(Xây dựng) – Đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong sản xuất xi măng không phải là khái niệm mới trên thế giới, tuy nhiên Việt Nam dường như bỏ ngỏ lĩnh vực này. Lý do, rác thải sinh hoạt mang tính “tả phế lù”, không thể thực hiện đồng xử lý trong các nhà máy sản xuất xi măng.
Tiềm năng thực hiện đồng xử lý
Đồng xử lý đã được áp dụng ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua. Nhiều nước châu Âu đã đi đầu sử dụng nhiên liệu thay thế thay cho nhiên liệu hóa thạch trong quy trình sản xuất xi măng.
Tại Áo, ngành sản xuất xi măng đang thay thế trung bình khoảng 75% năng lượng nhiệt bằng nhiên liệu có nguồn gốc từ chất thải. Con số này tại Đức là 65%, tại Thụy Sỹ là 62%. Một vài nhà máy xi măng ở các nước này có khả năng thay thế hơn 80% nhu cầu nhiệt năng bằng nhiên liệu có nguồn gốc từ chất thải.
Theo ông Bruno Fux - Giám đốc Bộ phận Quản lý chất thải INSEE Ecocycle, vẫn còn nhiều tiềm năng lớn để phát triển đồng xử lý ở nhiều nơi trên thế giới như tại châu Á hoặc châu Phi.
Các yếu tố góp phần tác động tích cực thúc đẩy nhanh quá trình đồng xử lý như khung pháp lý hỗ trợ thúc đẩy các giải pháp quản lý chất thải bền vững; Các doanh nghiệp xi măng đi đầu trong việc áp dụng công nghệ tiền xử lý và đồng xử lý bằng cách đầu tư vào trang thiết bị chất lượng cao; Sự hợp tác chặt chẽ, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với chính quyền và các bên hữu quan…
Kết quả đồng xử lý hoàn toàn phụ thuộc vào khái niệm quản lý chất thải, trong đó giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế phải là trọng tâm chính. Chỉ khi đó, việc đồng xử lý, thiêu đốt hay chôn lấp mới cần được xem xét.
Điều này trước tiên đòi hỏi một nhận thức cao hơn về vấn đề chất thải. Ví dụ như phân loại rác tại nguồn được xem là trọng yếu. Việc này không chỉ giúp tăng hiệu quả tái chế mà còn giúp cho việc tiền xử lý và đồng xử lý chất thải không thể tái chế trở nên dễ dàng hơn.
Ông Bruno Fux cho biết, giai đoạn tiền xử lý rác thải sinh hoạt là cần thiết. Theo đó, rác tái chế được phân loại, rác hữu cơ có thể được sử dụng để làm phân bón hữu cơ, chất thải rắn đô thị được làm khô và đảm bảo chất lượng nhất định để xử lý trong quá trình sản xuất clinker.
Một lợi thế lớn khi thực hiện đồng xử lý trong các nhà máy xi măng là thiết bị chính để xử lý rác thải là lò nung đã có sẵn. Do đó, chỉ cần đầu tư vào quá trình tiền xử lý rác thải và điều chỉnh quy trình sản xuất clinker.
Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai
Tại Việt Nam, hoạt động đồng xử lý nhiên liệu và nguyên liệu thay thế trong các nhà máy sản xuất xi măng đang ở giai đoạn sơ khai và có nhiều tiềm năng phát triển, bởi đã có khung pháp lý hỗ trợ, quy trình cấp phép và có không ít các công ty sẵn sàng đầu tư vào công nghệ xanh… Đây là những yếu tố thúc đẩy việc sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu thay thế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, rác thải của Việt Nam có đặc thù là “tả phế lù”, tức là chưa được phân loại tại nguồn. Yếu tố này bất lợi trong thực hiện đồng xử lý, không thích hợp để đồng xử lý.
Theo Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường), lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 25,5 triệu tấn/năm, chất thải rắn sinh hoạt đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày. Trong đó, khu vực nội thành đô thị thu gom trung bình khoảng 85,5% và tại khu vực ngoại thành khoảng 60%, khu vực nông thôn khoảng 40 - 55%.
Các khu xử lý, bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư nên làm tăng chi phí vận chuyển. Nhiều phương tiện vận chuyển không đáp ứng yêu cầu gây rò rỉ nước thải hoặc gây ô nhiễm mùi trong quá trình vận chuyển.
Rác thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam chủ yếu được chôn lấp, chiếm khoảng 75%. Cả nước hiện có khoảng 35 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ (compost), gần 300 lò đốt, chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ…
Như vậy, vẫn còn nhiều tiềm năng lớn để phát triển đồng xử lý rác thải sinh hoạt trong các nhà máy sản xuất xi măng.
Tuy nhiên, muốn thực hiện đồng xử lý, rác thải sinh hoạt của Việt Nam cần phải qua khâu trung gian phân loại rác, trong đó cần thiết và tạo tiền đề thực hiện là yêu cầu sửa đổi, “bổ sung Luật Bảo vệ môi trường 2014 theo hướng phải có yêu cầu và chế tài mang tính bắt buộc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn.”
Bên cạnh đó, riêng đối với đồng xử lý rác thải rắn sinh hoạt, chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đồng xử lý chất thải nguy hại trong lò nung xi măng từ năm 2011 cùng nhiều quy định, hướng dẫn về thủ tục, quyền lợi, hỗ trợ…
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp lợi nhuận được coi là số 1, nếu như không bắt buộc phải đốt rác thải nguy hại thay cho dùng than thì doanh nghiệp sẽ không làm vì rất phức tạp, ảnh hưởng đến công nghệ, thiết bị và một phần chất lượng sản phẩm…
Vì vậy, đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có INSEE Việt Nam là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam thực hiện đồng xử lý đa dạng chất thải nguy hại, chất thải không nguy hại. Còn việc thực hiện đồng xử lý đối với rác thải sinh hoạt hoàn toàn bỏ ngỏ.
Thanh Nga
Theo