Thứ sáu 20/09/2024 14:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Doanh nghiệp với Luật Bảo vệ môi trường

21:55 | 29/12/2021

(Xây dựng) – Đó là chủ đề của Hội thảo do Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường phối hợp với Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Đức tổ chức, nhằm tạo diễn đàn trao đổi những thông tin, luận cứ khoa học về những điểm mới liên quan đến vấn đề môi trường và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đối với các doanh nghiệp hiện nay.

doanh nghiep voi luat bao ve moi truong
Nhiều điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tác động tới hoạt động của các chủ thể kinh doanh.

Ở Việt Nam đã từng có các Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, 2005, 2014 và đến nay là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Quốc hội Khóa 14 thông qua tại Kỳ họp thứ 10 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 gồm 16 Chương, 171 Điều với nhiều nội dung mang tính đột phá. Một trong những nguyên tắc quan trọng của Luật, chính là xác định Bảo vệ môi trường phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tham gia công tác bảo vệ môi trường.

Trong Luật Bảo vệ môi trường xác định cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, do đó, Luật đã có nhiều quy định mới, thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định đã được quy định trong Luật.

Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Chính vì vậy, phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ts Nguyễn Gia Thọ, uỷ viên Hội đồng quản lý Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường, trưởng ban tổ chức Hội Thảo phát biểu, tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động nhằm làm cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái; phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.

Do đó, Hội thảo này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp có cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về điểm đổi mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; nhằm có phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường chủ động hơn. Từ đó có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, đóng góp cho tăng trưởng theo hướng bền vững.

Bàn về những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mà các chủ thể kinh doanh cần lưu ý, Tiến sỹ Nguyễn Thị Bình - trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: Nhiều điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tác động tới hoạt động của các chủ thể kinh doanh. Những nội dung đó gồm: Điểm mới về phân loại dự án theo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường; bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường. Các chủ thể kinh doanh cần nghiên cứu để nâng cao trình độ pháp lý và thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Chủ thể kinh doanh cần tránh 2 xu hướng cực đoan như sau: Hiểu biết pháp luật nhưng vẫn tìm cách chống đối và vi phạm; vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số vướng mắc, bất cập trong Luật Bảo vệ môi trường; đề xuất giải pháp để các quy định về xử lý vi phạm hành chính và tội phạm về môi trường được thực hiện một cách hiệu quả, có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh đến hoàn thiện quy định trong việc phân loại tội phạm về môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi công dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường…

Các ý kiến tham gia giúp chúng ta và đặc biệt là các chủ doanh nghiệp có cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về điểm đổi mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ đó đưa ra được phương thức quản lý và giải quyết các vấn đề về môi trường một cách chủ động hơn; có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. qua đó thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp theo hướng bền vững.

Mộc Miên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load