(Xây dựng) – Ngày 18/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2021 – 2025.
Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm khoảng 1% trong tổng cung năng lượng sơ cấp của thành phố vào năm 2025. |
Kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 có 3 mục tiêu chính. Mục tiêu thứ nhất là phát triển năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng tái tạo, nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện của thành phố, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Thứ hai là ưu tiên phát điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà và bắt đầu từ việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện đặc thù của Hà Nội.
Thứ ba là tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải sinh hoạt và chất thải rắn, khuyến khích đầu tư phát triển điện sinh khối đồng phát.
UBND Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp của thành phố sẽ đạt khoảng 1%. Trong đó, tổng công suất nguồn điện năng mặt trời ước đạt khoảng 100MWp và điện rác khoảng 150MW.
Để thực hiện các mục tiêu này, Kế hoạch số 225/KH-UBND có đề ra tổng cộng 8 nhiệm vụ trọng tâm. Một là tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích và sự cần thiết của việc phát triển các dự án điện rác, điện mặt trời ở Hà Nội. Hai là thực hiện chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà giai đoạn 2021 – 2025. Ba là thực hiện Đề án khuyến khích các hộ dân, nhà trường lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển điện mặt trời và điện rác trong thời gian tới. |
Bốn là thí điểm lắp đặt mô hình điện mặt trời mặt nước tại hồ Đồng Quan, xã Quang Tiến, huyên Sóc Sơn. Năm là nghiên cứu, đánh giá tiềm năng về năng lượng gió của Hà Nội. Sáu là nghiên cứu, đánh giá tiềm năng về năng lượng điện sinh khối. Bảy là đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện rác trên địa bàn thành phố. Tám là đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời mái nhà.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch sẽ lấy từ ngân sách thành phố và kinh phí của các đơn vị điện lực, doanh nghiệp, khách hàng sử dụng điện và các nguồn kinh phí đóng góp hợp pháp khác.
Dịch Phong (Ảnh: Internet)
Theo