Thứ năm 14/11/2024 05:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở ra trục giao thông chiến lược kết nối vùng

10:45 | 08/06/2022

(Xây dựng) – Tại buổi thảo luận tổ ngày 6/6, các Đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án các đường bộ cao tốc, xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Các dự án này có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội.

du an vanh dai 3 thanh pho ho chi minh se mo ra truc giao thong chien luoc ket noi vung
Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh khi hoàn thành có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, các điều kiện về cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu thực tiễn và nguồn lực cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy, việc triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 – 2025 là hợp lý và cần thiết.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, dự án đã được quy hoạch hơn 10 năm nay, người dân đang rất chờ đợi, nếu sớm triển khai, hoàn thành sẽ giúp cho thành phố và các tỉnh thành trong khu vực tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông, mở ra trục giao thông chiến lược, tạo kết nối vùng, tạo động lực mới, giao thông thuận lợi sẽ giảm được chi phí sản xuất dịch vụ, sự lan tỏa giữa Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Dự án này khi hoàn thành sẽ là hành lang của khu đô thị và công nghiệp không chỉ của cả 4 tỉnh mà cả của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tính kết nối vùng của dự án rất lớn, nên khi triển khai thì những vấn đề về giải quyết điểm nghẽn, tạo không gian mới cho phát triển cho vùng này sẽ phát huy ngay từ bây giờ.

Việc dự án có quy hoạch đường song hành, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, từ quy hoạch năm 2011 cho đến năm 2021, khi quy hoạch mạng lưới giao thông thì đã quy hoạch đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là đường cao tốc đô thị, có 8 làn xe, có đường song hành gồm 2 làn xe. Khi xây dựng hồ sơ dự án lần này thì xác định giai đoạn 1 có 4 làn xe và hệ thống đường song hành ở những nơi cần thiết.

Bằng kinh nghiệm ở các dự án giao thông thì nếu không giải phóng mặt bằng cho quy mô hoàn thiện thì sau này mở ra 6, 8 làn xe sẽ khó khăn, chi phí lớn, kéo dài, do đó cần giải phóng mặt bằng một lượt cho quy mô toàn dự án là cần thiết, dù lúc này có tăng chi phí giải phóng mặt bằng nhưng tính trong tổng thế sẽ là rẻ, hiệu quả tính cho toàn bộ dự án.

Giai đoạn 1, đối với đường cao tốc chỉ 4 làn xe, có đường song hành 2 làn xe và cũng chỉ qua đoạn đô thị, khu đông dân mới có đường song hành, tức là đường song hành chỉ có ở những nơi cần thiết.

Về tổng mức đầu tư, một số ý kiến cho rằng cao, nhưng Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dự án này có quy hoạch từ năm 2011, gần như hành lang của Vành đai 3 hiện nay đã đô thị hóa và công nghiệp dày, do đó mật độ dân cư đông, đất đô thị nhiều, nên chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn rất nhiều so với các địa bàn khác, đặc biệt là địa bàn chỉ có đất nông nghiệp.

“Căn cứ theo các định mức kỹ thuật của Bộ Xây dựng, nên tính rất sát. Ở đây có các nút giao. Trong quá trình rà soát cho đến khi trình ra Quốc hội, thì đã rà soát từ lúc tổng mức ban đầu dự kiến là trên 85.000 tỷ đồng, sau khi rà soát ở khâu giải phóng mặt bằng, khối lượng xây lắp, các nút giao… và đã giảm được khoảng 10.000 tỷ đồng, đã rà soát kỹ. Trong quá trình làm báo cáo khả thi sẽ tiếp tục rà soát”, ông Mãi cho biết.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân – nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự án đã quy hoạch lâu, nhưng vì chưa bố trí được ngân sách nên chưa triển khai được. Dự án này theo nguyên tắc Trung ương – địa phương cùng làm, đây là điểm mới, đột phá đầu tiên trong cả nước. Tức là công thức: Dự án thẩm quyền quốc gia quyết, nhưng quốc gia và địa phương cùng chi, như thế sẽ nhanh hơn, vì giải phóng mặt bằng phải do địa phương làm mới nhanh.

Cũng theo ông Nhân, dự án này chỉ hơn 100km, đi qua 4 tỉnh, đầu tư công là hợp lý vì nếu đầu tư PPP thì sẽ phải xây nhiều trạm BOT để thu phí, sẽ không hiệu quả nên sẽ khó thu hút các nhà đầu tư trong khi chi phí giải phóng mặt bằng rất cao. Dự án này người dân đã chờ 12 năm, cần được đẩy nhanh, làm quyết liệt để hoàn thành đúng tiến độ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đại biểu khác đều cho rằng, vùng kinh tế phía Nam là trọng điểm, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa cả nước nhưng bao năm qua chưa được đầu tư đúng mức, chúng ta đã có sự đầu tư lệch pha, đầu tư nhiều hơn cho vùng không tạo động lực phát triển. Do đó, cần đẩy mạnh đầu tư các cao tốc cho phía Nam.

Với dự án vành đai của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, giờ mới làm đã là trễ, do đó cần có sự đồng thuận để thông qua, triển khai nhanh, trong đó cần chú trọng việc bảo đảm lợi ích của dân trong giải phóng mặt bằng. Đồng thời, các bộ ngành trong quá trình làm cần hỗ trợ các địa phương để đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc, tạo thuận lợi để không chậm trễ mục tiêu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây đều là các dự án cấp bách, động lực, lan tỏa vùng, kết nối các địa phương. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với băn khoăn của một số Đại biểu Quốc hội khi cho rằng có xu hướng mở rộng cơ chế chính sách đặc thù áp dụng trong 5 dự án, có thể dẫn đến những hệ luỵ phức tạp về pháp lý, về tổ chức triển khai thực hiện và gây hệ lụy tiêu cực về quản lý, quản trị dự án, làm giảm hiệu quả dự án và không đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong giai đoạn đặc biệt hiện nay, khi chúng ta vừa trải qua rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 và đang phải thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thì cần có những quyết sách đặc biệt, đặc thù, khác với quy định của pháp luật hiện hành để triển khai các dự án này. Tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt.

Thành Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load