Thứ sáu 20/09/2024 12:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế / Doanh nghiệp

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải kiến nghị 7 nhiệm vụ chiến lược phát triển ngành Xây dựng

16:22 | 08/07/2022

(Xây dựng) – Vừa qua, tham gia Đoàn đại biểu Tổng hội Xây dựng Việt Nam gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Kiến trúc sư Lê Viết Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã kiến nghị 7 nhiệm vụ chiến lược phát triển ngành Xây dựng.

chu tich tap doan xay dung hoa binh le viet hai kien nghi 7 nhiem vu chien luoc phat trien nganh xay dung
KTS. Lê Viết Hải phát biểu ý kiến tại buổi tiếp kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chủ tịch nước quan tâm lắng nghe ý kiến đóng góp cho ngành Xây dựng

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập và chuẩn bị Đại hội IX nhiệm kỳ 2022-2027 của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, chiều ngày 5/7/2022 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu đại diện cho trên 10.000 hội viên, tập thể, cá nhân của Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Cuộc gặp thể hiện tình cảm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ kịp thời động viên, ghi nhận, khích lệ tinh thần cống hiến của đội ngũ trí thức, khoa học, công nghệ, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, phát triển đất nước.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng dành thời gian lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu một loạt các vấn đề đáng quan tâm của ngành như chất lượng công trình, nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Xây dựng, nghiên cứu phát triển vật liệu mới thân thiện môi trường... Trong đó, đáng chú ý là những ý kiến phát biểu của KTS. Lê Viết Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (SACA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Những ý kiến phát biểu của KTS. Lê Viết Hải đứng trên cả khía cạnh chuyên gia ngành Xây dựng cũng như góc nhìn của doanh nghiệp hàng đầu ngành Xây dựng.

Xúc động khi Chủ tịch nước dù bận nhiều công việc trọng đại của đất nước nhưng vẫn dành thời gian gặp mặt các chuyên gia, nhà khoa học của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, KTS Lê Viết Hải cho rằng trong thời kỳ đổi mới ngành Xây dựng có bước tiến phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ, tốc độ đổi mới có thể khẳng định cao nhất thế giới. Về kỹ thuật, chúng ta đã đi từ rất lạc hậu đến nay đã làm chủ công nghệ xây dựng hàng đầu thế giới.

“Khi các nước xung quanh còn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà thầu nước ngoài thì chúng ta đã có những nhà thầu trong nước có đủ khả năng thay thế nhà thầu nước ngoài. Tôi tiếp xúc nhiều kỹ sư xây dựng Philippine, Thái Lan, Malaysia nhiều công nghệ xây dựng chúng ta áp dụng từ nhiều năm rồi nhưng họ đến nay mới tiếp cận” – KTS. Lê Viết Hải chia sẻ. Sự phụ thuộc này khiến suất đầu tư một số loại hình công trình trở nên cao hơn rất nhiều so với Việt Nam và giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Về vật liệu xây dựng, nếu chúng ta để ý sẽ thấy giá trị xuất khẩu xi măng và clinker Việt Nam đã đứng đầu thế giới từ năm 2017. Nhiều loại vật liệu xây dựng của Việt Nam sản xuất được xuất khẩu đi hàng chục quốc gia trên thế giới. Về giá trị xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ từ năm 2019 Việt Nam đã trở thành nước đứng đầu trên thế giới. Đây là cơ sở hết sức quan trọng tạo nên một lợi thế cạnh tranh có tính chiến lược trên thị trường xây dựng thế giới.

Thêm một lợi thế hết sức quan trọng nữa, đó là hiện nay số lượng kỹ sư xây dựng Việt Nam rất dồi dào. Ở các nước phát triển giới trẻ hầu hết không thích làm việc trong ngành Xây dựng và bình quân của thế giới chỉ có 3.000 kỹ sư xây dựng trên một triệu dân. Trong khi đó, Việt Nam chúng ta có đến 9.000 kỹ sư xây dựng/1 triệu dân. Như vậy có thể thấy chúng ta có lượng nhân lực chính yếu trong ngành Xây dựng lên đến gấp 3 lần mức trung bình của thế giới. Đây là một lợi thế rất quan trọng nhưng nếu chúng ta không biết khai thác nó thì sẽ là gánh nặng trong tương lai khi nhu cầu xây dựng mới đạt mức bão hòa.

Để thành công trong việc xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra nước ngoài, ông Lê Viết Hải cho rằng cần chuẩn bị rất nhiều thứ và mất khá nhiều thời gian. Vì vậy, cần phải làm càng sớm càng tốt để không bỏ lỡ cơ hội. Chúng ta cần đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Sản xuất vật liệu xây dựng cần tiếp tục được đầu tư để có nhiều mặt hàng thỏa mãn các tiêu chuẩn cao của các nước phát triển bao gồm các tiêu chuẩn sản xuất xanh, tiêu chuẩn về an toàn, sức khỏe, môi trường, về sử dụng lao động, sử dụng tài nguyên, năng lượng...

Thị trường xây dựng thế giới hiện nay có giá trị lên đến khoảng 12.000 tỷ USD và theo dự báo đến năm 2030 sẽ lên đến 19.000 tỷ USD, trong khi xây dựng Việt Nam trong những năm gần đây chỉ khoảng từ 50 đến 60 tỷ USD tức là ít hơn 200 lần so với quy mô của thị trường thế giới. Nếu chúng ta áp dụng nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thì có thể khẳng định Việt Nam sẽ chinh phục được thị trường xây dựng thế giới và công nghiệp xây dựng nhất định sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

Ông Lê Viết Hải cho rằng, để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược này cần có sự hợp tác của các hiệp hội tạo nên hệ sinh thái tối ưu trong ngành Xây dựng bao gồm Tổng hội Xây dựng, Tổng hội Vật liệu xây dựng, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng, Hiệp hội Cơ khí xây dựng, Hội Tư vấn thiết kế công trình xây dựng, Hội Quản lý dự án xây dựng, Hội Tin học xây dựng, Hội Kỹ sư xây dựng, Hội Kiến trúc sư… và rất nhiều hiệp hội, câu lạc bộ liên quan đến ngành Xây dựng cần có sự liên kết, hợp tác với nhau để tạo nên một hệ sinh thái của ngành Xây dựng Việt Nam đạt được sự cộng hưởng và mang lại sự tối ưu về hiệu quả hợp tác. Bên cạnh đó, ngành Xây dựng rất cần sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, của Nhà nước.

KTS. Lê Viết Hải đề xuất cần xây dựng một chiến lược quốc gia trong đó xác định đâu là cơ hội, đâu là thách thức, đâu là những nhiệm vụ quan trọng và có giải pháp để thực thi những nhiệm vụ quan trọng đó để nâng cao năng lực cạnh tranh chung của ngành Xây dựng, giúp ngành Xây dựng thành công trong xuất khẩu.

Kiến nghị 7 nhiệm vụ chiến lược cụ thể phát triển ngành Xây dựng

Thứ nhất: Chính phủ hỗ trợ thông tin thị trường toàn cầu để doanh nghiệp xây dựng có thể đến đúng nơi phù hợp nhất. Cần phải xác định đâu là những thị trường tiềm năng, có điều kiện thuận lợi để chúng ta khai thác hiệu quả nhất. Hiện nay, theo nghiên cứu riêng của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ở các nước phát triển giá thành xây dựng đang gấp 3 đến 8 lần so với Việt Nam. Một m2 xây dựng thông thường ở nước ta dưới 500 USD trong khi các nước là từ 1.500 USD đến 4.000 USD/m2.

Thứ hai: Trong đàm phán các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương Chính phủ cần quan tâm về các điều khoản liên quan đến xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng thầu chứ không phải chỉ xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản…

Thứ ba: Cải cách thủ tục hành chính giúp cho doanh nghiệp xây dựng phát triển tốt hơn, đặc biệt là thủ tục đầu tư ra nước ngoài để doanh nghiệp xây dựng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường toàn cầu.

Thứ tư: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành Xây dựng từ lao động trực tiếp đến gián tiếp. Nguồn nhân lực hiện nay tuy có dồi dào hơn các nước khác nhưng vẫn thiếu nhân lực trình độ cao đạt chuẩn quốc tế đặc biệt là lao động trực tiếp (công nhân).

Thứ năm: Chính phủ hỗ trợ trong việc thiết lập hệ sinh thái ngày càng hoàn thiện hơn trong ngành Xây dựng Việt Nam nhằm kết nối các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng cùng các ngành liên quan để tạo nên sức mạnh cạnh tranh trên trường quốc tế.

Thứ sáu: Tạo điều kiện tốt hơn nữa cho doanh nghiệp xây dựng trong nước làm tổng thầu các dự án đầu tư quy mô lớn của Nhà nước.

Thứ bảy: Có phương thức quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam để hỗ trợ xuất khẩu dịch vụ xây dựng. Uy tín thương hiệu quốc gia cao sẽ là một lợi thế cạnh tranh quan trọng khi ngành Xây dựng phát triển ra thị trường nước ngoài.

chu tich tap doan xay dung hoa binh le viet hai kien nghi 7 nhiem vu chien luoc phat trien nganh xay dung
Các doanh nghiệp xây dựng cần sự hỗ trợ kịp thời để phục hồi và phát triển sau Covid-19.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt Chủ tịch nước, KTS. Lê Viết Hải còn cho biết các nước có truyền thống xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài hiện rất thiếu nguồn nhân lực. Nhiều tập đoàn xây dựng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong thời gian sau Covid đã phải mời Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tham gia thi công xây dựng các dự án của họ ở nước ngoài. Điều đó cho thấy rõ hơn nhu cầu của thị trường nước ngoài và và cơ hội Việt Nam thay thế nhiều nước khác trong việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp (dịch vụ tổng thầu) là rất thuận lợi.

Trong khi đó hiện nay các doanh nghiệp xây dựng phải đối diện với rất nhiều khó khăn! Bởi vì sau 2 năm chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, ngành Xây dựng lại gặp khó khăn khi các doanh nghiệp bất động sản bị kiểm soát nguồn vốn vay chặc chẽ hơn khiến việc thanh toán cho nhà thầu bị chậm trễ, nhiều dự án đầu tư bị trì hoãn. Những khó khăn đó chưa qua đi thì cuộc chiến tranh Nga - Ukraina đã tác động rất tiêu cực lên nền kinh tế thế giới khiến đầu tư nước ngoài không tăng mạnh như kỳ vọng, giá cả leo thang chóng mặt. Khủng hoảng chồng chất khủng hoảng, khó khăn chồng chất khó khăn khiến rất nhiều nhà thầu quy mô lớn, trước đây làm ăn rất tốt nhưng thời gian vừa qua phải đối diện với nguy cơ bị phá sản nếu không có sự hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Một nhà thầu lớn như một cỗ máy vĩ đại, tốn rất nhiều công sức, mất rất nhiều thời gian để hình thành để bị phá sản thì chẳng khác gì cổ máy bị tháo rời trở thành một đống sắt phế liệu. Đó là điều rất đáng tiếc!

Thay mặt các doanh nghiệp xây dựng, ông Lê Viết Hải tha thiết kiến nghị Đảng, Nhà nước và Chính phủ tìm cách hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng vượt qua khó khăn của những cuộc khủng hoảng liên tiếp; đồng thời thực thi 7 giải pháp mang tính chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xây dựng để ngành Xây dựng có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển quốc gia.

Ninh Nhi (ghi)

Theo

Cùng chuyên mục
  • Vinamilk và FPT hợp tác chiến lược nâng tầm quản trị tài chính toàn diện bằng giải pháp công nghệ

    (Xây dựng) - Ngày 11/9, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tập đoàn FPT đã tổ chức thành công buổi lễ công bố vận hành chính thức hệ thống FPT CFS - Giải pháp đóng sổ và hợp nhất báo cáo tài chính toàn diện. Đây là sự kiện tiếp nối chuỗi dự án chuyển đổi số tài chính toàn diện của Vinamilk trong chiến lược phát triển bền vững, góp phần nâng cao vị thế thương hiệu của Vinamilk trên thị trường Việt Nam và quốc tế.

  • Sea Office: Dịch vụ cho thuê văn phòng tối ưu chi phí

    (Xây dựng) - Trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh khốc liệt, việc tối ưu hóa chi phí vận hành là một trong những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Chi phí thuê văn phòng, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, thường chiếm một phần đáng kể trong ngân sách của doanh nghiệp. Hiểu được điều này, Sea Office mang đến giải pháp toàn diện giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tối ưu hiệu quả hoạt động thông qua các dịch vụ văn phòng linh hoạt và hệ sinh thái hỗ trợ chuyên nghiệp.

  • Vingroup tổ chức chuỗi hoạt động thiện nguyện, kêu gọi cộng đồng chung tay tái thiết cuộc sống sau bão lũ

    (Xây dựng) – Hôm nay (19/9), Tập đoàn Vingroup, các công ty thành viên và đối tác đồng hành công bố tổ chức chuỗi hoạt động thiện nguyện “Gieo mầm Thiện tâm”. Đây là hành động thiết thực nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ đồng bào vùng bão vượt qua khó khăn, gieo mầm cho tương lai tươi sáng.

  • Chất thể thao "từ trong ra ngoài" của VinFast VF 7

    (Xây dựng) - Thiết kế cá tính, sức mạnh động cơ vượt trội hoàn toàn trong phân khúc, cùng loạt trang bị công nghệ giúp xe thông minh và an toàn hơn, VinFast VF 7 được xem là mẫu xe phong cách thể thao đáng tiền nhất trong tầm giá 1 tỷ đồng tại Việt Nam.

  • Thanh Hóa: Vicem Bỉm Sơn bị nhà thầu phản ánh vi phạm trong gói thầu 500 tỷ đồng

    (Xây dựng) - Ngày 12/9, Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (Vicem Bỉm Sơn) công bố kết quả lựa chọn nhà thầu tại gói thầu gần 500 tỷ đồng do đơn vị này mời thầu. Ngay lập tức, đại diện Liên danh nhà thầu SINOMA - T&TCONS - PETROCONS gửi đơn tới báo chí, phản ánh Vicem Bỉm Sơn vi phạm Luật Đấu thầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khác trúng thầu, gây thiệt hại kinh tế.

  • Thu mua đồ cũ Sài Gòn - chuyên mua bán, thanh lý xác nhà

    (Xây dựng) - Trong xã hội hiện đại, nhu cầu tiêu dùng và tái chế đồ cũ ngày càng phổ biến, không chỉ giúp giảm thiểu rác thải mà còn tạo ra một nguồn tài nguyên giá trị.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load