Thứ sáu 17/05/2024 19:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội: Tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt một nửa so với quy hoạch

14:08 | 21/01/2024

(Xây dựng) - Trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô ngày 19/1, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo đã làm rõ về các vấn đề giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Hà Nội: Tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt một nửa so với quy hoạch
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội trả lời câu hỏi của các phóng viên.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trong những năm qua, tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp. Đồng thời, hiện trạng hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội có đến hơn 8 triệu phương tiện chưa kể 1,2 triệu phương tiện của tỉnh thành khác lưu thông trên địa bàn. Không chỉ vậy, với dân số của gần 10 triệu người, áp lực lên hạ tầng, không chỉ giao thông mà còn hạ tầng xã hội khác như y tế, giáo dục là rất lớn .

Ông Trần Hữu Bảo chỉ ra tỷ lệ đất dành cho giao thông Hà Nội hiện nay chỉ đạt 12-13% trong khi đó theo quy hoạch ít nhất phải đạt 20-26%; giao thông tĩnh chưa đạt 1% so với quy hoạch là phải đạt 3-4%.

Từ đó dẫn đến các tuyến đường, nút giao có mật độ người lưu thông rất lớn, có tuyến vượt 8 lần thiết kế như tại đường Vành đai 3 trên cao, cầu Thanh Trì (8,1 lần); cầu Chương Dương (8 lần); các tuyến đường như Nguyễn Trãi vượt hơn 3 lần vào giờ cao điểm; đường Tố Hữu, Lê Văn Lương vượt 1,6-1,7 lần.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cũng nói thêm, tình hình giao thông trong dịp Tết Nguyên đán dự báo sẽ còn diễn biến khó lường hơn nữa do cả người dân tỉnh thành khác đổ về Thủ đô.

Trong phần trả lời báo chí của mình, ông Trần Hữu Bảo khẳng định, việc lưu lượng vượt quá kết cấu hạ tầng; hiện nay Thành phố triển khai nhiều công trình trọng điểm dẫn đến rào chắn tuyến đường làm thu hẹp mặt cắt tuyến đường; ý thức tham gia giao thông người dân chưa cao, “đi điền vào chỗ trống” là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông vẫn còn tồn tại kéo dài.

Về giải pháp cụ thể, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, vừa qua, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 33 về chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch và Thành phố đang kiên trì thực hiện 6 nhóm giải pháp cơ bản và lâu dài: Tăng cường vận tải hành khách công cộng giảm thiểu phương tiện cá nhân. Tăng cường công tác giao thông khoa học hơp lý để phát huy hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin hạ tầng gia thông cho linh hoạt. Tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành giao thông cho người dân và song song đó là tăng cường xử lý nghiêm hành vi vi phạm, tạo thói quen đi lại cho người dân.

Về nhiệm vụ trước mắt, đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết đã phối hợp với Công an Thành phố phối hợp với 4 tổ công tác rà soát toàn bộ tình trạng giao thông Thành phố vào thứ 5 hàng tuần. Ngoài ra, Sở cũng đang tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm mô phỏng để tổ chức lại giao thông nhằm tối ưu hóa khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng giao thông hiện có.

Cũng trong buổi họp báo, Hà Nội cam kết, khẳng định, dự án đường Vành đai 4 về đích đúng tiến độ theo lời hứa với Quốc hội và Chính phủ. Đây cũng là một điểm sáng kỳ vọng trong việc giải quyết vấn đề giao thông và kết nối khu vực của Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trung Hiếu cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đến hết tháng 1/2024, tỷ lệ giải ngân ước đạt trên 95%.

Theo ông Hiếu, thành phố xác định đầu tư công là đòn bẩy, điểm tựa để thúc đẩy kinh tế - xã hội nên Thành phố rất quan tâm chỉ đạo. Việc thực hiện giải ngân đầu tư công trong các dự án công đang được thành phố đẩy mạnh, tập trung vào các công trình trọng điểm của thành phố, trong đó có đường Vành đai 4, Vành đai 2,5, các dự án đường sắt đô thị.

Nói thêm về vấn đề trên, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng phát biểu: 3 năm vừa qua, Hà Nội đã có sự cải thiện vượt bậc về giải ngân đầu tư công. Ông cũng khẳng định, Hà Nội đã vào cuộc rất quyết liệt. Có được sự quyết liệt này, Thường trực, Thường vụ Thành ủy đã phân công từng cán bộ theo dõi địa bàn rà soát hàng ngày. Ngoài ra, với từng dự án thành phần, hàng tháng đều có báo cáo.

Riêng đối với Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong 3 tỉnh khởi công, đến thời điểm này, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố Hà Nội – Chủ đầu tư dự án đang là đơn vị giải ngân cao nhất Thành phố. “Hà Nội cam kết, khẳng định, dự án đường Vành đai 4 về đích đúng tiến độ theo lời hứa với Quốc hội và Chính phủ”- ông Trương Việt Dũng nhấn mạnh.

Vũ Trung

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load