(Xây dựng) – Ngày 11/11, tại Cần Thơ, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ tổ chức hội nghị “Kết nối giao thương tại thành phố Cần Thơ năm 2020”. Hội nghị nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng hợp tác kinh doanh, xúc tiến đầu tư, thương mại của thành phố Cần Thơ với các đối tác trong và ngoài nước; xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp chủ lực của địa phương cũng như Đồng bằng sông Cửu Long ra nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Thương Linh - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp chi nhánh Cần Thơ thông tin về tiềm năng lợi thế của Đồng bằng sông Cửu Long. |
Thông tin từ Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) là hơn 19,5 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhập khẩu của Việt Nam gần 15,2 tỷ USD và xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan là gần 4,4 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Đài Loan là hơn 13,4 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2019, Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam, nhập siêu lớn thứ 3, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 và nguồn nhập khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam.
Từ năm 1988 đến tháng 9/2020, Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư 2.771 dự án vào Việt Nam, vốn đầu tư lũy kế đạt hơn 33,2 tỷ USD, đứng thứ 4, chỉ sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Các dự án đầu tư tập trưng các lĩnh vực công nghiệp chế biến, ngành Xây dựng…
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường hứa hẹn nhiều tiềm năng để xuất khẩu thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long. Từ năm 2017 đến tháng 9/2020, Việt Nam xuất khẩu tôm, cá tra, hải sản khác sang Đài Loan đạt kim ngạch gần 433 triệu USD. Đài Loan là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của tôm Việt Nam. Việt Nam là một trong những nguồn cung tôm lớn cho Đài Loan, chiếm 13% tổng kim ngạch nhập khẩu tôm của Đài Loan trong năm 2019. Mặc dù, Đài Loan có nguồn cá rô phi lớn chiếm đến 20-25% sản lượng nuôi trồng thủy sản nhưng cá tra Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh với cá rô phi Đài Loan do giá cạnh tranh, cá thịt trắng, dễ chế biến…đã được nhiều doanh nghiệp nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Đài Loan trong những năm gần đây ổn định, xấp xỉ khoảng 20 triệu USD.
Chế biến cá tra xuất khẩu nhiều lợi thế tiềm năng của Đồng bằng sông Cửu Long. |
VASEP nhận định, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Đài Loan trong những năm gần đây có xu hướng tăng, đặc biệt là mặt hàng tôm. Danh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang Đài Loan được bổ sung thêm 25 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp xuất khẩu sang Đài Loan lên 699 doanh nghiệp. Theo VASEP các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường Đài Loan cần thường xuyên cập nhật các quy định về nhập khẩu thủy sản của Đài Loan như: An toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác…
Mặt hàng nông, thủy sản là lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bà Nguyễn Thị Thương Linh - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp chi nhánh Cần Thơ cho biết, các tiềm năng và thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long là lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái, công nghiệp chế biến và may mặc… Trong đó, sản phẩm chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long trong kim ngạch xuất khẩu cả nước là gạo chiếm 80%, cá tra 95%, tôm 60%, trái cây 65%... Kim ngạch xuất khẩu Đồng bằng sông Cửu Long luôn tăng trưởng. Từ kim ngạch xuất khẩu 12,3 tỷ USD, năm 2014 tăng lên 18,59 tỷ USD năm 2019 và trong 9 tháng đầu năm 2020 tuy ảnh hưởng nhiều dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 13,7 tỷ USD.
Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố Cần Thơ đã có mối quan hệ xuất, nhập khẩu với khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ đạt trên 2 tỷ USD.
“Theo Bộ Công Thương, Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường tiềm năng với thị hiếu đa dạng, đồng thời đóng vai trò trung gian cho rất nhiều loại sản phẩm của Việt Nam sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ và Đông Á. Cộng đồng người Việt đông đảo (khoảng hơn 300.000 người) là một kênh tuyên truyền thói quen tiêu dùng các mặt hàng của Việt Nam tại đây, góp phần hiệu quả thúc đẩy hoạt động thương mại song phương. Từ năm 2009 đến nay, cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đài Loan đang có những chuyển biến tích cực theo hướng bền vững hơn. Tỷ trọng nhóm mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu thô xuất khẩu giảm dần; nhóm mặt hàng công nghiệp chế biến và nông lâm thủy sản đã dần trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực”, ông Toại chia sẻ.
Hàng hóa nông sản Đồng bằng sông Cửu Long được trưng bày tại Hội nghị. |
Nhìn vào những con số kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản sang Đài Loan (Trung Quốc) còn rất khiêm tốn. Mỗi năm kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ mới đạt hơn 100 triệu USD so với hơn 4,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang của Đài Loan và tổng kim ngạch nhập khẩu của Đài Loan (Trung Quốc) thì chiếm tỷ lệ rất bé nhỏ. Điều đó, cho thấy thị trường Đài Loan (Trung Quốc) hứa hẹn nhiều triển vọng, còn nhiều dư địa để vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn có nhiều tiềm năng lợi thế xuất khẩu nông, thủy sản tăng tốc đạt con số kim ngạch xuất khẩu cao hơn.
Huỳnh Biển
Theo