(Xây dựng) - Thành phố Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Trong những năm gần đây, Hà Nội có tốc độ phát triển rất nhanh, từ đó các vấn đề môi trường cũng phát sinh theo, lượng rác thải ngày càng nhiều đổ bừa bãi ra hệ thống thoát nước. Trước những vấn đề đặt ra như vậy, việc cải tạo hệ thống thoát nước và quản lý môi trường nước ở thành phố Hà Nội càng trở nên cấp thiết, nhằm khắc phục tình trạng ngập úng và cải thiện môi trường, cảnh quan thiên nhiên góp phần vào phát triển bền vững của đất nước.
Trận mưa lớn đầu mùa kéo dài vào ngày 26/4 đã làm tuyến đường trong khu đô thị Ecohome 3 (Hà Nội) ngập sâu trong nước. |
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để phục vụ mục tiêu thoát nước từ năm 2005 đến nay, UBND Thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vào các dự án thoát nước. Trong đó, đáng chú ý là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỷ đồng. Tại Hà Nội hiện nay có 906 trạm, nhà máy xử lý nước thải được vận hành. Trong đó, nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long – Vân Trì công suất thiết kế 38.000 m3/ngày đêm (đang vận hành với công suất 6.000 m3/ngày đêm). hiện nay liên danh Phú Điền - SFC đang đề xuất đấu nối thu gom các nguồn nước thải khu vực xung quanh nhà máy, tăng công suất xử lý thêm 6.000 - 10.000m3/ngày đêm. Ngoài ra còn có trạm xử lý nước thải Kim Liên với công suất 3.700m3/ngày đêm; trạm xử lý nước thải Trúc Bạch với công suất 2.300m3/ngày đêm; nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất thiết kế 200.000m3/ngày đêm; trạm xử lý nước thải Bảy Mẫu công suất 13.300m3/ngày đêm; trạm xử lý nước thải Hồ Tây công suất 15.000m3/ngày đêm.
Vậy nên, chỉ một phần nhỏ lượng nước thải được xử lý (khoảng 23,2%), phần còn lại gần như không được xử lý, xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung của thành phố. Để khắc phục tác động của biến đổi khí hậu và các hạn chế, yếu kém trong thực hiện công tác giảm ngập nước và tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, UBND Thành phố, Sở Xây dựng đã để ra nhiều giải pháp chỉ đạo thực hiện quy hoạch tổng thế hệ thống thoát nước Hà Nội đến năm 2030. Cụ thể, tăng cường công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước, xử lý việc lần chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước. Đồng thời tập trung kiểm tra, xử lý tình trạng ngập nước do ảnh hưởng thi công của các dự án, góp phần làm giảm được một số điểm úng ngập và phần nào cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường nước trên địa bàn Thủ đô.
Theo Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), để góp phần giải quyết úng ngập cho lưu vực sông Tô Lịch và không để phát sinh điểm úng ngập mới trên các lưu vực còn lại cần thiết phải đưa ra kế hoạch và giải pháp cụ thể. Tổ chức họp với các đơn vị duy trì thoát nước trên địa bàn thành phố tổng hợp, phân tích cụ thể của từng điểm úng ngập: nguyên nhân úng ngập, hệ thống cống thoát nước, lưu vực thoát nước, điểm xả của điểm úng ngập. Từ đó xây dựng báo cáo tổng thể về hiện trạng của các điểm úng ngập.
Không chỉ vậy, xây dựng bản đồ số hoá, mô phỏng hệ thống thoát nước của các điểm ngập bằng công nghệ thông tin. Ứng dụng các phần mềm SWMM, Pipe Design Pro để mô phỏng và phân tích hệ thống thoát nước từ đó xác định rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng úng ngập (do cao độ đường, tiết diện ống nhỏ, điểm xả không đảm bảo khả năng thoát nước...).
Thực hiện các giải pháp để giải quyết tình trạng ngập úng: Duy tu, duy trì nạo vét hệ thống cống, rãnh, mương tăng tiết diện dòng chảy, đưa ra các giải pháp xây lắp: Thay thế các tuyến cống có tiết diện nhỏ, xuống cấp. Xây dựng các tuyến công mới có khả năng thoát nước, đưa ra các giải pháp chống úng ngập theo các nước tiên tiến như: Áp dụng công nghệ xây dựng hồ điều tiết ngầm chống ngập của Nhật Bản (Crosswave). Dự kiến đến năm 2025, giải quyết 11 điểm úng ngập trên lưu vực sông Tô Lịch và không để phát sinh các điểm úng ngập mới trên các lưu vực còn lại.
Hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội đang giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị quản lý, vận hành 54 trạm bơm tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố. Trong 54 trạm bơm hiện chỉ có: 4 trạm bơm Đồng Bông I, Đồng Bông II,
Cổ Nhuế, Yên Sở được ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Các trạm bơm còn lại hiện vẫn chưa được ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành hoàn toàn bằng thủ công. Điều này khiến cho công tác quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn, các sự cố, hỏng hóc nhiều khi chưa được thông báo và xử lý kịp thời.
Ban Duy tu các công trình hạ tầng kĩ thuật đô thị đã nhận bàn giao quản lý giám sát công tác vận hành 5 Nhà máy/trạm xử lý nước thải với tổng công suất 261.000m3/ngày/đêm (nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Bắc Thăng Long - Vân Trì, hồ Bảy Mẫu, trạm xử lý nước thải Kim Liên, Trúc Bạch). Tuy nhiên, do sự phát triển hạ tầng kinh tế xã hội theo quy hoạch và tồn tại trong quá trình đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom nên một số nhà máy chưa vận hành đủ theo công suất thiết kế, hệ thống thu gom nước thải về nhà máy chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ.
Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, công suất thiết kế 200.000m3/ngày/đêm hiện đang vận hành với cống suất trung bình năm khoảng 174.362m3/ngày/đêm. Nước thải vào nhà máy được lấy từ sông Kim Ngưu, chưa có hệ thống thu gom riêng dẫn đến nhà máy nhiều lúc phải xử lý hỗn hợp nước thải, nước mưa gây lãng phí. Mặt khác, hệ thống thu gom chưa được xây dựng dẫn đến sông Kim Ngưu thường xuyên rơi vào tình trạng ô nhiễm môi trường nước.
Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì công suất thiết kế 42.000m3/ngày/đêm gồm 6 đơn nguyên, hiện đang vận hành 2 đơn nguyên với công suất xử lý khoảng 9.000m3/ngày/đêm.
Hiện nay, lượng bùn thải phát sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ công tác nạo vét duy trì hệ thống thoát nước, xử lý nước thải vào khoảng 1.000 tấn/ngày (bao gồm cả bùn thải từ nạo vét hồ Hoàn Kiếm) và dự kiến tăng lên 3.000 tấn/ngày năm 2030. Lượng bùn thải này được tập kết về bãi bùn thải Yên Sở và được xử lý hoàn toàn bằng hình thức chôn lấp. Việc xử lý bùn bằng phương pháp này vừa tốn diện tích bãi, đồng thời không giải quyết triệt để được tình trạng ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, không tái sử dụng được bùn thải vào các mục đích khác. Mặt khác, bãi chôn lấp bùn thải Yên Sở chỉ có dung tích chứa khoảng 1.200.000 tấn, thời gian lấp đẩy khoảng 30 tháng do đó việc xây dựng biện pháp xử lý bùn theo công nghệ hiện đại trở thành yêu cầu vô cùng cấp bách.
Với những giải pháp thực tế mà Hà Nội đang triển khai, hy vọng công tác duy tu duy trì hệ thống thoát nước phòng chống ngập úng sẽ được cải thiện trước mùa mưa bão sắp tới.
Đặng Ngân
Theo