(Xây dựng) - Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung các dự án giao thông đường bộ được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Đề xuất 6 dự án giao thông được áp dụng cơ chế đặc thù về mỏ vật liệu. |
Theo đó, 6 dự án được đề nghị gồm: Dự án xây dựng tuyến Chợ Mới-Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn; Dự án đường Cao tốc Dầu Giây-Tân Phú giai đoạn 1; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận; Dự án đường Cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh giai đoạn 1; Dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh-Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ; Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi, tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Lý giải về việc phải bổ sung cơ chế đặc thù cho các dự án này, phía Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận thực tế các mỏ vật liệu xây dựng đang khai thác tại các địa phương có công suất khai thác chỉ đủ cung ứng cho các dự án của địa phương. Khi các công trình đường cao tốc, công trình đường bộ trọng điểm đi qua, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng rất lớn, hầu hết các mỏ vật liệu xây dựng đang khai thác không bảo đảm cung ứng đáp ứng tiến độ các dự án, phải mở mỏ mới để khai thác.
Ngoài ra, trình tự, thủ tục để mở mỏ mới theo quy định của Luật Khoáng sản mất khoảng hơn một năm, vì vậy nếu không có các cơ chế đặc thù về cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và khó hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (áp dụng cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian được khoảng 10 tháng).
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy rất thiết cần áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án, công trình đường bộ nêu trên như đã được áp dụng cho các Dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và các cao tốc trục ngang như Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Biên Hòa-Vũng Tàu.
Khánh Diệp
Theo