(Xây dựng) – Cổ phiếu SRF của CTCP SEAREFICO chính thức bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do Công ty chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 quá 30 ngày
Cổ phiếu SRF của CTCP SEAREFICO bị chuyển từ cảnh báo sang kiểm soát. |
Theo Quyết định số 244/QĐ-SGDHCM của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) ngày 7/5/2024. Cổ phiếu SRF của CTCP SEAREFICO chính thức bị chuyển từ diện cảnh báo sang kiểm soát từ ngày hôm nay (14/5).
Lý do được HOSE đưa ra là tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy dịnh, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HÐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Với việc bị chuyển từ cảnh báo sang kiểm soát, cổ phiếu SRF cũng thuộc trường hợp bị loại bỏ khỏi chỉ số VNX Allshare của Bộ chỉ số VNX-Index theo căn cứ theo Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số VNX-Index.
Trước khi bị đưa vào diện kiểm soát, ngày 24/4, cổ phiếu SRF cũng bị HOSE đưa vào diện cảnh báo khi CTCP SEAREFICO chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 quá 15 ngày so với quy định.
Lý giải cho nguyên nhân cổ phiếu SRF bị áp dụng các chế tài trên, CTCP SEAREFICO cho biết, Công ty đã công bố thông tin về ngày chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thay đổi đơn vị kiểm toán độc lập đủ tiêu chuẩn để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023 của Công ty. Song song đó, Công ty đã lựa chọn được đơn vị kiểm toán phù hợp, đủ tiêu chuẩn để kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2023 và đang trong quá trình làm việc, cung cấp bằng chứng kiểm toán. Vào thời điểm giải trình lần 2 (8/5) Công ty này cũng cho biết, dự kiến sẽ gửi thư lấy ý kiến cổ đông về vấn đề trên vào ngày 9/5.
Từ khi có thông tin về áp dụng các chế tài quản lý, giá trị cổ phiếu SRF có chiều hướng đi ngang quanh ngưỡng 9.650 đồng/cổ phiếu. |
Tuy chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán nhưng tại báo cáo tài chính hợp nhất tự lập của CTCP SEAREFICO cho thấy, năm 2023, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp này ở mức 1.626 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước đó. Cũng với đó, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Công ty này lần lượt đạt mức 4,8 tỷ đồng và 2,4 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ lợi nhuận này là số âm lần lượt (127) tỷ đồng và (141) tỷ đồng.
Về cổ phiếu SRF, xét từ ngày HOSE đưa ra thông báo đưa vào diện cảnh báo (16/4) đến ngày đóng cửa gần nhất (13/5), cổ phiếu này đang có mức tham chiếu 9.870 đồng/cổ phiếu. Ghi nhận mức đóng cửa cao nhất đạt được là 9.870 đồng/cổ phiếu và mức đóng cửa thấp nhất là 9.060 đồng/cổ phiếu. Trong 16 phiên giao dịch (kể từ ngày 16/4) cổ phiếu SRF đã giảm 810 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 8,21% giá trị trên cổ phiếu.
Được biết, CTCP SEAREFICO có tiền thân là Xưởng cơ khí Phú Lâm được thành lập ngày 18/11/1977. Ngày 01/4/1993, Công ty Kỹ nghệ Lạnh (SEAREFICO) được thành lập theo Quyết định số 95/TS/QĐTC là doanh nghiệp Nhà nước loại 1 trực thuộc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Việt Nam (Seaprodex Vietnam).
Từ tháng 11/1996, Bộ Thủy sản ra quyết định sáp nhập Xí nghiệp Cơ Điện Lạnh Đà Nẵng (SEAREE) thuộc Công ty Thủy sản Miền trung (Seaprodex Danang) vào Công ty Kỹ nghệ Lạnh trực thuộc Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam.
Năm 1999, Công ty Kỹ nghệ Lạnh được cổ phần hóa với vốn điều lệ 12 tỷ đồng và đổi tên thành Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Lạnh, giữ nguyên tên giao dịch là SEAREFICO (Nhà nước nắm giữ 20% vốn điều lệ, phần còn lại của cán bộ công nhân viên Công ty và các cổ đông bên ngoài). Sau nhiều lần tăng vốn điều lệ, tại tháng 12/2022, CTCP SEAREFICO có mức vốn điều lệ ở mức hơn 355 tỷ đồng.
CTCP SEAREFICO là doanh nghiệp đa ngành với đa dạng sản phẩm, giải pháp và dịch vụ khép kín, từ lĩnh vực cơ điện công trình, bất động sản, xây dựng công nghiệp, cho thuê kho, cho đến các giải pháp về lạnh công nghiệp, tự động hóa, năng lượng tái tạo, sản xuất vật liệu xây dựng mới thân thiện với môi trường và đầu tư tài chính…
Trên thị trường, CTCP SEAREFICO được biết đến là tổng thầu Hệ thống Cơ Điện và Phụ trợ cho nhiều dự án như: Tổng thầu Cơ điện cho Dự án Khu căn hộ Cao cấp Masteri Centre Point của Masterise Homes tại Thành phố Thủ Đức; Cung cấp và lắp đặt hệ thống cơ điện cho Nhà Fec2 và lâu đài – French Village – Bà Nà Hills; Thi công hệ thống cơ, điện và cấp thoát nước cho dự án Maia Quy Nhơn Beach Resort tại tỉnh Bình Định…
Công Danh
Theo