(Xây dựng) - Xăng dầu là một mặt hàng trong chi tiêu hàng ngày của các hộ gia đình. Giá xăng tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc chi tiêu của người dân. Tiến sỹ Bùi Duy Tùng - Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT đã đưa ra một số phân tích và đề xuất cho các cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng tăng cao kỷ lục.
Tiến sỹ Bùi Duy Tùng - Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT. |
Trong rổ hàng hóa tính CPI ở Việt Nam, chi tiêu cho xăng dầu được giả định chiếm 3,6% tổng chi tiêu của người dân. Đây chỉ là con số trung bình nên sẽ có những hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn con số này và sẽ có những hộ chi tiêu ít hơn. Khi giá xăng tăng, tỷ trọng chi tiêu cho mặt hàng này sẽ tăng lên, dẫn đến giảm thu nhập để chi tiêu vào những mặt hàng khác. Ngoài ra, giá xăng tăng cũng kéo theo sự tăng giá của những loại hàng hóa khác, do xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác.
Theo TS. Bùi Duy Tùng, Việt Nam là một nước xuất khẩu dầu thô nhưng lại nhập xăng dầu thành phẩm. Do đó, giá xăng dầu Việt Nam phụ thuộc nhiều vào giá cả của thế giới. Chắc chắn khi giá xăng tăng cao sẽ dẫn đến việc tăng giá các mặt hàng khác do tính chất truyền dẫn.
Thống kê của trang Global Petrol Prices (ngày 13/06/2022), giá xăng ở Việt Nam đang ở quanh mức trung vị của thế giới. Giá xăng ở Việt Nam đang cao hơn giá xăng tại 84 quốc gia khác trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia xuất khẩu xăng dầu.
Hiện tại, tác động gián tiếp của giá xăng dầu lên lạm phát ở những nhóm hàng có tỷ trọng chi tiêu lớn như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống và nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng chưa được thể hiện rõ. Những ảnh hưởng gián tiếp của giá xăng dầu lên lạm phát có độ trễ, nhưng tác động này sẽ không hề nhỏ nếu giá cả của những nhóm hàng có tỷ trọng lớn tăng mạnh.
Để hạ nhiệt giá xăng thì có hai giải pháp tạm thời: giảm các loại thuế và trợ giá xăng dầu. Tuy nhiên, TS. Tùng cho rằng, việc trợ giá xăng dầu là một giải pháp không tối ưu.
Về việc giảm thuế, theo TS. Tùng, trong các loại thuế đánh vào giá xăng dầu, Nhà nước nên xem xét giảm thêm thuế bảo vệ môi trường trong thời điểm này để hỗ trợ người dân. Chính phủ cần hỗ trợ người dân bằng cách giảm các khoản chi tiêu không thực sự cần thiết để cân đối lại ngân sách. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang xuất khẩu dầu thô. Giá dầu thô tăng lên sẽ bù vào phần ngân sách bị mất đi khi Chính phủ hỗ trợ người dân. Như vậy, Chính phủ vẫn có thể tính toán lại nguồn thu và nhiệm vụ chi trong bối cảnh lạm phát trong tương lai.
Về chính sách trợ giá xăng dầu, vừa qua, Malaysia, Indonesia và một số quốc gia khác đã trợ cấp về tiêu dùng xăng dầu cho người dân. Nhận định về chính sách này, TS. Tùng cho biết, các nước phương Tây có câu thành ngữ “Không có bữa trưa nào là miễn phí cả”. Điều này cũng tương tự với chính sách trợ giá xăng dầu. Chính sách này không phải là "miễn phí" hoàn toàn đối với nền kinh tế. Việc trợ giá xăng dầu có thể làm cho người dân cảm thấy cuộc sống “nhẹ nhàng” hơn trong tức thì. Tuy nhiên, người dân – hoặc con cái của họ sẽ là người phải gánh chịu hậu quả trong tương lai. Hậu quả trong dài hạn thì thường khó thấy hơn lợi ích ngắn hạn.
“Nhà nước dùng tiền ở đâu để trợ giá? Đương nhiên là ngân sách Nhà nước. Hãy xem ngân sách Nhà nước là một miếng bánh. Nếu Nhà nước cắt một miếng bánh to để trợ giá xăng dầu thì phần cho những chi tiêu còn lại như giáo dục, y tế, quốc phòng sẽ bị thu hẹp lại. Nếu ngân sách không đủ thì Nhà nước phải đi vay để trợ giá. Ai là người sẽ trả nợ vay? Chính là người dân trong tương lai – con cái của chúng ta bây giờ” - TS. Tùng phân tích.
Vị chuyên gia RMIT cho biết, trong một nghiên cứu mới nhất, các nhà kinh tế học Malaysia đã cho thấy chính sách trợ giá xăng dầu tại quốc gia này đang tạo gánh nặng lên chính sách tài khóa tại đây. Thâm hụt tài khóa tại Malaysia sẽ trở nên không bền vững (có nguy cơ vỡ nợ) nếu Chính phủ tăng các khoản nợ vay để trợ giá xăng dầu. Nghiên cứu cũng khuyến nghị Chính phủ Malaysia nên loại bỏ chính sách trợ giá để ổn định kinh tế vĩ mô.
Tránh đầu tư dàn trải trong thời kỳ lạm phát
Theo TS. Tùng, một trong những hậu quả của giá xăng tăng cao là lạm phát do chi phí đẩy. Đối với người dân, lạm phát sẽ tác động mạnh nhất đến những người có thu nhập thấp và trung bình ở khu vực thành thị. Để vượt qua thời kỳ lạm phát cao, người dân có thu thập thấp và trung bình cần phải hết sức cẩn thận trong việc chi tiêu do không có nhiều thu nhập thụ động ngoài lương. Họ cần phải lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng và chỉ chi tiêu vào những mục đích thực sự cần thiết. Việc cần thiết là phải bảo vệ tài sản và tiền bạc của mình để vượt qua thời kỳ lạm phát.
Việc thứ hai là tránh đầu tư dàn trải trong thời kỳ lạm phát. Nhiều lý thuyết trong kinh tế học và các kết quả nghiên cứu thực nghiệm đều chỉ ra mối quan hệ ngược chiều giữa lạm phát và giá cả của các loại tài sản tài chính như cổ phiếu. Có nghĩa là khi lạm phát tăng thì giá cổ phiếu sẽ giảm. Đối với những người có thu nhập thấp và trung bình, đầu tư không phải là việc cần làm trong thời kỳ lạm phát. Đi vay cũng là một điều không nên trong thời kỳ bão giá đối với các đối tượng kể trên. Thông thường, các chính phủ sẽ kiểm soát lạm phát bằng việc nâng lãi suất, thắt chặt tiền tệ. Đi vay trong thời điểm này sẽ làm tăng áp lực và gánh nặng trả nợ đối với các hộ gia đình có thu nhập cố định.
Về phía các doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng cần kiểm soát việc chi tiêu và có chính sách điều chỉnh giá cả linh hoạt. Chính sách giá bán cần phù hợp với lạm phát và sức mua của người dân ở từng thời điểm. Tiếp theo, các doanh nghiệp có thể xem xét tập trung vào những sản phẩm có biên lợi nhuận cao trong thời kỳ lạm phát.
Để hạ nhiệt giá xăng thì có hai giải pháp tạm thời: giảm các loại thuế và trợ giá xăng dầu. |
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể sử dụng các loại nguyên vật liệu đầu vào khác để thay thế cho các loại đang sử dụng. Khi lạm phát xảy ra, không phải giá cả của tất cả các mặt hàng đều tăng bằng nhau, có những hàng hóa tăng ít hơn những loại khác. Do đó, doanh nghiệp có thể sử dụng những sản phẩm thay thế rẻ hơn để tiết kiệm chi phí.
“Việc đi vay và đầu tư dàn trải vào các dự án cũng không được khuyến khích do rủi ro và chi phí đi vay sẽ cao hơn trong thời kỳ lạm phát. Đối với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính không tốt thì việc bảo toàn vốn sẽ quan trọng hơn là việc phát triển trong thời gian lạm phát cao” - TS. Tùng nhấn mạnh.
Thu Hằng
Theo