Thứ sáu 20/09/2024 15:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

“Con đường gốm sứ ven sông Hồng” đang bị xuống cấp nghiêm trọng

16:38 | 27/11/2019

(Xây dựng) – Công trình nghệ thuật mang tên “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” nằm trong chương trình chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long của Hà Nội từng là niềm tự hào của người dân Thủ đô, nay trở nên nhếch nhác và xuống cấp nghiêm trọng.

con duong gom su ven song hong dang bi xuong cap nghiem trong
Con đường gốm sứ ngập ngụa trong rác và bị xuống cấp nghiêm trọng.

Mặc dù, công trình này đã nhận được giải thưởng “Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội” năm 2008 và đạt kỉ lục Guinness thế giới về bức tranh gốm dài nhất thế giới (dài xấp xỉ 3,85km) nhưng vẫn không tránh khỏi việc bị xuống cấp dù đã được trùng tu lại năm 2015. Con đường gốm sứ dài 6km, diện tích khoảng gần 7000m2, từ dọc đầu đường Trần Khánh Dư đến hết Nghi Tàm với mức kinh phí 65 tỷ đồng, cùng nhiều nghệ nhân trong nước và quốc tế xây dựng mang dấu ấn của làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng...

Nồng nặc mùi nước tiểu, ngập trong rác thải, những đống vật liệu xây dựng đổ san sát chèn lên cả bức tường gốm đã bị rơi ra từng mảnh… là thực trạng đang diễn ra trước mắt khiến bất cứ người dân hoặc du khách nào đi qua cũng không khỏi tiếc nuối cho một công trình nghệ thuật.

Tuyến đường Trần Khánh Dư là một trong những tuyến phố chính của Thủ đô, chính vì vậy lượng du khách và người dân đi lại rất đông, những hình ảnh này khiến bộ mặt tuyến phố có con đường gốm sứ trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu rất khó chấp nhận.

Anh Trần Đình Hoàng - Du khách từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi và gia đình ra Hà Nội du lịch, con đường gốm sứ của Thủ đô là một trong những điểm đến tham quan của chúng tôi, các con gái của tôi rất háo hức đến thăm con đường này vì các cháu yêu nghệ thuật gốm, nhưng khi đến đây, chúng tôi thật sự thất vọng, con đường nhem nhuốc và nhếch nhác bởi những mảng bẩn đen kịt bám dính những bức gốm, hơn thế nữa, rác thải rồi xú uế của chó mèo khiến nùi hôi thối bốc lên rất khó chịu, chẳng lẽ con đường gốm sứ, điểm hấp dẫn trên bản đồ du lịch của Thủ đô Hà Nội lại tan hoang thế này ư?”.

Anh Bruno - một kiến trúc sư người Ý chia sẻ: “Tôi thật sự thất vọng khi đến thăm con đường gốm sứ của Hà Nội, một không gian công trình mang giá trị văn hóa như vậy mà bốc mùi hôi hám, nhếch nhác, những mảng gốm lắp ghép thì bong tróc và vỡ vụn, thật là đáng tiếc!”.

Lý giải về việc này, ông Trương Minh Tiến - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao Hà Nội cho rằng: Nguyên nhân một phần do đây là công trình ngoài trời và đã xây dựng được 10 năm nên thường xuyên chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt. Hơn nữa, ý thức bảo vệ công trình văn hóa của người dân rất kém.

Ông cũng đề xuất rằng: “Việc xuống cấp của con đường gốm sứ hiện nay chứng tỏ sự vào cuộc giám sát, quản lý của cấp chính quyền sở tại vẫn thiếu quyết liệt. Thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội cần ban hành quyết định giao các quận, phường có nhiệm vụ trông coi, phát huy giá trị con đường gốm sứ cho các quận, từ đó các quận phải giao nhiệm vụ cho Chủ tịch các phường và có chế tài xử lý người đứng đầu nếu để vi phạm tái diễn”.

Theo ông Đỗ Hồng Điệp - Phó Trưởng Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp công trình như kỹ thuật, thời tiết, ảnh hưởng của lưu lượng phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể, các bức tranh gốm được gắn trên 2 bức tường ghép vào nhau, phía dưới là tường bằng bê tông chắn đê trước đó, ở trên là bức tường bằng gạch xây bổ sung trong quá trình ghép tranh. Giữa hai bức tường chỉ gắn kết bằng mạch vữa không có trụ, cột, vì thế việc xảy ra rạn nứt là tất yếu.

Đồng thời, ngoài việc tác động của thời tiết lên công trình, con đường gốm sứ được xây dựng bên cạnh đường giao thông, có lưu lượng xe qua lại rất đông, gây nên sự rung lắc lớn, khiến nhiều đoạn bị bong tróc, xuống cấp rất nhanh. Đặc biệt là vấn đề ý thức của người dân trong việc ứng xử với các công trình văn hóa chưa cao, rất thiếu văn minh, cụ thể ở đây là “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”. Nhiều người vứt rác, đốt lửa ngay cạnh chân công trình, thậm chí còn tiểu tiện cả vào bức tranh, gây phản cảm, mất vệ sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của công trình…

Sở Văn hóa thể thao tiếp tục giao Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa đoạn đường có những mảng bong tróc đó trong năm 2020. Trước mắt, Ban sẽ yêu cầu đơn vị Công ty TNHH Tân Hà Nội có biện pháp chuyên môn, kỹ thuật khắc phục tạm thời để đảm bảo tính mỹ quan của công trình.

Hạ Ly

Theo

Cùng chuyên mục
  • Phục hồi cây xanh đô thị sau bão

    (Xây dựng) – Bão số 3 qua đi đã để lại những thiệt hại vô cùng lớn đối với lá phổi xanh của Thủ đô. Thống kê sơ bộ, bão số 3 khiến 8.700 cây đô thị của Hà Nội bị gãy đổ, tuy nhiên trong số đó chỉ có thể dựng trồng lại được khoảng 1.900 cây. Bên cạnh đó là mối nguy hiểm tiềm tàng từ những cây xanh già cỗi lâu năm trước bão gió, vì vậy việc khôi phục cây xanh nghiêng, đổ… cần khắc phục nhanh và kịp thời.

  • Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hướng đến trở thành đô thị thông minh

    Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật… của tỉnh Ninh Thuận, trong nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm chú trọng xây dựng thành phố trở thành đô thị xanh, môi trường an toàn, thân thiện, từng bước trở thành đô thị thông minh, đến nay, đã đạt được những kết quả tích cực. Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Châu Thị Thanh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, Bí thư Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm.

  • Bắc Giang: Đô thị Hiệp Hòa đạt tiêu chí đô thị loại IV

    (Xây dựng) - Ngày 18/9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã ký Quyết định số 868/QĐ-BXD về việc công nhận đô thị Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đạt tiêu chí đô thị loại IV.

  • Quảng Trị: Ái Tử - đô thị trẻ đang từng ngày đổi mới và phát triển

    (Xây dựng) – Tọa lạc giữa hai đô thị lớn, phía Bắc là thành phố Đông Hà, phía Nam là thị xã Quảng Trị, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là một đô thị trẻ đang từng ngày đổi mới và phát triển.

  • Hạ Long: Khôi phục nhanh cảnh quan môi trường sau bão số 3

    (Xây dựng) - Ngày 17/9, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã tổ chức hội nghị Tổng kết chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục thiệt hại bão số 3; biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích thu dọn vệ sinh, khôi phục cảnh quan môi trường, sớm ổn định sản xuất đời sống nhân dân.

  • Duy Tiên (Hà Nam): Hướng tới đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững

    (Xây dựng) – Được coi là thủ phủ công nghiệp của Hà Nam, ngoài mục tiêu kinh tế, phát triển công nghiệp công nghệ cao, thị xã Duy Tiên đặt mục tiêu hướng đến đô thị loại III xanh, thông minh, phát triển bền vững. Đây cũng nhằm hiện thức hóa mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã về xây dựng, phát triển đô thị đến năm 2030.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load