Thứ sáu 08/11/2024 05:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Hiến kế phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam bền vững

10:03 | 05/12/2021

(Xây dựng) - Đây là nội dung được đề cập tại ''Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững'' diễn ra ngày 5/12 theo hình thức trực tiếp (tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội) kết hợp trực tuyến tại 57 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức.

hien ke phuc hoi va phat trien kinh te viet nam ben vung
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương…

Phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Trong năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và là một trong những nước có tăng trưởng dương cao nhất thế giới. Năm 2021, Việt Nam đã có nhiều giải pháp đổi mới để thực hiện nhiệm vụ kép, trong đó có cả phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây thiệt hại rất nặng nề, làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội.

Để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại và tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết, quyết định về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, tài chính ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2020 - 2025.

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa qua đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng và triển khai theo thẩm quyền Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế.

Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ 02 chương trình này, phục vụ cho mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 cũng như phục hồi phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: ''Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững'' có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài khóa và tiền tệ, vừa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, vừa hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế và xã hội, nhằm cụ thể hóa chủ trương đã được nêu tại Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII của Đảng và Nghị quyết Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV; không chỉ góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm theo những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.

Tại Diễn đàn, gợi ý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh: Các chính sách được ban hành cần bảo đảm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước; có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài; có trọng tâm, trọng điểm; khả năng khả thi và triển khai nhanh.

Các nhóm chính sách cần đảm bảo và nâng cao năng lực y tế; giảm chi phí, giãn, hoãn nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp; an sinh xã hội…

Thời gian thực hiện của chính sách chủ yếu trong giai đoạn 2022-2023. Đối tượng trọng tâm của chính sách lao động và người sử dụng lao động. Trong đó phải đáp ứng một trong các tiêu chí cơ bản như có khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng, có khả năng phục hồi; hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chưa thể bố trí nguồn thay thế, thuộc những lĩnh vực, dự án ưu tiên phát triển hướng đến bao trùm, bền vững (như y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…).

Các dự án cơ sở hạ tầng: liên kết vùng, trọng điểm, có tính lan tỏa; trong danh mục đầu tư công và đã chuẩn bị xong thủ tục đầu tư; dự án dở dang, thiếu vốn tạm thời cần bổ sung…

Về chính sách tài khóa, TS. Cấn Văn Lực đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT, giảm phí bảo hiểm xã hội, thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế, phí trước bạ ôtô trong nước, có bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gói hỗ trợ lãi suất, cùng với đó là ứng trước các chi phí như tiền lương, phòng chống dịch cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên các dự án liên kết vùng, trọng điểm, có tính lan tỏa, trong danh mục đầu tư công và đã chuẩn bị xong thủ tục đầu tư; dự án dở dang, thiếu vốn tạm thời (cả vốn đối ứng dự án nguồn ODA) cần bổ sung.

Về chính sách hỗ trợ, TS. Cấn Văn Lực nêu rõ, tiếp tục thực hiện Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước; sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở (cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp) để hỗ trợ các tổ chức tín dụng duy trì lãi suất ở mức thấp; cho vay tái cấp vốn các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở; nghiên cứu giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn; linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 13-14% trong năm 2022-2023…

Đối với các chính sách an sinh xã hội, TS. Cấn Văn Lực đề nghị cần triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại 4 vùng kinh tế trọng điểm; hỗ trợ đào tạo nghề. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần phải chấp nhận thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm 1 điểm % mỗi năm trong 2022 - 2023; đồng thời thực hiện tiết giảm chi phí, đẩy mạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, phát hành trái phiếu chính phủ, rà soát các quỹ ngoài ngân sách…

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam đưa ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, các giải pháp chuyên môn đối với y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ.

Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; dư địa tài khóa được củng cố trong các năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được đảm bảo.

Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận mức bội cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, về dài hạn hơn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.

Thứ ba, các gói hỗ trợ của Việt Nam nên ưu tiên cho các biện pháp ngắn hạn, như hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp. Bởi biện pháp ngắn hạn sẽ tác động đến tiềm năng, sự phát triển của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn.

Thứ tư, trong giai đoạn trung hạn và dài hạn, Việt Nam nên thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tập trung vào phát triển hạ tầng xanh, chuyển đổi số...

Thứ năm, Việt Nam nên tăng cường vào hợp tác quốc tế, giữa các nước, các khu vực với nhau cũng như các tổ chức quốc tế.

Đề cập đến khía cạnh phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam, PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chỉ ra một số định hướng và giải pháp.

Theo đó, về ngắn hạn, cần rà soát, hoàn thiện pháp luật theo hướng thuận lợi hóa mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp, chú ý đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, để phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng số.

Thúc đẩy kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu số hóa trong nước, phát huy vai trò của nguồn tài nguyên số phục vụ cho kinh tế số, thúc đẩy kết nối và chia sẻ thông tin của các cơ quan quản lý, bộ ngành, Trung ương, địa phương.

Đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng số, nền tảng số, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai, phát huy vai trò của các quỹ tài chính hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh.

Đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và khẩn trương ứng dụng đại trà các công cụ thanh toán điện tử, tiền số và các hình thức kinh doanh và dịch vụ kinh tế số không dùng tiền mặt; khuyến khích phát triển các định chế tài chính mới như Fintech; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong quản lý tài chính, thuế, an sinh xã hội, y tế, giáo dục.

Về dài hạn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng cần phải có cách tiếp cận tổng thể, hệ thống hơn. Theo đó, cần phải chú ý tới các yếu tố của một hệ sinh thái đầy đủ của chuyển đổi số; chú ý tới xu hướng phục hồi xanh đang trở thành một xu hướng nổi trội trên thế giới. Tận dụng phục hồi nền kinh tế để tái cấu trúc theo hướng xanh hóa nền kinh tế là một thời cơ lớn.

Chiến lược tăng trưởng xanh cũng xác định 4 nội dung quan trọng là giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Để thực hiện chuyển đổi số và phát triển kinh tế số cần phải được lồng ghép tốt với thực hiện các giải pháp của chiến lược tăng trưởng xanh đã được đưa ra ở Quyết định 1685 của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/10/2021.

Bàn về các giải pháp can thiệp nền kinh tế, PGS.TS Bùi Quang Tuấn kiến nghị: Thứ nhất, cần ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc. Gói củng cố hệ thống y tế cần khoảng 76.000 tỷ đồng. Thứ hai, cần tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội. Gói củng cố hệ thống an sinh xã hội cần khoảng 58.000 tỷ đồng. Thứ ba, cần hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn, trong đó gói hỗ trợ doanh nghiệp cần khoảng 244.000 tỷ đồng cùng với việc hạ mặt bằng lãi suất là rất cấp thiết. Thứ tư, tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Gói đầu tư công có quy mô là 288.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2 năm 2022 - 2023. Như vậy, tổng gói cứu trợ nền kinh tế dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên dự kiến có giá trị khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, để đảm bảo các biện pháp trên thực hiện thành công, cần đảm bảo sự phối hợp để thiết kế và thực hiện các chính sách giữa các bộ ngành thuộc Chính phủ và Quốc hội.

Các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan tham mưu cần phối hợp chặt chẽ trong việc tính toán nhằm đảm bảo dòng tiền hỗ trợ thực sự được đưa vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và hộ gia đình thay vì chuyển qua kênh đầu cơ các tài sản tài chính rủi ro, vốn không đóng góp cho phục hồi tăng trưởng…

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Francois Painchaud – Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, nhận định: Trong năm 2021, Việt Nam đối mặt với đợt dịch bùng phát lớn hơn và dai dẳng hơn, khiến nền kinh tế gián đoạn nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đặc biệt là ở khu vực phi chính thức.

Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải rất nhiều thách thức trước dịch bệnh. Hiện Việt Nam đang gỡ bỏ các rào cản, dần hồi phục lại nền kinh tế.

Đại diện IMF khuyến nghị Việt Nam thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi cần thiết như tạo không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, tiêm chủng và trợ cấp; áp dụng biện pháp chuyển lỗ ngược; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

hien ke phuc hoi va phat trien kinh te viet nam ben vung
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo ông Francois Painchaud, mục tiêu phục hồi và phát triển của Việt Nam là có thể đạt được nhưng đòi hỏi những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn, cần phục hồi mạnh mẽ, cải thiện khả năng chống chịu trước đại dịch, quyết liệt cải cách cơ cấu và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Francois Painchaud nhấn mạnh: Các chương trình hồi phục đã được chính quyền Việt Nam cân nhắc để đưa ra những cải cách nhằm nâng cao năng suất nhưng kế hoạch cải cách này cần được thực hiện một cách quyết đoán và nhanh chóng hơn nữa…

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load