(Xây dựng) - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài vừa làm việc với Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) khi bắt đầu hoạt động theo mô hình mới và tìm giải pháp tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho rằng: Việc tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ EVN, chuyển đổi thành mô hình Công ty TNHH MTV là bước đi quan trọng để tái cơ cấu toàn diện ngành Điện Việt Nam, hiện thực hóa chủ trương tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, NSMO còn giữ vai trò quan trọng trong vận hành hệ thống điện và thị trường điện an toàn, ổn định, tin cậy, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an toàn cung cấp điện giữa bối cảnh ngành Năng lượng nói chung và ngành Điện nói riêng đối diện nhiều thách thức mới.
Theo Thứ trưởng, cơ cấu ngành Năng lượng đã và đang có nhiều thay đổi, công tác quản lý, vận hành sẽ phức tạp hơn. Do đó, NSMO cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tiếp tục nghiên cứu, tính toán những vấn đề ngắn hạn cũng như dài hạn, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên NSMO, hiện nay NSMO đang phụ trách các mảng công việc chính gồm: Vận hành hệ thống điện quốc gia theo thời gian thực với mục tiêu an toàn, ổn định, tin cậy và điều hành giao dịch thị trường điện đảm bảo công bằng, minh bạch; Quản lý, vận hành, bảo trì và bảo dưỡng hạ tầng hệ thống viễn thông công nghệ thông tin chuyên ngành phục vụ vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện và năng lượng tái tạo...
Tính đến ngày 31/7/2024, NSMO có tổng cộng 457 người lao động, trong đó, có Chủ tịch HĐTV, Ban lãnh đạo, 5 phòng sản xuất, 4 phòng quản trị và 3 chi nhánh.
Trong bối cảnh chuyển đổi cơ cấu tổ chức còn mới, ông Nguyễn Đức Cường cho biết NSMO đã nỗ lực không ngừng nghỉ để thích ứng, cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN, A0 - nay là NSMO đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp và đạt được hiệu quả nhất định.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như phụ tải điện tăng trưởng cao đột biến, vượt các giá trị lịch sử; các tháng đầu năm nguồn nước về hồ thủy điện thấp hơn trung bình nhiều năm…
Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành hệ thống điện được duy trì tin cậy, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của nhân dân.
Tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống đạt 179,4 tỷ kWh, tăng khoảng 10,54% so với cùng kỳ năm 2023. Công suất cực đại của hệ thống đạt 48.880MW, tăng 7,87% so với cùng kỳ.
Về công tác vận hành giao dịch thị trường điện, trong 7 tháng đầu năm 2024, giá điện năng thị trường (SMP) trung bình đạt 1091.3 đ/kWh và giá thị trường điện toàn phần (FMP) là 1423.5 đ/kWh. SMP trung bình bằng 81,6% kế hoạch, chủ yếu do giá trần thị trường giảm và các yếu tố như giá nhiên liệu, phụ tải và điều kiện thủy văn. Giá điện toàn phần bình quân cũng giảm khoảng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong các tháng cuối năm, bên cạnh công tác kiện toàn bộ máy, tổ chức, xây dựng hệ thống văn bản nội bộ, kế hoạch chi phí liên quan đến lao động, tiền lương trình Bộ Công Thương phê duyệt...
Lãnh đạo Công ty thông tin sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành kế hoạch công tác các tháng còn lại năm 2024 và năm 2025 trong đó chú trọng đến công tác kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Trên cơ sở dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2024, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 65-75%, có thể kéo dài đến cuối năm. Điều này dự báo sẽ tăng lượng nước về các hồ thủy điện, giúp tổng sản lượng thủy điện trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12/2024 đạt 56,8 tỷ kWh, cao hơn 5,2 tỷ kWh so với kế hoạch.
Về phụ tải, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu trong năm 2024 dự kiến đạt khoảng 309.8 tỷ kWh, tăng 10.11% so với năm 2023. Trong các tháng còn lại, phụ tải dự kiến không cao hơn so với thực tế 7 tháng đầu năm.
Để đảm bảo an ninh cung ứng điện và tối ưu hóa việc huy động các nguồn điện, NSMO đặt mục tiêu đảm bảo cung ứng điện trong các tháng còn lại năm 2024 là mục tiêu hàng đầu để định hướng các chiến lược vận hành bên cạnh mục tiêu tối ưu chi phí.
Tăng khai thác các hồ thủy điện có nước về, đặc biệt là các nhà máy thủy điện đa mục tiêu có giới hạn về mức nước cao nhất trong thời kỳ mùa lũ nhằm tránh gia tăng dòng chảy đột biến về hạ du.
Các nhà máy điện được huy động theo kết quả của bài toán tối ưu đồng thời thủy – nhiệt điện. Định hướng đưa mức nước các hồ về mức nước dâng bình thường vào cuối năm. Giảm huy động một số nguồn nhiệt điện để tăng khai thác thủy điện, tuy nhiên vẫn cần duy trì cấu hình tối thiểu các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo các tiêu chuẩn vận hành lưới điện (đảm bảo các tiêu chí an toàn về kỹ thuật như mức mang tải, giới hạn điện áp, giới hạn truyền tải...) và khả dụng HTĐ, nhất là cho khu vực miền Bắc.
Bên cạnh đó, một số nhà máy cũng cần được huy động để đảm bảo an toàn trong thời gian thi công đường dây 500kV mạch 3.
NSMO sẽ linh hoạt điều chỉnh chiến lược vận hành chi tiết các nguồn thủy điện, nhiệt điện than, khí tự nhiên, và khí LNG để phù hợp với tình hình thực tế về phụ tải, thủy văn, thời tiết và độ khả dụng của các nguồn điện, cũng như các yếu tố bất định khác.
NSMO đề nghị các đơn vị phát điện và các tổng công ty phát điện phối hợp chặt chẽ để cập nhật, đánh giá nhu cầu huy động nhằm đảm bảo kế hoạch nhập than phù hợp, tối ưu hóa chi phí và điều chỉnh lịch sửa chữa.
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đánh giá cao những nỗ lực của các bên trong thời gian qua; đồng thời đề nghị NSMO tập trung nguồn lực, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu hoạt động là lập phương thức và chỉ huy vận hành hệ thống điện quốc gia một cách an toàn, tin cậy, ổn định và kinh tế; điều hành giao dịch thị trường điện theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, góp phần đảm bảo cung cấp điện liên tục và ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng.
Đồng thời, giao các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục chủ động rà soát, nắm chắc tình hình để phối hợp, hỗ trợ NSMO hoàn thành tốt nhiệm vụ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện đảm bảo an toàn, tin cậy, minh bạch, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và nhu cầu của nhân dân.
Đặc biệt là đảm bảo an ninh cung cấp điện cho các tháng cuối năm 2024, xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện năm 2025 an toàn, ổn định, kinh tế.
Kim Oanh
Theo