Thứ năm 07/11/2024 17:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Tĩnh: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu theo các cấp độ của dịch Covid-19 trong tình hình mới

23:01 | 08/09/2021

(Xây dựng) - Để đảm bảo lưu thông, cung ứng đầy đủ hàng hoá thiết yếu, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân giữa bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến mới, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 303/KH-UBND xây dựng các phương án cung cấp hàng hóa thiết yếu đảm bảo duy trì nguồn cung hàng cho Hà Tĩnh theo các cấp độ của dịch bệnh.

ha tinh dam bao nguon cung hang hoa thiet yeu theo cac cap do cua dich covid 19 trong tinh hinh moi
Ảnh minh họa.

Đảm bảo nguồn hàng dự trữ

Để đảm bảo công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu của nhân dân, dự báo nhu cầu tiêu thụ một số hàng hóa thiết yếu trên toàn tỉnh trong thời gian 21 ngày là: 7.800 tấn gạo; 4.160 tấn các loại thịt, thủy hải sản của tỉnh; 8.775 tấn rau xanh; 3,9 đến 5,2 triệu quả trứng; 478.500 thùng mì; 819.000 lít dầu ăn; 5.850.000 lít nước uống đóng chai; 5.850.000 khẩu trang…

Về dự kiến nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nhóm hàng lương thực dự kiến có thể cung ứng khoảng 70-80% nhu cầu của người dân, riêng các doanh nghiệp đầu mối, siêu thị trên địa bàn có khả năng dự trữ, cung ứng 20-30% nhu cầu toàn tỉnh; còn lại người dân tự cung, tự cấp.

Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, dự kiến 6 tháng cuối năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên địa bàn tỉnh đạt 50.000 tấn, trung bình 8.333 tấn/tháng. Các siêu thị trên địa bàn tăng lượng dự trữ thịt hơi lên từ 50% đến 100% so với ngày thường để đáp ứng thêm nhu cầu trong trường hợp cần huy động nguồn hàng gấp cung cấp cho nơi phong tỏa, cách ly khi tình hình dịch diễn biến phức tạp.

Nhóm rau xanh các loại, dự kiến sản lượng sản xuất trong tỉnh vụ Hè và vụ Đông là trên 40.000 tấn, đáp ứng 50-60% nhu cầu của người dân. Đồng thời, các siêu thị trên địa bàn tăng lượng hàng hóa dự trữ từ 50-70% so với ngày thường để đáp ứng thêm nhu cầu người dân khi dịch bệnh xảy ra. Còn lại chủ yếu người dân tự cung tự cấp.

Nhóm trứng gia cầm, dự kiến sản lượng trứng gia cầm 6 tháng cuối năm khoảng 164 triệu quả, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân; các siêu thị tham gia khai thác, dự trữ hàng để đáp ứng thêm nhu cầu khi số lượng người dân tại các khu cách ly, khu phong tỏa tăng nhanh, nguồn hàng tại chỗ tạm thời không đủ để cung cấp.

Nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng: Các doanh nghiệp đầu mối, siêu thị tham gia dự trữ có khả năng dự trữ từ 10-30% nhu cầu của toàn tỉnh. Do nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng, hóa mỹ phẩm có thời hạn sử dụng dài, các địa phương chỉ đạo các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, các chợ truyền thống trên địa bàn chủ động nguồn hàng dự trữ, có thể đáp ứng nhu cầu còn lại để phục vụ người dân.

Mặt hàng nước uống đóng chai, các doanh nghiệp đầu mối có khả năng dự trữ khoảng 70%; các siêu thị, cửa hàng tổng hợp, tiện ích, chuyên doanh có khả năng dự trữ để cung ứng khoảng 25-30% lượng nhu cầu của người dân khi tình hình dịch diễn biến phức tạp.

Mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn: Doanh nghiệp sản xuất và các siêu thị tham gia dự trữ có khả năng đáp ứng 30% nhu cầu toàn tỉnh, còn lại tại các nhà thuốc, doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế, các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh có khả năng dự trữ và cung ứng cho 70% nhu cầu còn lại của người dân.

Nhóm hàng xăng dầu: Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 tổng kho xăng dầu; có 223 hệ thống cửa hàng xăng dầu bán lẻ được bố trí đều khắp trên 13 huyện, thành phố, thị xã; do đó cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu về xăng dầu cho người dân.

Thực hiện cung ứng hàng hóa theo phương châm “4 tại chỗ”

Theo đó, kế hoạch được xây dựng với 3 cấp độ của dịch bệnh: Khi tình hình dịch bệnh đã được ổn định, các ca bệnh đã được cách ly, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng; Khi áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg tại một số địa phương và cấp độ 3 là khi áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh.

Áp dụng phương châm “4 tại chỗ”, phát huy tối đa năng lực cung ứng hàng hóa của từng địa bàn. Trong đó sử dụng nguồn cung hàng hóa của các hộ kinh doanh đối với nhóm hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến sẵn, các hàng tiêu dùng, hàng gia dụng khác… riêng đối với hàng nông sản, thực phẩm tươi sống chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các trang trại, cơ sở sản xuất, các hộ nông dân trong tỉnh.

Khuyến khích người dân trong khu vực cách ly, phong tỏa cũng như người dân trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã khi có nhu cầu về hàng hóa sẽ ưu tiên hàng sử dụng hàng đã có tại các địa phương. Trường hợp đầu mối cung ứng tại các địa phương không có hoặc không đủ số lượng cung ứng liên hệ đặt hàng trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại với các siêu thị, trung tâm thương mại, của hàng tiện lợi, thương nhân đầu mối thu mua hàng hóa… trên địa bàn để đặt mua hàng hóa.

Hình thành phát huy vai trò của tổ cung ứng hàng hóa tại khu vực, tại các địa phương, hỗ trợ nhận đơn hàng của người dân tại khu vực bị cách ly, phong tỏa để đặt hàng với yêu cầu công tác giao nhận hàng hóa phải đảm bảo an toàn quy định về phòng chống dịch bệnh tại các chốt kiểm soát.

Việc xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao phục vụ đời sống người dân, bình ổn thị trường khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định tình hình để phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thương mại ổn định, khai thác hàng hóa đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ trước, trong và sau dịch bệnh, hạn chế khan hiếm hàng hóa, tăng giá cục bộ; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiệm các hành vi đầu cơ, găm giá lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; kịp thời hỗ trợ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng ở mức độ tối thiểu cho người dân ở khu vực cách ly, khu vực phong tỏa di dịch bệnh.

Phương Uyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load