với công viên công cộng đô thị; quản lý hạ tầng phục vụ thoát nước đô thị (hồ điều hòa, bể chứa nước ngầm,...) và không gian công cộng ngầm (bãi đỗ xe ngầm, ga tàu điện ngầm, khu thương mại dịch vụ giải trí ngầm,...) trong phạm vi công viên đô thị...

Hoàn thiện pháp lý về quản lý cây xanh và công viên đô thị
Cây xanh trên tuyến phố tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định các hình thức xã hội hóa kêu gọi phát triển cây xanh, công viên đô thị như: Đóng góp tự nguyện (tiền, tài sản, vật chất, công lao động) của các tổ chức, cá nhân vào phát triển cây xanh, công viên đô thị; khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển công viên đô thị (cụ thể hóa quy định về việc khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng tại Điều 118 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công); khai thác phần đất công viên đô thị có mục đích kinh doanh (cụ thể hóa quy định về việc đất sử dụng vào mục đích công cộng được kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ tại điểm b khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai 2024); trao đổi tín chỉ các-bon thu được từ cây xanh, công viên đô thị.

Góp ý cho dự thảo Nghị định, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết: Hiện địa phương đã hoàn thành xong đề án cây xanh. Theo ông Tuấn Anh, cây xanh không phải riêng trong đô thị mà cả người dân trồng, có đất là trồng cây. Việc xác định đất cây xanh rất quan trọng, cứ có quỹ đất là trồng cây, xã hội hóa nhà nhà, doanh nghiệp đều trồng cây.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng băn khoăn việc lựa chọn đơn vị quản lý cây xanh cũng phải đảm bảo thời gian dài cho phát triển. Không nên quy định cứng từ 3-5 năm mà chỉ cần xây dựng đơn giá định mức áp vào là thực hiện được. Bên cạnh đó, việc phân chia tỷ lệ đất cây xanh hay tỷ lệ cây xanh trên công trình cũng cần cụ thể hơn.

Ông Huỳnh Quốc Ca, Giám đốc Sở Xây dựng Bạc Liêu cũng đồng tình với dự thảo Nghị định quản lý cây xanh công viên đô thị. Tuy nhiên cần làm rõ thêm về khái niệm cây xanh đô thị, cụ thể trong phân cấp quản lý cây xanh đối với cấp xã...

Cùng đó, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chi Minh nêu thực tế vướng mắc trong phân loại cây xanh theo chiều cao phục vụ cho công tác duy tu chăm sóc. Thành phố có hàng nghìn cây loại 3 là cây Sao, cây Dầu nên việc duy trì cây kích thước lớn gây nhiều rủi ro. Nếu xử lý đảm bảo an toàn cho cây lại tạo dư luận nhưng để vậy thì lại rủi ro cho thành phố. Đường phố chỉ duy trì cây từ 12m - 15m, dự thảo nghiên cứu duy trì kích thước chiều cao cây theo đô thị. Nên quy định cây bảo tồn và cách thức bảo tồn.

Đồng thời xử lý tài sản công viên cây xanh là gỗ, để lâu sẽ hư hại nhưng khi thẩm định gặp nhiều khó khăn. Chi phí đền bù cây xanh, gồm đốn chặt hạ di dời và chi phí chăm sóc nếu người dân có nhu cầu di dời... Đây là những bất cập mà Thành phố Hồ Chí Minh đang chờ Nghị định ra đời để tháo gỡ khó khăn cho công tác quản lý chăm sóc cây xanh và công viên trên địa bàn thành phố.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load