(Xây dựng) - Thời điểm trước thềm Đại hội cổ đông Ngân hàng Eximbank đã xuất hiện những diễn biến mới xuất phát từ những kiến nghị đồng loạt từ đại diện nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn của ngân hàng này về các vấn đề lien quan đến nhân sự Hội đồng quản trị (HĐQT).
Ngày 8/12, đại diện các cổ đông sở hữu trên 10% vốn của Eximbank tiếp tục có văn bản gửi tới HĐQT và Ban kiểm soát ngân hàng này về các vấn đề liên quan tới nhân sự HĐQT.
Theo đó, HĐQT và Ban kiểm soát ngân hàng Eximbank (EIB) tiếp tục nhận được văn bản của đại diện các cổ đông sở hữu trên 10% vốn của Eximbank về các vấn đề liên quan tới nhân sự HĐQT.
Cụ thể, đại diện các cổ đông nói trên đề nghị HĐQT đưa vào chương trình họp Đại hội cổ đông thường niên 2020 tổ chức vào ngày 15/12 tới đây tại Hà Nội việc miễn nhiệm đối với 4 thành viên HĐQT là các ông: Yasuhiro Saitoh, Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh và Lê Văn Quyết.
Như vậy, đây là nhóm cổ đông lớn thứ hai gửi kiến nghị đến HĐQT Eximbank trước thềm Đại hội cổ đông cùng về một vấn đề đó là liên quan tới nhân sự.
Trước đó, chiều 7/12 Eximbank nhận được công văn của cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) yêu cầu HĐQT bổ sung nội dung vào Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 3 việc thanh lọc HĐQT thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên, nhằm giảm số lượng thành viên HĐQT từ 9 người hiện nay xuống còn từ 5 - 7 người.
Hiện HĐQT của Eximbank gồm 9 người là các ông: Saitoh, Cao Xuân Ninh, Lê Minh Quốc, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Nguyễn Quang Thông, Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Những kiến nghị về nhân sự trên không phải là nội dung quá xa lạ với cổ đông Eximbank. Các nhóm cổ đông, đặc biệt là SMBC, suốt hơn 1 năm qua đã nhiều lần yêu cầu tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để xử lý xong các vấn đề tồn đọng cũ, trước khi đại hội 2020 bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới.
Tuy nhiên, trong khi Đại hội cổ đông năm 2020 vẫn chưa thể diễn ra do không đủ túc số (lần 1 và lần 2) hoặc hoãn vì lý do Covid-19 (lần 3, lẽ ra tổ chức ngày 17/8/2020 tại Hà Nội) thì Đại hội bất thường năm 2019 của nhà băng này đến nay cũng vẫn chưa được tổ chức lại dù lần đầu bất thành từ ngày 30/6.
Còn nhớ trước thềm Đại hội cổ đông bất thường ngày 30/6, các nhóm cổ đông của Eximbank gồm SMBC (nắm 15% vốn) và nhóm cổ đông Ngô Thị Thúy (nắm giữ 10,36% cổ phần phổ thông của Eximbank (vào thời điểm tháng 9/2019) cũng gửi văn bản tới HĐQT yêu cầu thảo luận 2 vấn đề là bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh (hiện là Chủ tịch HĐQT Eximbank khi ông giữ chức này ngay trước thềm Đại hội cổ đông) và giảm số lượng thành viên, bỏ phiếu tín nhiệm đối với HĐQT.
Do vấn đề nhân sự cấp cao vẫn còn rối ren nên hoạt động của Eximbank vài năm trở lại đây cũng không được khởi sắc dù rằng toàn hệ thống ngân hàng đang "chạy" khá nhanh. Các ngân hàng có quy mô vốn, mạng lưới, nhân sự ngang của Eximbank, thậm chí là vốn ít hơn, đều có lợi nhuận vài nghìn tỷ đồng (từ hơn 2.000 - 5.000 tỷ đồng mỗi năm), trong khi Eximbank vẫn chỉ ở "cùng chiếu" với các ngân hàng nhỏ.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, Eximbank ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng giảm 10,6% xuống 101.302 tỷ đồng; Tiền gửi của khách hàng giảm 8,2% xuống 127.844 tỷ đồng, còn tỷ lệ nợ xấu nội bảng lại tăng từ 1,71% lên 2,46%. Lợi nhuận của ngân hàng cũng ở mức thấp, trong 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 1.100 tỷ đồng, quý IV năm ngoái thua lỗ, còn các năm trước cũng chỉ ngang bằng một ngân hàng nhỏ trong hệ thống khi năm 2016 lãi trước thuế 390 tỷ, năm 2017 là 1.017 tỷ, năm 2018 là hơn 800 tỷ đồng và năm 2019 là gần 1.100 tỷ đồng.
Tuấn Anh
Theo