Chủ nhật 19/05/2024 07:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chính thức ra mắt Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam

18:00 | 12/04/2024

(Xây dựng) - Chiều 12/4, tại Thành phố Hà Nội, Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam (GHGVIETNAM) đã chính thức được thành lập.

Chính thức ra mắt Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam
Ông Nguyễn Đức Vinh - Trưởng Ban lâm thời Mạng lưới GHGVIETNAM phát biểu tại lễ ra mắt.

Đây là sáng kiến của các tổ chức có cam kết hỗ trợ khối doanh nghiệp trong việc kiểm kê khí nhà kính, phát triển theo hướng kinh tế carbon thấp, nhằm đem đến những giải pháp toàn diện vì một Việt Nam xanh.

Các thành viên nòng cốt của Mạng lưới, gồm: Trung tâm nghiên cứu, tư vấn và đào tạo về phát triển địa phương (STG), Trung tâm Phát triển cộng đồng sinh thái (ECODE), Viện Phát triển công nghệ (ITD), Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ giải pháp giáo dục Việt Nam, Công ty TNHH Thuận Phước.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, ông Nguyễn Đức Vinh - Trưởng Ban lâm thời Mạng lưới GHGVIETNAM cho biết, Mạng lưới ra đời nhằm mục tiêu thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nguồn lực giữa các đối tác để hỗ trợ khối doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh Việt Nam trong kiểm kê khí nhà kính.

Chính thức ra mắt Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam
Mạng lưới GHGVIETNAM ra đời nhằm mục tiêu thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nguồn lực giữa các đối tác để hỗ trợ khối doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh kiểm kê khí nhà kính.

Mạng lưới hướng đến chuyển đổi xanh, ứng dụng kinh tế tuần hoàn và kinh tế carbon thấp. Đến năm 2030, Mạng lưới đối tác GHGVIETNAM xác định tầm nhìn sẽ trở thành Hiệp hội quy tụ các đối tác hàng đầu để hỗ trợ, thúc đẩy khối doanh nghiệp hành động giảm phát thải khí nhà kính, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, hướng đến chuyển đổi xanh và nền kinh tế carbon thấp.

Sứ mệnh của Mạng lưới là kiến tạo và đại diện cho các tổ chức kinh doanh, khối doanh nghiệp ở Việt Nam trong quá trình hành động giảm phát nhà kính, thực hiện kinh tế tuần hoàn.

“Do đó, chúng tôi đặt ra chiến lược tập trung đào tạo các lĩnh vực liên quan đến kiểm kê khí nhà kính, tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG, các chuẩn mực xanh, tư vấn kiểm kê khí nhà kính và thẩm định giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật. Chiến lược hoạt động cũng coi trọng công tác truyền thông, vận động chính sách, hợp tác trong nước và quốc tế”, ông Vinh chia sẻ.

Trong Báo cáo quốc gia về Khí hậu và phát triển tại Việt Nam 2022, Ngân hàng thế giới (WB) nhận định, để thực hiện lộ trình phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam, tổng nhu cầu vốn tính riêng cho giai đoạn 2022 - 2040 lên tới 114 tỷ USD (trung bình 2,1% GDP/năm), chủ yếu để hỗ trợ quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Chính thức ra mắt Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam
GHGVIETNAM cùng các đối tác chiến lược là các doanh nghiệp tư vấn, quỹ đầu tư, viện nghiên cứu, hiệp hội và các trường đại học, cao đẳng chụp ảnh lưu niệm.

Bên cạnh việc huy động nguồn lực trong nước, Việt Nam đang chủ động tiếp cận, thúc đẩy quan hệ với Chính phủ các nước, các tổ chức, định chế tài chính quốc tế, quỹ tín dụng quốc tế và khu vực tư nhân... nhằm huy động các nguồn hỗ trợ tài chính, đầu tư và công nghệ xanh cho các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.

Cũng tại buổi lễ, GHGVIETNAM đã ký hợp tác với các đối tác chiến lược là các doanh nghiệp tư vấn, quỹ đầu tư, viện nghiên cứu, hiệp hội và các trường đại học, cao đẳng. Và tọa đàm chuyên môn với chủ đề “Con đường tiếp cận tài chính xanh – kiểm kê khí nhà kính, Báo cáo ESG và Phát triển nguồn nhân lực xanh”.

Mạng lưới GHGVIETNAM hoạt động theo nguyên tắc cùng phát triển, tuân thủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, với tôn chỉ, mục đích đi đầu trong việc tạo ra các nền tảng về đào tạo, tư vấn kiểm kê khí nhà kính, ứng dụng công nghệ, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam hướng đến chuyển đổi xanh, ứng dụng kinh tế tuần hoàn và kinh tế cac-bon thấp vì mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết NetZero của Chính phủ Việt Nam vào năm 2050

Diệp Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load