Thứ bảy 09/11/2024 08:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Giải pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Cần khôi phục sự sống cho dòng sông

11:00 | 04/12/2019

(Xây dựng) – Lâu nay, Hà Nội vẫn loay hoay với việc xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch mà không đề cập đến vấn đề khôi phục sự sống cho dòng sông này.

giai phap xu ly o nhiem song to lich can khoi phuc su song cho dong song
Nước sông Tô Lịch đen ngòm, không gian xung quanh đặc quánh mùi hôi thối (Ảnh: VNN).

Vì sao cần phải khôi phục sự sống cho sông Tô Lịch?

Nếu như khi xưa, sông Tô Lịch được gọi là linh hồn của kinh thành Thăng Long, Hà Nội, thì ngày nay ở bất kỳ đoạn sông nào cũng thấy nước đen ngòm, không gian xung quanh dòng sông đặc quánh mùi hôi thối, rác thải trải khắp hai bên bờ sông. Từ nhiều năm nay, dòng sông chết này gây bức xúc cho những hộ dân sống dọc 2 bên bờ sông.

Sông Tô Lịch có chiều dài 14,4km, từng là con sông chính xuyên qua thành phố Hà Nội. Sông Tô Lịch xưa bắt nguồn từ hồ Cửa khẩu sông Hồng, chính là phố Chợ Gạo ngày nay, qua phố Hàng Buồm, Hàng Bạc… đến phố Quan Thánh, Thụy Khê, một nhánh rẽ vào Hồ Tây (nay còn làng Hồ Khẩu), một nhánh chảy qua chợ Bưởi, gặp sông Thiên Phù tiếp thêm nước sông Hồng tạo thành bến Hàm Tân, một trung tâm buôn bán thịnh vượng từ thời Lý Nam Đế.

Đến nay, nhiều người còn nhớ bốn câu thơ: “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh/Ngập ngừng muốn tỏ tâm tình/Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu”.

Ngày nay, đoạn sông quan trọng đó đã hoàn toàn mất, chỉ còn đoạn giữa bắt nguồn từ phố Hoàng Quốc Việt, qua cầu Giấy, cầu Mới đập Thanh Liệt đến hồ Yên Sở để bơm ra sông Hồng khi có cơn mưa lụt. Đoạn còn lại, dọc theo đường Kim Giang đến ngã 3 sông Nhuệ thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì đang là vùng thấp trũng với cống rãnh hôi thối, không ai quan tâm đến.

Dọc theo tuyến sông là cả nghìn ống cống lớn nhỏ ngày đêm xả nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, các cơ sở sản xuất, bệnh viện, chợ. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, con sông này có hơn mười cửa xả lớn thu gom nước thải, khoảng 200 cống tròn đường kính 300 - 1.800mm và hàng nghìn cống nhỏ dân sinh đổ ra sông. Trung bình 1 ngày đêm sông Tô Lịch tiếp nhận trên 100.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp, trong đó có tới 1/3 là nước thải công nghiệp chưa qua xử lý.

Sông Tô Lịch bị ô nhiễm kim loại nặng, vào mùa khô mức độ ô nhiễm càng trở nên trầm trọng. Theo quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường, vào mùa khô năm 2008, so với tiêu chuẩn cho phép, hàm lượng oxy hòa tan (DO) thấp hơn 2,5 lần, nhu cầu oxy hóa học (COD) vượt quá 4,2 lần, hàm lượng amoniac (NH4+) vượt quá 17,3 lần, hàm lượng chất tẩy rửa vượt quá 6,5 lần, tổng số coliform vượt quá hơn 9,55 lần...

Vào mùa mưa, mức độ ô nhiễm có giảm đi nhưng nước sông Tô Lịch vẫn bị ô nhiễm nặng, nước sông có màu đen, có váng, cặn lắng. Với mức độ ô nhiễm rất nghiêm trọng như vậy (các chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần), nước sông Tô Lịch hoàn toàn không thể sử dụng trong sản xuất, sinh hoạt, trồng trọt.

Loay hoay tìm phương án xử lý ô nhiễm

Thời gian qua, chính quyền thành phố Hà Nội đã thực hiện rất nhiều giải pháp nhưng không khả thi. Gần đây nhất vào ngày 30/11/2019, trả lời kiến nghị của cử tri quận Thanh Xuân về việc cần làm sống lại dòng sông Tô Lịch, tái tạo không gian sống trong lành cho người dân, ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố đang nghiên cứu 03 phương án nhằm giải quyết vấn đề này.

Theo đó, phương án thứ nhất, thu gom toàn bộ nước thải là không khả thi do có quá nhiều điểm xả thải dẫn đến chi phí đầu tư xây dựng rất lớn.

Phương án thứ hai, xử lý nguồn ô nhiễm ở sông Tô Lịch đã được thành phố thực hiện theo nhiều cách nhưng kết quả chưa thực sự khả quan và việc áp dụng cũng khó mang lại hiệu quả triệt để, ngay cả việc thí điểm sử dụng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản.

Phương án thứ 3 là xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đặt dọc hai bên bờ sông, nước thải sẽ được đưa về nhà máy nước thải Yên Xá để xử lý. Đến thời điểm hiện nay, hệ thống cống thu gom dự kiến hoàn thành vào năm 2020 nhưng do chậm tiến độ nên đến năm 2021 hệ thống này sẽ được đưa vào sử dụng.

Như vậy, với việc Hà Nội thừa nhận các giải pháp cứu sông Tô Lịch thời gian qua chưa khả thi cũng đồng nghĩa thành phố này vẫn phải tìm phương án khác để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch sau khi kết thúc thí điểm sử dụng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản.

Trước đó, tại thời điểm tháng 10/2019, trong buổi thị sát dự án làm sạch một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor của chuyên gia Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dù rất hoan nghênh công nghệ của Nhật Bản nhưng vẫn cho rằng thành phố Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét đến tính khả thi, phù hợp của công nghệ này với điều kiện thực tế ở Việt Nam trước khi quyết định triển khai áp dụng. Bởi hệ thống nước sông, hồ tại Việt Nam chứa cả nước thải sinh hoạt và nước sản xuất, là đặc điểm rất khác biệt so với ở Nhật Bản nên việc xử lý cần được bổ sung các công nghệ, phương pháp khác mới bảo đảm hiệu quả.

Có thể thấy, đến thời điểm hiện nay, chính quyền Hà Nội chưa thực sự có một giải pháp mang tính tổng thể, xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch.

Theo kiến trúc sư Trần Thanh Vân, người sáng lập và chủ trì các dự án của Công ty Kiến trúc và Môi trường OIKOS JSC, vấn đề cốt lõi cơ bản và cũng là nút thắt quan trọng nhất cần tháo gỡ để xử lý triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch là phải tìm mọi cách làm sống lại dòng sông. Tức là việc tìm đường cho nước vào và nước thoát để tạo nên dòng chảy thì lại chưa có ai, chưa có phương án nào đề cập đến.

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần hội tụ được các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực, những người có đầy đủ hiểu biết, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm góp ý, phản biện hoặc tham gia trực tiếp vào dự án. Đương nhiên, bản thân các nhà khoa học khi đã có năng lực, uy tín trong nghề thì câu chuyện họ đứng ra kêu gọi tài trợ cho dự án xử lý nước thải sông Tô Lịch không phải là vấn đề khó, mà vấn đề quan trọng là thành phố Hà Nội có thực sự mong muốn thực hiện dự án với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong nước hay không?

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load