(Xây dựng) - “Qua rà soát, tổng số cơ sở nhà đất dôi dư chưa hoàn thành xử lý trên địa bàn toàn tỉnh là 245 cơ sở; trong đó số cơ sở dôi dư thuộc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và doanh nghiệp Nhà nước quản lý là 11; số cơ sở nhà đất dôi dư thuộc các địa phương quản lý là 234”, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc cho biết trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII.
Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII. |
Trả lời vấn đề liên quan tới kết quả giải ngân một số chính sách theo nghị quyết HĐND tỉnh đang đạt thấp, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc cho biết: Hiện có 36 chính sách đang được thực hiện (gồm các chính sách từ giai đoạn trước và trong nhiệm kỳ). Thời gian qua, Sở Tài chính cũng đã bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh để tổ chức triển khai.
Tính đến tháng 7/2024, số tiền giải ngân 36 chính sách trên địa bàn là 855 tỷ đồng; đã giải ngân 440 tỷ đồng (đạt 51% kinh phí phân bổ); đạt khá so với cùng kỳ năm 2023. Về giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tài chính cho biết UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo đôn đốc, phê bình, yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các cơ quan, đơn vị triển khai còn chậm; đặt ra “đường găng” thời hạn, giao trách nhiệm cho từng các Sở, ngành. Đối với những vướng mắc trong quá trình thực hiện cần rà soát, báo cáo kịp thời để xem xét điều chỉnh, sửa đổi…
Liên quan đến câu hỏi về việc giải quyết các trụ sở, tài sản công, nhất là tài sản dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố, ông Trịnh Văn Ngọc cho biết: Đến thời điểm hiện nay, qua rà soát, tổng số cơ sở nhà đất dôi dư chưa hoàn thành xử lý trên địa bàn toàn tỉnh là 245 cơ sở; trong đó số cơ sở dôi dư thuộc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và doanh nghiệp Nhà nước quản lý là 11; số cơ sở nhà đất dôi dư thuộc các địa phương quản lý là 234.
Về giải pháp, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc cho biết, Sở đã tham mưu thành lập Tổ công tác để trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc xử lý đối với các trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp các cơ quan, đơn vị sự nghiệp Nhà nước và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động, quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ xử lý các cơ sở nhà đất thuộc phạm vi do địa phương quản lý; rà soát để xây dựng phương án xử lý trình cấp thẩm quyền phê duyệt đối với các cơ sở chưa có phương án xử lý. Đối với các cơ sở nhà đất mà hình thức xử lý hiện nay không còn phù hợp thì đề xuất phương án xử lý phù hợp với nhu cầu, hiện trạng và các quy định hiện hành.
Toàn cảnh kỳ họp. |
Đại biểu Đặng Trần Phong - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân có ý kiến về giải quyết các trụ sở của cơ quan Trung ương không còn nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính cho hay: Hiện nay, ở Hà Tĩnh có 35 cơ sở cũ của Bộ, ngành Trung ương, tới nay, đã giải quyết xong 15 cơ sở, còn 20 cơ sở chưa được xử lý.
Về nội dung cần có phương án ngắn hạn xử lý tạm thời các trụ sở dôi dư để đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan, Giám đốc Sở Tài chính thông tin: Trên địa bàn có một số trụ sở cũ, như ở thành phố Hà Tĩnh, trong lúc chưa thể thu hút nhà đầu tư trong đấu giá, đấu thầu, chuyển giao cho địa phương quản lý. Trong quá trình chờ phương án xử lý, địa phương chịu trách nhiệm trong chỉnh trang, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự.
Phương Dung
Theo