Chủ nhật 10/11/2024 12:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Hệ thống định mức và giá xây dựng: Cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung thường xuyên

07:10 | 22/01/2023

(Xây dựng) – Năm 2022, các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2038/QĐ-TTg, ngày 18/12/2017, gọi tắt là Đề án 2038) cơ bản hoàn thành. Nhân đầu xuân Quý Mão, Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng Đàm Đức Biên chia sẻ với Báo Xây dựng về một số thành quả Đề án 2038 đạt được.

Hệ thống định mức và giá xây dựng: Cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung thường xuyên
Ông Đàm Đức Biên

Thưa Cục trưởng, được triển khai trong các năm 2017 - 2022, đến nay, Đề án 2038 đã đạt được kết quả quan trọng nào?

- Trong giai đoạn 2017 - 2022, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án 2038. Đến nay, các sản phẩm đầu ra của Đề án cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ, bước đầu mang lại tác động tích cực trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế xây dựng nói riêng và ngành Xây dựng nói chung.

Cụ thể, thứ nhất, Đề án 2038 đã cơ bản hoàn thành việc rà soát tổng thể, toàn diện hệ thống định mức, giá xây dựng, với khoảng 34.000 định mức do các cơ quan có thẩm quyền công bố.

Sau khi rà soát, hệ thống định mức xây dựng (ĐMXD) bước đầu khắc phục được một số tồn tại, bất cập, theo hướng hạn chế được tình trạng áp dụng sai hoặc lợi dụng làm tăng chi phí đầu tư xây dựng (ĐTXD), gây thất thoát, lãng phí; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc cập nhật, sửa đổi, xây dựng định mức mới trong tương lai, qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ĐMXD.

Thứ hai, các phương pháp xây dựng định mức, giá xây dựng đã được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý, phù hợp với thị trường và được ban hành tại các Thông tư, làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương, các chủ thể liên quan nghiên cứu, áp dụng trong quá trình thực hiện Đề án.

Thứ ba, đã chuyển hóa được một số định hướng của Đề án vào các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, bao gồm: Luật số 62/2020/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí ĐTXD, và các Thông tư hướng dẫn do Bộ Xây dựng ban hành.

Hệ thống văn bản pháp luật này quy định rõ hệ thống định mức, giá xây dựng do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, được áp dụng đối với các dự án đầu tư công; tham khảo đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP, dự án sử dụng vốn khác.

Việc phân công, phân cấp xây dựng và quản lý hệ thống định mức và giá xây dựng được quy định theo hướng minh bạch, rõ trách nhiệm giữa Bộ Xây dựng, Bộ quản lý xây dựng công trình chuyên ngành, các địa phương và chủ thể liên quan. Hệ thống ĐMXD phải được rà soát, cập nhật 3 năm một lần, kể từ ngày được ban hành, hoặc sớm hơn khi cần thiết.

Thứ tư, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng sử dụng chung, thống nhất quản lý, vận hành và kiểm soát toàn diện hệ thống trên phạm vi toàn quốc, nhằm phục vụ quản lý, số hóa ngành Xây dựng, tạo thuận lợi cho các chủ thể trong xác định và quản lý chi phí ĐTXD, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giúp tiết kiệm nguồn lực, công khai minh bạch thông tin, góp phần chống thất thoát, lãng phí trong ĐTXD.

Hệ thống định mức và giá xây dựng: Cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung thường xuyên

Bên cạnh những thành quả đạt được nói trên, việc triển khai Đề án 2038 còn có những vướng mắc gì, thưa Cục trưởng?

- Việc triển khai Đề án 2038 cũng có một số tồn tại hạn chế như nhiều nhiệm vụ chưa đạt tiến độ theo kế hoạch dự kiến ban đầu. Theo tôi đánh giá, nguyên nhân chủ yếu là mức độ phức tạp, quy mô và khối lượng công việc cần thực hiện của Đề án là rất lớn, trong khi các cơ quan chuyên môn về xây dựng tại các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn còn hạn chế về kinh nghiệm và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng định mức, đơn giá xây dựng.

Hơn nữa, một số Bộ, địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; chưa chủ động phối hợp, phân bổ nguồn lực và thời gian phù hợp trong quá trình triển khai, thực hiện dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc đáp ứng các yêu cầu về mục tiêu và tiến độ đề ra của Đề án. Nguồn lực chi cho việc rà soát định mức chưa được phân bổ kịp thời. Việc tổ chức thực hiện xây dựng định mức dự toán theo các phương pháp mới ban hành vẫn còn một số lúng túng, vướng mắc.

Một nguyên nhân khác nữa là do tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng triển khai các nhiệm vụ của Đề án. Công tác hướng dẫn và nhất là tổ chức thực hiện đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Công tác tập huấn, đào tạo cho các đối tượng tham gia thực hiện Đề án chưa được quan tâm đúng mức.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Xây dựng, vẫn còn kiến nghị liên quan đến đơn giá, định mức. Phải chăng các công cụ phục vụ quản lý chi phí ĐTXD luôn phải rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, thưa Cục trưởng?

- Bộ Xây dựng xác định công tác quản lý chi phí ĐTXD là một trong những công việc trọng tâm. Trước diễn biến nhanh của thị trường xây dựng trong giai đoạn vừa qua, đòi hỏi công tác này phải được thường xuyên đổi mới, cập nhật để đáp ứng yêu cầu về trình độ quản lý và thực tiễn triển khai.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ, thường xuyên rà soát, cập nhật, ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống định mức, đơn giá đáp ứng việc quản lý chi phí ĐTXD. Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, chịu trách nhiệm hướng dẫn, cho ý kiến về phương pháp, kết quả công bố và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về định mức và giá xây dựng.

Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để đổi mới công tác xây dựng và quản lý định mức, giá xây dựng đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí ĐTXD phù hợp nguyên tắc thị trường, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong ĐTXD, khuyến khích áp dụng mô hình công nghệ mới, tiên tiến, tăng năng suất lao động.

Nâng cao chất lượng công tác tư vấn từ tư vấn lập dự án, thiết kế, giám sát, nghiệm thu, quyết toán dự án, công trình; huy động nguồn lực và sự phối hợp, tham gia tích cực của các DN, hội, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, hoàn thiện, bổ sung hệ thống định mức, giá xây dựng.

Hình thành hệ thống dữ liệu quốc gia về định mức, đơn giá, suất đầu tư, đơn giá tổng hợp, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) của dự án, công trình theo từng lĩnh vực, trong đó, bao gồm xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng quốc gia, đô thị, góp phần tính toán các yếu tố kinh tế vĩ mô, quản trị dự án, chương trình và định hướng phát triển.

Và để phát huy tối đa hiệu quả của Đề án 2038, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các địa phương chủ động, tiếp tục triển khai nhiệm vụ nêu trong Đề án là nhiệm vụ thường xuyên; Ưu tiên tập trung, bố trí nguồn lực triển khai nhiệm vụ quản lý hệ thống định mức và giá xây dựng được Chính phủ phân công tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chi phí ĐTXD, tuân thủ quy định pháp luật.

Về phía Bộ Xây dựng, Bộ sẽ thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống định mức và giá xây dựng hiện hành; Ban hành mới định mức và giá xây dựng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, hoặc công trình tổng hợp liên quan đến nhiều lĩnh vực; Quản lý có hiệu quả mô hình hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng quốc gia.

Bộ Xây dựng đồng thời nghiên cứu ban hành hệ thống phương pháp xây dựng định mức và giá xây dựng và các công cụ quản lý chi phí ĐTXD đáp ứng yêu cầu đổi mới theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động ĐTXD; Tăng cường, đẩy mạnh hoạt động tập huấn, hướng dẫn các chủ thể có liên quan; Đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra, cho ý kiến việc ban hành định mức, giá xây dựng và các công cụ quản lý chi phí ĐTXD của các Bộ, ngành, địa phương; định kỳ tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Đối với các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND các tỉnh, cần thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống định mức và giá xây dựng hiện hành; Ban hành mới định mức chuyên ngành, đặc thù và đơn giá xây dựng thuộc phạm vi quản lý nhà nước được phân công phù hợp với phương pháp do Bộ Xây dựng ban hành; Chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng, triển khai ban hành định mức, giá xây dựng và các công cụ quản lý chi phí ĐTXD; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện đảm bảo quản lý hiệu quả chi phí ĐTXD.

Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Hòa Bình (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load