(Xây dựng) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định số 4916/UBND-NL về việc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn.
Trang trại chăn nuôi lợn của ông Phan Công Vũ (Hà Tĩnh) vừa bị phạt gần 300 triệu đồng do gây ô nhiễm môi trường. |
Theo báo cáo của Công an tỉnh tại Văn bản số 604/BC-CAT-ANKT ngày 12/7/2024, hoạt động của các cơ sở chăn nuôi lợn thời gian qua đã tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, còn có việc vi phạm các quy định trong hoạt động chăn nuôi, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự. Để kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động của các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh; xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 2549/SNN-CNTY ngày 09/8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước, rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật của các cơ sở chăn nuôi, kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định đối với các cơ sở có vi phạm, không để hình thành “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn; tập trung vào các nội dung:
UBND các huyện, thành phố, thị xã: Kỳ Anh, Vũ Quang, Hương Sơn, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm về môi trường tại các trang trại chăn nuôi lợn theo theo báo cáo của Công an tỉnh tại Văn bản số 604/BC-CAT-ANKT ngày 12/7/2024.
Tổ chức rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các trang trại chăn nuôi; thống kê, rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các trang trại chăn nuôi lợn thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý về môi trường và xây dựng các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo theo quy định; kiểm tra điều kiện chăn nuôi của trang trại chăn nuôi quy mô vừa và quy mô nhỏ, thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi; thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Thống kê, rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện việc đề xuất cấp Giấy phép môi trường theo quy định.
Tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các trang trại chăn nuôi lợn do UBND tỉnh phê duyệt báo cáo ĐTM/Giấy phép môi trường; xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Tham mưu thẩm định hồ sơ môi trường và trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án/các trang trại chăn nuôi thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã trong công tác tổ chức, thực hiện kiểm tra điều kiện chăn nuôi đối với các cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ và việc thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.
Triển khai, hướng dẫn; tổ chức kiểm tra, đánh giá điều kiện chăn nuôi và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.
Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn chủ các cơ sở chăn nuôi rà soát, thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục đầu tư và tổ chức, triển khai kịp thời, đảm bảo các nội dung dự án được phê duyệt.
Chủ trì kiểm tra, rà soát, thẩm định kỹ nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các vấn đề liên quan đến đất đai, khoáng sản, nông nghiệp, xây dựng, khoảng cách an toàn với hiện trạng, quy hoạch khác có liên quan và quy định của pháp luật đối với các dự án chăn nuôi đầu tư mới.
Sở Xây dựng: Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, giấy phép xây dựng, trật tự xây dựng đối với các dự án trang trại nuôi lợn trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
Công an tỉnh: Phối hợp các Sở, ngành, địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về chăn nuôi, bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các nội dung nêu trên; định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm và đột xuất khi có yêu cầu, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền theo quy định; kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất đối với những nội dung phát sinh liên quan.
Phương Dung
Theo