(Xây dựng) - Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (gọi tắt là Hòa Bình, mã chứng khoán: HBC), vốn chủ sở hữu chỉ còn 93 tỷ đồng, trong khi tại báo cáo quản trị 2023 công ty tự lập, vốn chủ sở hữu khoảng hơn 5.538 tỷ đồng, tức cao gấp gần 60 lần so với báo cáo tài chính kiểm toán.
Tại báo cáo quản trị 2023 công ty tự lập vốn chủ sở hữu khoảng 5.800 tỷ đồng, tức cao hơn gần 60 lần so với báo cáo tài chính kiểm toán. |
Ngày 30/3, Hòa Bình đã nộp báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 được đơn vị kiểm toán Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC thông qua.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Hòa Bình, vốn chủ sở hữu ghi nhận 93 tỷ, một con số quá nhỏ so với doanh thu và quy mô của một tập đoàn xây dựng hàng đầu. Trong khi đó, tại báo cáo quản trị 2023 công ty tự lập vốn chủ sở hữu khoảng hơn 5.538 tỷ đồng, cao gấp gần 60 lần so với báo cáo tài chính kiểm toán.
Hoà Bình cho biết, sự chênh lệch rất lớn giữa vốn chủ sở hữu của Hòa Bình so với báo cáo tài chính kiểm toán là do đơn vị kiểm toán áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam theo quan điểm rất thận trọng. Từ đó, vốn chủ sở hữu trong báo cáo quản trị do công ty tự lập cao hơn 63 lần so với vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính kiểm toán.
Báo cáo quản trị của Hòa Bình là báo cáo do khối tài chính kế toán của Tập đoàn lập dựa vào đặc thù của hoạt động xây dựng và những thông tin số liệu sát với thực tế của thị trường và của Tập đoàn. Hòa Bình nhấn mạnh, trong báo cáo quản trị này chỉ xác định những số liệu liên quan đến vốn chủ sở hữu của HBC chưa phù hợp với thực tế khi áp dụng chế độ kế toán của Việt Nam chứ không thay đổi bất cứ một số liệu nào khác.
Hòa Bình lý giải có bốn nguyên nhân chính khiến vốn chủ sở hữu hợp nhất trong báo cáo quản trị của HBC chênh lệch lớn so với vốn chủ sở hữu hợp nhất tại báo cáo tài chính kiểm toán.
HBC đang nỗ lực khôi phục lại vị thế. |
Thứ nhất, theo báo cáo quản trị của HBC, giá các bất động sản được định theo giá thị trường trong khi trong báo cáo tài chính kiểm toán được ghi nhận theo giá gốc (tức theo giá mua ban đầu). Thực tế, thị trường địa ốc ở Việt Nam có sự biến động gia tăng giá liên tục trong nhiều năm. Cách ghi nhận này đã gây ra sự chênh lệch rất lớn giữa 2 báo cáo, chẳng hạn như trụ sở 235 Võ Thị Sáu, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, theo ghi nhận trên sổ sách chỉ có 5 tỷ đồng nhưng giao dịch hiện nay trên thị trường không dưới 75 tỷ đồng, sự chênh lệch này lên đến 15 lần.
Ngoài bất động sản, định giá những tài sản cố định của Hòa Bình trong báo cáo tài chính kiểm toán cũng thấp hơn rất nhiều so với thực tế, nhiều tài sản cố định thậm chí không được đưa vào định giá vốn chủ sở hữu, từ đó khiến cho vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính kiểm toán thấp hơn nhiều so với thực tế. Theo báo cáo quản trị thì giá trị bất động sản theo thị trường hiện nay là 4.789 tỷ đồng trong khi theo báo cáo tài chính kiểm toán chỉ ghi nhận theo giá gốc là 2.470 tỷ đồng, chênh lệch 2.319 tỷ đồng.
Thứ hai, giá trị còn lại của máy móc thiết bị được ghi nhận trong báo cáo tài chính kiểm toán không phù hợp với thực tế bởi 2 lý do chính: Giá trị khấu hao theo chế độ kiểm toán hiện hành chưa phản ánh đúng với khấu hao trong thực tế và sự trượt giá trên thị trường cũng tác động đáng kể đến giá trị còn lại của máy móc thiết bị. Nhiều máy móc thiết bị đã khấu hao hết và ghi nhận trong sổ sách bằng 0 nhưng thực tế vẫn còn hoạt động rất tốt. Mặt khác, giá mua mới hiện nay trên thị trường cao hơn nhiều so với nguyên giá (giá mua trước đây) cho nên sự chênh lệch về giá trị còn lại của máy móc thiết bị là rất lớn giữa 2 báo cáo. Theo đó sự chênh lệch này lên đến 1.024 tỷ đồng.
Thứ ba, các khoản phải trích lập dự phòng theo chế độ kế toán hiện hành được xác định theo tuổi nợ, trong khi theo báo cáo quản trị, Hòa Bình đánh giá căn cứ vào nguyên nhân chậm thanh toán, sự đảm bảo về chất lượng công trình, mức độ hoàn thiện của hồ sơ thanh quyết toán, năng lực tài chính và những rủi ro về hoạt động kinh doanh của khách hàng cùng những đặc thù về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc và mức độ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của Hòa Bình. Theo lịch sử, chưa bao giờ Hòa Bình xóa sổ bất kỳ khoản phải thu nào. Phần hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi cụ thể là 1.450 tỷ.
Thứ tư, tăng các khoản phải thu theo phán quyết của tòa sẽ làm tăng vốn chủ sở hữu. Những đánh giá của HBC còn dựa vào lịch sử kinh nghiệm giải quyết các vụ kiện về thu hồi nợ mà trường hợp điển hình là món nợ trên 5 năm (theo quy định đã lập dự phòng 100%) của FLC, không những thu hồi được 100% nợ gốc mà còn thu cả lãi và phạt có giá trị lên đến trên 58% nợ gốc. Phần chênh lệch khoản phải thu giữa giá trị ghi nhận trên sổ sách và giá trị phán quyết của tòa là 652 tỷ.
"Tổng cộng chênh lệch của vốn chủ sở hữu hợp nhất theo báo cáo quản trị là 5.445 tỷ đồng, cộng với vốn chủ sở hữu hợp nhất theo báo cáo tài chính kiểm toán là 93 tỷ đồng. Vậy, vốn chủ sở hữu hợp nhất theo báo cáo quản trị là 5.538 tỷ đồng, cao hơn gần 60 lần so với vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính kiểm toán", HBC khẳng định.
Năm 2023, Hòa Bình đặt kế hoạch doanh thu 10.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trải qua một năm khó khăn đối với ngành Bất động sản lẫn ngành Xây dựng, kết quả đến hết năm, doanh thu của Hòa Bình chỉ đạt hơn 7.500 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch. Hòa Bình cho biết, đạt doanh thu không như kế hoạch đề ra là do năm 2023 "quá khốc liệt", nhiều chủ đầu tư mất thanh khoản khiến Hòa Bình cũng thành "nạn nhân". Sau quá trình cấu trúc tập đoàn, doanh thu của Hòa Bình đã tăng lên đáng kể, đến nay Hòa Bình đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và phấn đấu "khôi phục vị thế" với mục tiêu doanh thu 2024 là 10.800 tỷ đồng.
“Chúng tôi khẳng định, Hòa Bình nỗ lực làm mọi thứ đều có cơ sở. Mục tiêu trong ba năm tới, Hòa Bình khôi phục lại vị thế. Hiện tại, Hòa Bình đã vượt qua khó khăn, chúng tôi đang trên đường quay trở lại ổn định, cân bằng nhằm hướng đến việc tăng trưởng, duy trì vị trí số 1 tại thị trường và tránh lặp lại vết xe đổ, hướng tới hoàn thiện và phát triển bền vững”, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhấn mạnh.
Lê Trang
Theo