(Xây dựng) - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Lâm cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng tái tạo cần một chính sách đồng bộ.
Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH Bắc Giang. |
Sáng 1/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã đề cập đến phát triển năng lượng tái tạo. Ông cho rằng chuyển đổi năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu mà chúng ta đã cam kết để tới đây giảm các nguồn năng lượng hóa thạch phát thải CO2.
Đại biểu cho rằng: Chuyển đổi để phát triển năng lượng tái tạo là một định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước “Tuy nhiên, chủ trương là một chuyện, việc triển khai thực hiện cho hiệu quả, đòi hỏi đồng bộ cơ chế chính sách. Đặc biệt về quy hoạch, quy hoạch phải làm sao mà xây dựng một cách đảm bảo về mặt tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với chiến lược”.
Đại biểu Trần Văn Lâm đưa ra ví dụ về tỷ lệ tham gia phát triển năng lượng tái tạo, mức độ như thế nào sao cho phù hợp với từng giai đoạn, trình độ công nghệ của chúng ta và khả năng kỹ thuật, trình độ nguồn nhân lực.
Phát triển năng lượng tái tạo cần hài hoà lợi ích (ảnh minh hoạ). |
Một vấn đề cốt lõi được đại biểu chỉ ra đó là: Nguồn điện từ Năng lượng tái tạo không có tính ổn định, đi kèm với năng lượng tái tạo thì phải có hệ thống phát nền. “Nền ấy phải đảm bảo được những thời điểm năng lượng tái tạo không phát được thì bên này phải bù vào được. Vì vậy chính sách làm sao để hài hòa giữa các bên. Để các nhà đầu tư năng lượng tái tạo cũng có động lực để để duy trì và nhà đầu tư nền cũng được khuyến khích”, đại biểu Trần Văn Lâm chia sẻ. Do vậy, vị đại biểu này cho rằng, để cân đối hợp lý, hài hòa trong điều kiện kỹ thuật, điều kiện nền kinh tế của chúng ta hiện nay là một thách thức. Nếu tính toán không tốt mà năng lượng tái tạo phát triển quá bùng nổ dẫn đến tỷ lệ năng lượng tái tạo quá lớn, sẽ gây nguy cơ là rã lưới hay mất điện đột ngột trong trường hợp điều kiện thời tiết thay đổi. Việc tính toán, giải bài toán này đã là một thách thức nhưng trong quá trình triển khai để thực thi thì cũng đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch, công tâm và trách nhiệm
Theo đại biểu tình hình phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua đã phát triển một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, bất chấp các quy định, các quy trình dẫn đến việc không đáp ứng được hệ thống lưới truyền tải điện, không thực hiện được các điều kiện để cam kết đấu nối và sử dụng.
Đại biểu cũng đưa ra lý do tại sao ngành Điện không ký hợp đồng, mua hết để sử dụng. Có 2 yếu tố: Thứ nhất, về mặt kỹ thuật liệu mua vào thì có đảm bảo an toàn hệ thống hay không? Nếu như sử dụng hết toàn bộ, với nền chúng ta hiện có thì có đảm bảo hay không. Thứ hai là các công trình đấy đều là những công trình mà nhiều khi thực hiện không đầy đủ các quy định trong cấp phép, trong các thủ tục khác chưa đầy đủ các thủ tục để đề ra thì liệu có đủ điều kiện để ký kết hợp đồng hay không. Ai dám chịu trách nhiệm những vấn đề này. Tức là những vấn đề pháp lý cũng đặt ra. Vấn đề quy hoạch như vậy nhưng để triển khai thực thi đó thì nó còn đòi hỏi cả những vấn đề về năng lực tổ chức thực thi và yếu tố trách nhiệm.
Kim Oanh
Theo