(Xây dựng) - Những ngày qua, nước lũ đầu nguồn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang lên nhanh kết hợp với triều cường, dự báo sẽ gây ngập sâu ở một số địa phương, làm gia tăng nguy cơ gây sạt lở.
Triều cường gây ngập tại một số tuyến đường ở Cần Thơ. |
Tại Long An, UBND tỉnh này vừa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Kênh Hàn (xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc). Sự cố sạt lở đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 20 hộ dân với 80 người đang sống tại các vị trí sạt lở.
Khu vực đoạn sông Kênh Hàn thuộc ấp Vĩnh Thành tiếp giáp gần cửa sông Soài Rạp, chịu tác động mạnh của dòng chảy, triều cường lên xuống, kết hợp với số lượng lớn các phương tiện đường thủy có tải trọng lớn lưu thông qua lại nên đã gây ra sạt lở từ nhiều năm qua.
2 năm gần đây, tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Mép bờ sông hiện bị lấn sâu vào bên trong từ 1m đến 2m, lòng sông ngày càng mở rộng và cuốn trôi nhiều diện tích đất và cây trồng, gây tâm lý bất an cho người dân sinh sống cạnh bờ sông.
Tại Cần Thơ, theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, trong nửa cuối tháng 9 mực nước lũ nội đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết hợp mưa lũ đầu nguồn đổ về khiến nhiều nơi ở vùng giữa và vùng ven biển có nguy cơ ngập sâu. Trong đó, lũ tại trạm Cần Thơ dự báo vượt báo động III từ 5 - 15cm. Trường hợp cực đoan vào thời điểm đỉnh lũ kết hợp triều cường dâng cao xuất hiện thêm yếu tố thời tiết bất lợi mưa to gió lớn thì đỉnh lũ tại Cần Thơ có thể lên cao hơn so với nhận định.
Trước đó, mưa lớn từ bão Yagi đã khiến nhiều tuyến đường tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long ngập nặng.
Đài Khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ cho biết, trong ngày 20/9, mực nước trên sông Hậu tiếp tục dâng cao đạt mức 1,98m và có thể đạt 2,03m, vượt báo động III vào chiều 20/9. Nước đã tràn lên gây ngập nhiều tuyến đường và nhà dân ở Cồn Khương (quận Ninh Kiều).
Ðây là đợt triều cường có đỉnh triều lên mức cao; thời tiết chuyển xấu, do ảnh hưởng của rìa xa hoàn lưu áp thấp nhiệt đới nên mưa nhiều trong những ngày triều cường đạt đỉnh. Cần chú ý đề phòng trong thời gian triều lên kết hợp với mưa lớn sẽ gây ngập úng trên diện rộng tại các khu vực trũng thấp, vùng nội đô ven sông của thành phố.
Để chủ động tăng cường các giải pháp chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại triều cường gây ra, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Cần Thơ sẽ chủ động ứng phó đảm bảo an toàn về người, tài sản và ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân, cũng như bảo vệ các công trình đê bao, hạn chế sạt lở bờ sông. Đồng thời cắm biển cảnh báo sạt lở tại những khu vực đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở tại những khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng.
Ngoài ra, sẽ tăng cường kiểm tra, vận hành các van ngăn triều để hạn chế tối đa nước từ sông Hậu theo các đường cống chảy ngược vào; kiểm tra các nắp hố ga trên các tuyến đường, vỉa hè tránh hố sâu nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Phạm Hổ
Theo