Thứ bảy 21/12/2024 23:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Chủ động, linh hoạt trong phân vùng môi trường

10:36 | 20/12/2024

Triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội xác định phân vùng môi trường trong quy hoạch và các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo phân vùng trên địa bàn; hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện gây ô nhiễm.

Đích đến là giảm thiểu tác động của ô nhiễm, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường.

Chủ động, linh hoạt trong phân vùng môi trường
Quận Hoàn Kiếm là một trong những địa phương triển khai thí điểm vùng phát thải thấp. Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều vấn đề đặt ra

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" nêu rõ: “Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; hoàn thành cải tạo môi trường sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch; các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch”. Trước đó, Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” cũng đề ra các giải pháp bảo vệ môi trường.

Dù vậy, Hà Nội đang gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai. Nguyên nhân do thực hiện Thông tư số 51/2014/TT-BTNMT ngày 5-9-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trên địa bàn thành phố với 5 quy chuẩn Thủ đô Hà Nội ở mức cao và nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn quốc gia nhưng chưa có quy chuẩn khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Chưa hết, Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định, các khu dân cư tập trung ở đô thị bao gồm khu vực nội thành, nội thị của các đô thị đặc biệt (trong đó có Thủ đô Hà Nội) là vùng bảo vệ nghiêm ngặt và khu vực vùng đệm của vùng bảo vệ nghiêm ngặt là vùng hạn chế phát thải. Song những yêu cầu, điều kiện nêu trên chưa có các biện pháp nhằm khuyến khích triển khai.

Khắc phục những bất cập, Luật Thủ đô năm 2024 đã thể hiện rõ tinh thần tạo ra những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phân cấp, ủy quyền cho thành phố chủ động, linh hoạt trong công tác điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô. Luật quy định quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch… Đồng thời, vẫn bảo đảm sự giám sát từ trung ương thông qua việc báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ.

Những giải pháp cụ thể

Trước những tin tưởng, gửi gắm, kỳ vọng của Quốc hội, Chính phủ, mới đây nhất, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết nhằm quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn thành phố Hà Nội để có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Thủ đô 2024 (từ ngày 1-1-2025).

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, để việc điều chỉnh phân vùng môi trường và điều chỉnh cục bộ quy hoạch nêu trên đạt hiệu quả cao, việc ban hành quy định trình tự, thủ tục được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ tăng cường, bổ sung nhiều biện pháp nhằm khuyến khích đầu tư đối với lĩnh vực, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ có mức độ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô; hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện gây ô nhiễm di chuyển trong một số khu vực của Hà Nội; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông có mức độ phát thải thấp (như đường sắt đô thị, xe điện, xe sử dụng năng lượng sạch, có mức độ phát thải thấp…).

Để dần mở rộng vùng phát thải thấp, các chuyên gia cho rằng Hà Nội cần thí điểm tại một số khu vực, lựa chọn những địa phương phù hợp làm hạt nhân ban đầu, chú ý khả năng kết nối các khu vực bằng phương tiện giao thông xanh, ví dụ như xe điện, xe đạp công cộng... Theo Nghị quyết trên của HĐND thành phố, quận Hoàn Kiếm, Ba Đình đã được xác định sẽ triển khai thi điểm việc này trong giai đoạn 2025-2030.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên giảng viên cao cấp (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) các cơ chế được quy định trong Luật Thủ đô kết hợp với các quy định về bảo vệ môi trường, phân vùng môi trường sẽ tạo điều kiện để Thủ đô thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường.

Ở góc nhìn khác, bà Bùi Thị Đến (ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) cho rằng, cần có các cơ chế giám sát hiệu quả để bảo đảm các quy định phân vùng môi trường được tuân thủ. Vấn đề nữa, thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi không phân loại rác thải sẽ bắt đầu từ ngày 1-1-2025. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hướng dẫn và cũng chưa đẩy mạnh truyền thông giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường, các biện pháp cụ thể để người dân thực hiện như giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn...

Theo Hà Phong/hanoimoi.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load