Thứ bảy 09/11/2024 08:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Hà Tĩnh: Giải pháp đưa Khu kinh tế Vũng Áng “cất cánh”

18:31 | 05/07/2023

(Xây dựng) - Để Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng trở thành “bến đỗ” lý tưởng cho các nhà đầu tư tầm cỡ với các dự án lớn, có sức lan tỏa trong khu vực, đáp ứng được những mục tiêu, kỳ vọng đặt ra và phát huy các tiềm năng, lợi thế, trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, cơ hội càng rộng mở hơn khi quy hoạch chung KKT đang được điều chỉnh, hướng tới mục tiêu đưa Vũng Áng trở thành trung tâm khu vực Bắc Trung bộ, miền Trung và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao.

Hà Tĩnh: Giải pháp đưa Khu kinh tế Vũng Áng “cất cánh”
Ông Lê Trung Phước - Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh: “Quyết tâm xây dựng KKT Vũng Áng trở thành KKT đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực, logistics của tỉnh và khu vực”.

Điều chỉnh, mở rộng Khu kinh tế Vũng Áng

Muốn giải quyết được những vấn đề trên, thì việc có cơ chế chính sách mạnh là cần thiết, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau: Trước hết, về phân cấp phân quyền trong xử lý hành chính, cần thiết phải nghiên cứu trình cơ quan Trung ương có cơ chế đặc thù trong việc phát triển KKT Vũng Áng, trong đó theo hướng ưu tiên giảm bớt các thủ tục trình xin ý kiến Trung ương; ưu tiên nguồn lực của Trung ương cho KKT Vũng Áng.

Tiếp đến, về quy hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch: Xây dựng chương trình, kế hoạch và các cơ chế chính sách cần thiết để triển khai thực hiện quy hoạch đồng bộ, hiệu quả. Xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

Tổ chức lập mới, điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng trong KKT để thực hiện công tác kêu gọi đầu tư, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển KKT trong giai đoạn mới.

Nâng cao công tác quản lý quy hoạch các khu chức năng theo Quy hoạch chung xây dựng KKT Vũng Áng; gắn kết với Quy hoạch chung của thị xã Kỳ Anh, Quy hoạch vùng huyện Kỳ Anh, phù hợp với Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch xây dựng vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình.

Kết hợp, củng cố nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại III, hướng tới xây dựng thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025; tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm quy hoạch, đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Tập trung huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với quy hoạch hạ tầng chung của tỉnh, đóng góp xứng đáng vào tổ chức không gian cũng như hoạt động của địa phương có KKT Vũng Áng (đô thị thị xã Kỳ Anh và vùng huyện Kỳ Anh), góp phần nâng cấp thị xã Kỳ Anh đáp ứng các yêu cầu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Sử dụng các nguồn vốn bổ sung khác từ các hình thức đầu tư đối tác công tư, từ các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh các dự án khu dân cư đô thị, khu nhà ở cho công nhân, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khác. Khuyến khích hình thức xã hội hóa nguồn kinh phí lập quy hoạch cho KKT theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, về hạ tầng kỹ thuật: Đầu tư các công trình, dự án xây dựng, nâng cấp và hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật trong KKT như hạ tầng giao thông nội vùng, giao thông kết nối KKT với các thị trường trong nước và nước ngoài; trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hoá của Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan; hạ tầng kỹ thuật trong Khu công nghiệp (KCN) Vũng Áng I, trong các khu chức năng của KKT; hệ thống thu gom và xử lý nước thải, hệ thống kênh tách nước phân lũ (giai đoạn 2)…

Về hạ tầng đô thị: Đầu tư xây dựng, phát triển các khu đô thị mới, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của tầng lớp có mức sống cao, đồng thời có các khu vực đáp ứng nhu cầu về nơi ở cho tầng lớp lao động có thu nhập thấp; cụ thể đầu tư xây dựng Khu đô thị Kỳ Ninh, Kỳ Nam thành khu đô thị hiện đại, gắn với phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, đáp ứng yêu cầu là nơi sinh sống lâu dài của các gia đình thuộc tầng lớp có thu nhập cao đến từ các địa phương trong nước và các quốc gia; về lâu dài có thể hình thành trung tâm tài chính - ngân hàng của khu vực miền Trung.

Xây dựng khu đô thị Trung tâm thị xã Kỳ Anh theo hướng đa dạng, vừa có khu vực hiện đại, vừa có khu vực giá rẻ, đáp ứng yêu cầu của tầng lớp công nhân có thu nhập trung bình và thấp; cải tạo các đô thị hiện hữu nhằm đa dạng hóa phục vụ sự lựa chọn của người dân về nơi ở.

Về hạ tầng xã hội: Kêu gọi đầu tư xã hội hóa nhằm hình thành và phát triển hệ thống giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, công nghệ thông tin… đáp ứng nhu cầu của nhóm thu nhập cao, hướng tới đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, phải đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng xã hội công lập hoặc ngoài công lập đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động.

Đề xuất Chính phủ tiếp tục đưa KKT Vũng Áng vào danh sách các KKT ven biển trọng điểm được ưu tiên tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Đề xuất các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư cho các công trình dự án trọng điểm theo chương trình, dự án của ngành, lĩnh vực trên địa bàn, đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án của các Bộ, ngành Trung ương để tập trung đầu tư hạ tầng cho KKT.

Hà Tĩnh: Giải pháp đưa Khu kinh tế Vũng Áng “cất cánh”
Hội thảo khoa học “Xây dựng KKT Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực và logistics thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững”.

Điểm nhấn trung tâm logistics Vũng Áng - Sơn Dương

Triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng trong giai đoạn 2021 - 2023 theo Nghị quyết số 276/2021/NQ-HĐND ngày 28/4/2021 của HĐND tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển tuyến vận chuyển container cố định qua cảng Vũng Áng. Đến năm 2023, tích hợp vào nội dung của Chính sách hỗ trợ hoạt động nhập khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics theo Kết luận số 23-KL/TU ngày 21/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Đối với Trung tâm logistics Vũng Áng - Sơn Dương, tiếp tục làm việc với nhà đầu tư tiềm năng để phối hợp hoàn thiện Quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm Logistics và dịch vụ hậu cảng Sơn Dương, tỷ lệ 1/500 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; cùng với quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm Logistics và dịch vụ hậu cảng Vũng Áng, tỷ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1734/QĐ-UBND ngày 8/4/2021 để tập trung thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tài chính đầu tư vào Trung tâm logistic gắn với khai thác lợi thế cảng biển, dịch vụ hậu cảng.

Tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như giao thông, cấp nước, điện, thông tin liên lạc… đối với khu hậu cảng Vũng Áng, cũng như hạ tầng giao thông kết nối với Quốc lộ 12C nhằm tạo sự đột phá mạnh mẽ, sức hấp dẫn cho việc thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tài chính đầu tư vào Trung tâm Logistic Vũng Áng - Sơn Dương gắn với khai thác lợi thế cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương. Xây dựng khu phi thuế quan, tạm nhập tái xuất tại khu vực cảng Vũng Áng - Sơn Dương và Trung tâm Logistic.

Hơn hết, xúc tiến triển khai dự án đường sắt tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Gia từ cảng Vũng Áng đến biên giới Việt - Lào theo Quy hoạch được phê duyệt. Hình thành chuỗi giá trị có tính liên kết: Các dịch vụ cảng biển, khu đô thị cảng biển, dịch vụ phục vụ cho KKT với trọng tâm là cảng biển, công nghiệp gang thép, khu đô thị du lịch.

Tạo quỹ đất sạch, hỗ trợ giải phóng mặt bằng

Tập trung ưu tiên các nguồn lực thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, để tạo quỹ đất để thu hút đầu tư, kịp thời bàn giao mặt bằng cho các dự án có quy mô lớn, mang tính động lực của KKT như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II; Dự án nhà máy sản xuất ôtô và linh phụ kiện kết hợp cảng biển của Công ty Cổ phần Vin Homes (tại lô CN4, CN5); trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng III…

Tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án di dời, tái định cư các hộ dân nhằm tạo quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư tại KKT Vũng Áng theo các quyết định và kế hoạch được giao. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 giải phóng mặt bằng trên 2.500ha; giai đoạn 2026 - 2030 giải phóng mặt bằng trên 3.000ha.

Huy động nguồn lực để xây dựng các khu tái định cư, ưu tiên hoàn thiện các công trình hạ tầng xã hội trong các khu tái định cư theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu sinh sống ổn định và việc làm cho các hộ dân được tái định cư.

Tập trung huy động và bố trí nguồn vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn ứng trước từ nhà đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn KKT, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về đất đai, thu hồi đất đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư không triển khai hoặc chậm tiến độ theo quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác phối hợp giữa UBND thị xã Kỳ Anh, UBND huyện Kỳ Anh, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động người dân hiểu và thực hiện các quy định, chính sách của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đồng thời đảm bảo phối hợp chặt chẽ trong thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư.

Hà Tĩnh: Giải pháp đưa Khu kinh tế Vũng Áng “cất cánh”
Hệ thống vận chuyển thép của Formosa Vũng Áng.

Đặc biệt, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn KKT Vũng Áng. Các lực lượng quân sự, công an, biên phòng phối hợp với các cấp, các ngành tại KKT trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng.

Duy trì thường xuyên các lực lượng đặc nhiệm, cơ động của quân sự, biên phòng, công an, chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo sớm những tác động ảnh hưởng trực tiếp đến thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân tại KKT Vũng Áng. Kiên quyết chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để mời gọi đầu tư.

Tin rằng, trong tương lai không xa, KKT Vũng Áng sẽ phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại.

Theo báo cáo của Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện tại, KKT Vũng Áng đã thu hút đầu tư được 153 dự án với tổng vốn đăng ký kinh doanh hơn 16,02 tỷ USD.

Một số dự án lớn đã đi vào hoạt động và có sản phẩm tiêu thụ ra thị trường, như: Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1; Tổng kho xăng dầu Dầu khí Vũng Áng; Tổng kho khí hóa lỏng Bắc Trung bộ; cảng Vũng Áng; Khách sạn Mường Thanh - Hà Tĩnh…

Một số dự án lớn đang trong quá trình xây dựng, phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng gồm: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II; bến cảng số 3, 4, 5, 6; Nhà máy sản xuất Pin VinES.

Hiện tại, các doanh nghiệp này đã giải quyết việc làm cho 18.230 lao động (trong đó 17.148 lao động Việt Nam và 1.082 lao động nước ngoài).

Uyên Uyên – Xuân Bé

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load