Thứ sáu 08/11/2024 09:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Giá nước sạch, những đổi mới trong phương pháp định giá

14:45 | 21/07/2021

(Xây dựng) - Nước sạch không chỉ là lĩnh vực độc quyền tự nhiên mà nó còn làm mặt hàng tối cần thiết đối với cuộc sống của người dân, do đó Nhà nước vẫn phải định giá nhằm ngăn ngừa tình trạng lợi dụng vị thế độc quyền để định giá bất hợp lý, làm phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng.

gia nuoc sach nhung doi moi trong phuong phap dinh gia
Giá nước sạch, những đổi mới trong phương pháp định giá.

Sau khi Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch được ban hành; Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và quản lý, Liên Bộ: Tài chính - Xây dựng - Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT ngày 15/5/2012. Hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm định thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, Khu công nghiệp và khu vực nông thôn; Đồng thời Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 88/2012/TT-BTC ngày 28/5/2012 về khung giá tiêu thụ nước sinh hoạt. Có thể khẳng định rằng, về cơ bản các Thông tư trên đã “mở ra một tư duy mới” về giá nước, phương pháp định giá nước, giải quyết tương đối hài hòa lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào hoạt động sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nước sạch.

Tuy nhiên, qua thực tế gần 10 năm thực hiện, mặc dù một số nội dung của các Thông tư trên vẫn còn phù hợp với điều kiện cấp nước và tiêu thụ nước hiện nay, nhưng do nhiều điều kiện đã thay đổi nên một số nội dung không còn phù hợp gây ra những bất cập trong tình hình mới. Để đáp ứng yêu cầu mới theo quy định của pháp luật, của cơ chế quản lý, khắc phục những bất cập và đảm bảo sự minh bạch hơn nữa trong phương pháp xác định giá nước thì việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 thay thế Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT và Thông tư số 88/2012/TT-BTC nêu trên là cần thiết. Sở dĩ như vậy là vì Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT và Thông tư số 88/2012/TT-BTC ban hành căn cứ vào Pháp lệnh Giá và các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh Giá, nhưng nay Pháp lệnh Giá đã được thay bằng Luật Giá. Mặt khác, Luật số 63/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định, các Bộ không ban hành Thông tư Liên tịch giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ; Đồng thời, theo Nghị định số 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì thẩm quyền quyết định khung giá nước thuộc Bộ Tài chính. Do đó, việc bãi bỏ Thông tư Liên tịch để Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 44/2021/TT-BTC thay thế Thông tư Liên tịch đó là phù hợp với quy định của pháp luật.

Thông tư số 44/2021/TT-BTC ra đời ưu điểm trước hết là không xóa bỏ “sạch trơn” toàn bộ các nội dung của Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT mà đã kế thừa tính hợp lý và còn phù hợp với thực tiễn nhiều nội dung lớn của Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT, Thông tư số 88/2012/TT-BTC, đó là: Quan điểm xuyên suốt về cách thức kiểm soát giá đối với sản phẩm độc quyền thông qua kiểm soát chi phí, lợi nhuận và sản lượng cung ứng. Kiên trì nguyên tắc và phương pháp tính giá trên cơ sở tính đúng, tính đủ các yếu tố hình thành giá hợp lý, hợp lệ (chi phí sản xuất, lợi nhuận) đảm bảo cho ngành nước phát triển bền vững, cấp nước an toàn. Giữ nguyên hệ số tính giá tối đa so với giá bình quân phù hợp với mục đích sử dụng nước thực tế của các nhóm khách hàng sử dụng nước khác nhau. Giữ nguyên khung giá nước sạch hiện hành (bao gồm giá tối thiểu, giá tối đa) làm căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt các mức giá tiêu thụ nước sạch cụ thể?

Bên cạnh tính kế thừa đó thì Thông tư số 44/2021/TT-BTC đã có những hướng dẫn đổi mới hơn so với Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT, cụ thể:

Thứ nhất: Về hình thức văn bản, thay vì trước đây ban hành 2 Thông tư riêng biệt: Quy định khung giá nước riêng, quy định về nguyên tắc, phương pháp xác định giá riêng; nay gộp lại chung trong một Thông tư tạo thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng thực hiện

Thứ hai: Cơ cấu chi phí hình thành giá có những khoản chi được tách riêng thành một khoản mục đảm bảo minh bạch trong tính toán như chi phí tài chính (Trong Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT chi phí này được gộp chung trong chi phí quản lý doanh nghiệp) và có khống chế “Mức chi phí lãi vay đầu tư xây dựng công trình được tính trong phương án giá nước sạch tương ứng với phần vốn vay thực tế và tối đa không quá 65% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Đồng thời bổ sung thêm khoản mục “Chi phí cấp nước an toàn” mà pháp luật cấp nước đề cập để thực hiện nguyên tắc tính đúng, tính đủ hơn trước.

Thứ ba: Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT hướng dẫn phương pháp tính toán chi phí cấp nước và tiêu thụ nước sạch phân biệt riêng cho khu vực đô thị và khu vực nông thôn, nhưng Thông tư số 44/2021/TT-BTC đã gộp lại thành hướng dẫn chung, thống nhất các khoản mục tính toán, nhưng vẫn bao hàm được những chi phí có tính đặc thù của khu vực nông thôn. Ví dụ: Cách tính chi phí nhân công đối với các công trình cấp nước do Nhà nước bàn giao cho các Hợp tác xã, các công trình do Hợp tác xã hoặc cộng đồng dân cư tự bỏ vốn đầu tư, quản lý, vận hành...

Thứ tư: Việc xác định tỉ lệ khối lượng nước hao hụt (bao gồm hao hụt tự nhiên và hao hụt kỹ thuật) được phép tính trong phương án giá tối đa: 20%, đến năm 2025 bình quân cho khu vực đô thị và nông thôn tối đa: 15% là bước tiến bộ thay cho Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT quy định: Mạng cấp nước để tiêu thụ đưa vào sử dụng dưới 10 năm là: 23% , từ 10 năm trở lên: 32%, thời gian đan xen dưới 10 năm và trên 10 năm: 27%. Quyết định này phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, tạo sức ép buộc các đơn vị cấp nước phải có biện pháp tích cực giảm hao hụt nước, tránh lãng phí để tạo ra cơ hội cho việc giảm giá thành, đồng thời phù hợp với Quyết định số 2502/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước đô thị và Khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050: Tỷ lệ thất thoát, thất thu đến năm 2020: 18% đối với đô thị loại 4 trở lên, dưới 25% đối với lúc đô thị loại 5; đến năm 2025 đạt tỷ lệ dưới: 15% cho tất cả các loại đô thị.

Thứ năm: Thay vì quy định lợi nhuận tính trong giá nước của đơn vị cấp nước tối thiểu: 5% trên giá thành toàn bộ của Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT, Thông tư số 44/2021/TT-BTC đã quy định được tính bằng số tuyệt đối theo khung: Lợi nhuận tối thiểu: 360đ/m3, lợi nhuận tối đa: Nếu chỉ cấp nước cho khu vực đô thị hoặc chỉ cấp nước cho khu vực nông thôn là: 1300đ/m3, nếu thực hiện cấp nước đồng thời cho cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn là: 1500đ/m3. Quy định này sẽ khắc phục sự bất cập của cách tính lợi nhuận theo tỷ lệ % trên giá thành: Cứ giá thành cao sẽ có mức lợi nhuận cao (kể cả làm ăn yếu kém), không khuyến khích đơn vị cấp nước giảm giá thành để có mức giá hợp lý.

Thứ Sáu: Về lộ trình điều chỉnh giá, Thông tư số 44/2021/TT-BTC vừa cho phép điều chỉnh giá hàng năm khi yếu tố hình thành giá thay đổi; đồng thời cho phép xây dựng lộ trình điều chỉnh giá tối đa 5năm, điều đó không chỉ tạo điều kiện linh hoạt trong điều chỉnh giá phù hợp với điều kiện từng địa phương mà còn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư phát triển ngành này...

Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2021. Thông tư được ban hành đánh dấu quá trình làm việc nghiêm túc, minh bạch và cầu thị của cơ quan tài chính thông qua các bước công việc: Đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT, Thông tư số 88/2012/TT-BTC; khảo sát thực tế ở nhiều đơn vị cấp nước, tổ chức hội thảo và lấy ý kiến góp ý của các Sở Tài chính, của các đơn vị cấp nước và Hội cấp thoát nước Việt Nam... Chính vì vậy, về cơ bản nội dung của Thông tư đã tạo được sự đồng thuận trong ngành Cấp nước. Tuy nhiên, để đưa Thông tư vào thực hiện có hiệu quả cơ quan quản lý và ngành nước cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ hơn các nội dung của Thông tư để ngành nước áp dụng đúng, các cơ quan quản lý ở địa phương quan tâm, khách hàng sử dụng nước tán thành tạo cơ hội thúc đẩy ngành nước phát triển bền vững.

Nguyễn Tiến Thỏa
Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load