Thứ năm 07/11/2024 21:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Đồng Nai: Đã chốt việc đại tu “con đường đau khổ” vào đầu tháng 11/2024

15:30 | 28/10/2024

(Xây dựng) - Theo kế hoạch, đường Nhà máy nước Thiện Tân - Hoàng Văn Bổn, được mệnh danh là “con đường đau khổ” ở Đồng Nai sẽ được đại tu trong vòng 2 tháng, bắt đầu từ tháng 11/2024.

Đồng Nai: Đã chốt việc đại tu “con đường đau khổ” vào đầu tháng 11/2024
“Con đường đau khổ” Nhà máy nước Thiện Tân - Hoàng Văn Bổn nối Quốc lộ 1 thành phố Biên Hòa đến huyện Vĩnh Cửu qua tỉnh Bình Dương là nỗi ám ảnh với người dân từ nhiều năm nay. (Ảnh: Nguyên Dũng)

Ngày 27/10, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết đơn vị này vừa có văn bản gửi Công ty CP Sonadezi Châu Đức liên quan việc lên phương án sửa chữa hư hỏng mặt đường Nhà máy nước Thiện Tân – Hoàng Văn Bổn nối Quốc lộ 1 và đường ĐT 768. Trước đó, Công ty CP Sonadezi Châu Đức (chủ đầu tư dự án BOT đường ĐT 768, trong đó có tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân - Hoàng Văn Bổn) đã có văn bản đề nghị Sở xem xét, thống nhất phương án sửa chữa tuyến đường.

Theo Công ty CP Sonadezi Châu Đức, khảo sát tình trạng hư hỏng trên tuyến đường này, Công ty ghi nhận từ Km0 - Km1 + 400, mặt đường bị hư hại cục bộ; từ Km1 + 920 - Km5 + 20, một số vị trí bị hư hỏng toàn bộ mặt nhựa, mặt đường đá không đồng nhất; đoạn từ Km5 + 50 - Km6 + 401,63 (cuối tuyến), mặt đường hư hại nghiêm trọng, hầu hết hỏng hoàn toàn kết cấu mặt đường.

Trước tình trạng công trình hư hỏng nặng như trên, Công ty xác định cần phải tiến hành vệ sinh mặt đường, tưới nhựa dính bám thảm bù bê tông nhựa nóng, riêng các đoạn hư hỏng nặng phải đào nền, lu lèn, bù lớp cấp phối đá dăm trước khi thảm nhựa trở lại.

Theo Công ty CP Sonadezi Châu Đức, việc “đại tu” tuyến đường dự kiến kéo dài trong 2 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 11/2024. Trước đó, ngày 14/10, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, đang thực hiện lấy ý kiến các đơn vị liên quan đối với hồ sơ điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án BOT đường ĐT 768 trước khi tiếp tục thu phí trở lại.

Theo đó, để giải quyết triệt để vấn đề hư hỏng, xuống cấp trên tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân - Hoàng Văn Bổn nằm trong dự án BOT đường ĐT 768, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, tách nhánh tuyến này ra khỏi dự án BOT đường ĐT 768 để quản lý, xử lý bằng nguồn vốn ngân sách.

Đại diện Công ty CP Sonadezi Châu Đức cho biết, đối với dự án BOT đường ĐT 768 đơn vị đã tạm dừng thu phí từ năm 2021 đến nay, khiến gặp rất nhiều khó khăn trong nguồn kinh phí. Do đó, Công ty kiến nghị UBND tỉnh xem xét phê duyệt chủ trương, đưa tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân - Hoàng Văn Bổn ra khỏi dự án BOT, giao cho Sở Giao thông vận tải quản lý.

Công ty CP Sonadezi Châu Đức cũng kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chấp nhận cho thu phí trở lại đối với dự án BOT đường ĐT 768 để hoàn vốn. Để những kiến nghị sớm được giải quyết, mong muốn sớm bàn giao đường Nhà máy nước Thiện Tân - Hoàng Văn Bổn, đồng thời chi phí tu sửa con đường này sẽ được trích từ ngân sách.

Hiện tại sau khi dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư, Sở Giao thông vận tải Đồng Nai đã tiến hành lập chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường với quy mô tối thiểu 4 làn xe, bổ sung hệ thống thoát nước, chiếu sáng, vỉa hè bằng nguồn vốn ngân sách của tỉnh.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự án BOT đường ĐT 768 được xây dựng xong và thu phí từ năm 2011, khi có quy định bắt buộc phải lắp đặt thu phí không dừng, từ tháng 1/2021 chủ đầu tư phải tạm dừng thu phí để thực hiện lắp đặt trạm nhưng việc tạm dừng kéo dài đến nay.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai rà soát hợp đồng và xác định cần phải điều chỉnh hạng mục của dự án trước khi thu phí trở lại. UBND tỉnh Đồng Nai đã chốt thời điểm nhà đầu tư cùng các đơn vị phải trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự án và hoàn chỉnh các thủ tục thu phí trở lại chậm nhất trong tháng 10/2024. Theo đó dự kiến việc thu phí BOT đường ĐT 768 sẽ bắt đầu trở lại từ ngày đầu tháng 12/2024.

Vào đầu tháng 10/2024, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức kiểm tra thực tế, đồng thời đã ban hành văn bản gửi Công ty CP Sonadezi Châu Đức đề nghị nhanh chóng vào cuộc sửa chữa tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân – Hoàng Văn Bổn. Theo Sở Giao thôngvận tải tỉnh Đồng Nai, tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân gồm đường Hoàng Văn Bổn (qua thành phố Biên Hòa) nối tiếp đường Thiện Tân (qua huyện Vĩnh Cửu) đã xuống cấp từ nhiều năm nay, được mệnh danh là “con đường đau khổ”.

Tuyến đường Nhà máy nước Thiện Tân - Hoàng Văn Bổn thuộc dự án BOT đường tỉnh 768 có chiều dài toàn tuyến là 48km, tổng mức đầu tư hơn 534 tỷ đồng, dự kiến thu phí trong 35 năm.

Trước đó, Báo điện tử Xây dựng đã liên tục có nhiều bài viết phản ánh về con đường Nhà máy nước Thiện Tân - Hoàng Văn Bổn xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa. Mỗi ngày, con đường này “gánh” lượng xe quá lớn di chuyển từ Quốc lộ 1 vào xã Thiện Tân, hoặc đến cầu Thủ Biên (thuộc xã Thiện Tân) để sang tỉnh Bình Dương và ngược lại. Trong khi đó, ngay điểm đầu của đường, nơi giao với Quốc lộ 1, thường gọi là ngã ba Phát Triển cũng là một điểm “nóng” ùn ứ giao thông từ nhiều năm nay.

Tuyến đường đã nhỏ hẹp, lại bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng, khi mưa thì trở thành ao, ngày nắng thì bụi mù mịt. Bất kể giờ giấc, trên tuyến này xe tải nặng luôn chạy theo từng đoàn, do đường hẹp nên nhiều đoạn xe đi hướng ngược lại phải nhường đường cho xe làn bên đi qua rồi mới có thể nhích từng chút. Trong khi đó lượng xe máy, xe đạp, đặc biệt vào giờ cao điểm học sinh, công nhân phải luồn lách giữa nhiều xe tải nặng, xe container, leo cả lên lề đường trong khi lề đường cũng hư hại nặng, rất nguy hiểm.

UBND phường Tân Biên (thành phố Biên Hòa), nơi tuyến đường hư hỏng nặng đi qua cho biết, từ nhiều năm nay tại các cuộc tiếp xúc cử tri người dân đều phản ánh rất mạnh. Từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai từng có nhiều văn bản giao Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai xử lý nhưng đến nay “con đường đau khổ” vẫn là nỗi ám ảnh thường trực đối với người dân.

Nguyễn Đức Dũng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load