(Xây dựng) – Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có 6 chung cư cũ thuộc nguy hiểm cấp độ D nhưng hiện mới có 1 nhà (C1 Thành Công - Ba Đình) hoàn thành việc di dời dân. Tiến độ thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ hiện còn rất chậm, nếu không có những giải pháp mạnh người dân sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm trực chờ.
Nhiều chung cư cũ tại Hà Nội phải đối mặt nguy cơ sụp đổ nếu Thành phố không có những biện pháp mạnh hơn (Nguồn ảnh: TTXVN). |
Nhiều chung cư ở cấp độ nguy hiểm nhưng vẫn chậm di dời
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 1.579 chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1960 - 1990, tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành với nhiều chung cư đã hết niên hạn sử dụng. Cũng theo tìm hiểu, sau nhiều năm triển khai, thực hiện chủ trương cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đến nay Hà Nội mới có 30 chung cư cũ được cải tạo xây mới. Trong đó có 16 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, số còn lại đang trong quá trình triển khai thực hiện.
Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành khảo sát, kiểm định chất lượng các chung cư cũ trên địa bàn thành phố, theo đó, đã đánh giá, phân loại hiện trạng được 940 nhà chung cư cũ theo 4 mức độ. Trong đó, đã thực hiện kiểm định 343 nhà và xác định 200 nhà cấp C (cần sửa chữa lớn để bảo đảm sử dụng bình thường); 6 nhà cấp D (phải sửa chữa lớn, ưu tiên làm ngay vì có nguy cơ sập đổ). Tuy nhiên, đến nay mới có 16 nhà hoàn thành cải tạo, xây dựng mới, đưa vào sử dụng (chiếm hơn 1%); 12 nhà đang phá dỡ, triển khai xây dựng. Đặc biệt, trong số 6 chung cư cũ nguy hiểm cấp D, mới có 1 nhà (C1 Thành Công, quận Ba Đình) hoàn thành di dời người dân, phá dỡ và xây dựng mới. Thực tế trên cũng cho thấy, việc cải tạo chung cư cũ còn ỳ ạch và khó triển khai.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc cải tạo chung cư cũ hiện nay đã được tháo gỡ về quy hoạch. Quy hoạch phải căn cứ vào quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đồng thời căn cứ vào định hướng xây dựng lại các khu chung cư này. Hội đồng Kiến trúc sẽ xem xét, có ý kiến thống nhất trên cơ sở các quy hoạch để xác định đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, Nhà nước và nhân dân.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, hiện nay cải tạo chung cư cũ chậm và vướng ở khâu giải phóng mặt bằng và chính sách đền bù tái định cư. Hiện Chính phủ đã thống nhất và Hà Nội đã có những quy định cụ thể từ 1,5 đến 2 lần trên diện tích cũ. Nhưng vấn đề tồn tại hiện nay là diện tích mà họ có nhu cầu mở rộng để nâng cao chất lượng sống thì sẽ tính theo giá nào, giá kinh doanh hay giá đã có hỗ trợ. Phải gắn việc cải tạo chung cư cũ với định hướng xây dựng của thành phố như: Giảm dân số trong nội đô và nâng cao chất lượng sống của người dân.
“Khó khăn nhất là thỏa thuận của người dân về đền bù, giải phóng mặt bằng tái định cư, đây là việc phức tạp, Hà Nội phải giải quyết tốt mới đẩy nhanh tiến trình cải tạo lại nhà chung cư cũ”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Cần những giải pháp mạnh hơn
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Phạm Công Nhân - Chi cục trưởng Chi cục Giám định Xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Thực hiện chủ trương cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, nhiều năm qua Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện, song còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Năm 2021, UBND thành phố đã phê duyệt các đề án, triển khai các kế hoạch theo Nghị định 69 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, Kế hoạch 329 về Quy hoạch toàn bộ chung cư cũ, kế hoạch kiểm định nhà chung cư cũ…
Thực hiện kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, UBND Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, Chi cục Giám định Xây dựng theo đó được giao thực hiện nhiệm vụ theo dõi, triển khai tuyên truyền và phổ biến các kế hoạch đến các quận, huyện có chung cư cũ. Chi cục đã hướng dẫn, triển khai thực hiện các bước theo đúng Điều 5 Thông tư số 10/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng, nội dung kiểm định tuân thủ theo Điều 5 của Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ. Sở Xây dựng sẽ là đơn vị phê duyệt nhiệm vụ cho các quận, huyện để triển khai.
“Chúng tôi đã triển khai thực hiện việc kiểm định theo đúng kế hoạch, tuy nhiên tại một số quận huyện, hiện nay do người dân chưa tạo điều kiện để các cơ quan chuyên môn vào thực hiện khiến công tác kiểm định gặp nhiều khó khăn”, ông Nhân cho biết.
Chia sẻ về những chậm trễ trong cải tạo lại nhà chung cư cũ, Ông Nguyễn Xuân Chung – Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban cải tạo xây dựng nhà chung cư cũ cho biết, thời gian qua do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên tiến độ di dời dân tại các khu tập thể cũ cấp độ D bị chậm trễ. Sở Xây dựng đã phê duyệt nhiệm vụ kiểm định và đề cương kiểm định, hiện Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội đang triển khai các bước tiếp theo theo quy định, dự kiến trong tháng 11/2022 sẽ hoàn thành.
Thực tế trên cho thấy, việc cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ tại Hà Nội còn rất chậm, điều này đòi hỏi các ngành chức năng Thành phố Hà Nội phải có nhiều giải pháp mạnh hơn; Các cấp quận, huyện có nhà chung cư cũ cũng cần phối hợp tích cực với Sở Xây dựng để triển khai thực hiện. Để tạo đồng thuận, Hà Nội cần tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu sâu các quy định của Nghị định 69/NĐ-CP.
Phượng Nguyễn
Theo