Thứ năm 07/11/2024 21:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Dự án Bến Thành – Hồ Tràm có nguy cơ bị thu hồi: Chủ đầu tư mang tiền “lên sàn” đầu tư cổ phiếu

11:39 | 06/12/2022

(Xây dựng) - Khu Du lịch Bến Thành – Hồ Tràm có nguy cơ bị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thu hồi, huỷ bỏ quyết định gia hạn sử dụng đất khi Benthanh Group không triển khai dự án. Đáng chú ý, chủ đầu tư này lại mang tiền “lên sàn” đầu tư cổ phiếu.

Dự án Bến Thành – Hồ Tràm có nguy cơ bị thu hồi: Chủ đầu tư mang tiền “lên sàn” đầu tư cổ phiếu
Phối cảnh môt góc dự án Bến Thành – Hồ Tràm.

Có nguy cơ bị huỷ quyết định gia hạn

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa công bố thông tin thu hồi, huỷ bỏ quyết định cho phép Tổng Công ty Bến Thành – TNHH MTV (Benthanh Group) gia hạn sử dụng đất 24 tháng dự án Khu du lịch Bến Thành – Hồ Tràm.

Khu du lịch Bến Thành – Hồ Tràm rộng hơn hơn 166.000m2, toạ lạc tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho Benthanh Group thuê đất vào tháng 12/2003 để chủ đầu tư phát triển nhiều loại hình sản phẩm như: Biệt thự, khách sạn, bungalow, trung tâm hội nghị…

Tuy nhiên, phải đến năm 2011, thời điểm khủng hoảng bất động sản sắp diễn ra, chủ đầu tư mới tổ chức lễ động thổ. Có lẽ vì vậy mà dự án không thể hoàn thiện được. Tới tháng 9/2018 UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quyết định gia hạn thời gian sử dụng đất thêm 24 tháng cho dự án.

Nếu hết thời hạn được gia hạn mà Benthanh Group vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản trên đất. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, những hình ảnh lộng lẫy, xa hoa của dự án Khu du lịch Bến Thành - Hồ Tràm vẫn chỉ có “trên giấy”.

Chủ đầu tư mang tiền “lên sàn” đầu tư cổ phiếu

Benthanh Group là một trong những tên tuổi lớn trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty có nhiều dự án tiêu biểu như: Somerset Chancellor Court Thành phố Hồ Chí Minh, Norfolk Mansion, toà nhà văn phòng HanNam, Savico Megamall Hà Nội, Lam Sơn Square Vũng Tàu, Khu Công nghiệp Bình Chiểu…

Năm 2020, trong lễ khởi công xây dựng Khu du lịch Bến Thành – Hồ Tràm (lần tiếp theo), dự án được giới thiệu có vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. 800 tỷ đồng không phải là quá sức với Benthanh Group. Tuy nhiên, không rõ lý do gì nhưng thực tế không thấy Tập đoàn dồn sức cho dự án. Nhưng có thông tin cho thấy một trong những “điểm đến của hàng trăm tỷ đồng tại Benthanh Group là… sàn chứng khoán.

Tại ngày 30/9/2022, Benthanh Group ghi nhận 790 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, trong đó có gần 322 tỷ đồng là chứng khoán kinh doanh. Tập đoàn phải dành 6,1 tỷ đồng để dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh.

Danh sách các đơn vị được Benthanh Group mua cổ phiếu bao gồm: Công ty Cổ phần Sài Gòn đầu tư kỹ thuật Xây dựng (6,1 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk (7,4 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Sài Gòn Đà Lạt (24,6 tỷ đồng). Ngân hàng TMCP Phương Đông – mã chứng khoán: OCB (283 tỷ đồng).

OCB lao dốc, Du lịch Đắk Lắk lỗ thảm, Sài Gòn Đà Lạt sử dụng vốn kém

Có thể thấy, trong danh sách “Chứng khoán kinh doanh” của Benthanh Group, đa số đều chưa mang lại nhiều lợi ích cho Benthanh Group khi mà cổ phiếu OCB lao dốc, Công ty Du lịch Đắk Lắk lỗ thảm, Công ty Sài Gòn Đà Lạt sử dụng vốn kém. Cụ thể, trong phiên cuối cùng của tháng 11, cổ phiếu OCB giao dịch ở mức khoảng 15.150 đồng/CP, giảm 12.150 đồng/CP, tương đương 44,5% so với phiên cuối cùng của năm 2021. Vốn hóa thị trường Ngân hàng OCB “bốc hơi” 16.664 tỷ đồng.

Không rõ Benthanh Group mua cổ phiếu OCB tại thời điểm nào nên không tính toán được mức độ thiệt hại hoặc lợi nhuận mà OCB mang đến cho Benthanh Group. Trong khi đó, Công ty Du lịch Đắk Lắk và Công ty Sài Gòn Đà Lạt có bức tranh tài chính không thực sự lạc quan.

Công ty cổ phần Du lịch Đắk Lắk thành lập ngày 31/3/2005 với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Anh Tuấn. Trong giai đoạn 5 năm gần đây, Công ty Du lịch Đắk Lắk lao dốc doanh thu và thua lỗ triền miên.

Cụ thể, từ năm 2017 đến 2021, doanh thu của Du lịch Đắk Lắk giảm dần đều từ 68,3 tỷ đồng (năm 2017) xuống 63 tỷ đồng (năm 2018), 60,2 tỷ đồng (năm 2019), 36,5 tỷ đồng (năm 2020) và 18,9 tỷ đồng (năm 2021).

Trong khi doanh thu giảm dần đều thì thua lỗ lại tăng dần đều, từ 2,9 tỷ đồng (năm 2017) lên 6,6 tỷ đồng (năm 2018), 6,8 tỷ đồng (năm 2019), 12,7 tỷ đồng (năm 2020) và 15,8 tỷ đồng (năm 2021).

Công ty Sài Gòn Đà Lạt lại trong tình trạng sử dụng vốn kém hiệu quả. Tại ngày 31/12/201, vốn chủ sở hữu của Công ty lên đến 268 tỷ đồng nhưng Công ty lại chỉ đạt 18,1 tỷ đồng doanh thu và lỗ 593 triệu đồng.

Ninh Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load