Chủ nhật 19/05/2024 16:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

ChatGPT không thay thế được người thầy, còn là cơ hội cho giáo dục

15:36 | 07/03/2023

(Xây dựng) – ChatGPT sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động dạy học, đây chính là cơ hội chứ không phải nguy cơ cho giáo dục. Thực tế, ChatGPT không thay thế người thầy nhưng vai trò của người thầy sẽ thay đổi.

ChatGPT không thay thế được người thầy, còn là cơ hội cho giáo dục
Tọa đàm thu hút đông đảo sự quan tâm của chuyên gia, giảng viên, sinh viên.

Chúng ta đều biết rằng, AI sẽ ngày càng giỏi hơn nhưng suy cho cùng, yếu tố cảm xúc hay cá nhân hóa trong việc dạy học lại rất quan trọng. Chủ đề này đã được nhiều chuyên gia đưa ra thảo luận tại tọa đàm “Người thầy trong thời đại AI: Ảo và Thật – Đồng hành và Đối kháng”, do trường Đại học Thái Bình Dương tổ chức vào sáng 6/3.

Tại buổi tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng - Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị, trường Đại học Thái Bình Dương cho biết: “Không ít sinh viên cảm thấy hoang mang trước sự xuất hiện của các công cụ AI. Chúng ta cần thay đổi làm sao để giúp sinh viên ứng dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn. Vai trò người thầy là đồng hành, định hướng, điều chỉnh phù hợp để giúp người học thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ chứ không phải cung cấp, giải đáp kiến thức. Người thầy khác với ChatGPT là đánh giá được kiến thức và đưa ra giải pháp, định hướng cho người học”.

Cũng tại tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Đức Thành - giảng viên trường Đại học Thái Bình Dương cho rằng: Chúng ta sử dụng ChatGPT như một công cụ ưu việt, thì chúng ta vẫn vượt lên trên nó. “Trong một thế giới của máy móc, anh muốn tồn tại thì anh phải giống như một con người có cảm xúc, tư duy, hiểu thế giới thông qua những khái niệm, biết cách đặt câu hỏi... Đó là quá trình chúng ta phải học, không ai học thay chúng ta được. Chừng nào chúng ta biết, hiểu các khái niệm thì mới sử dụng ChatGPT tốt. Nắm giữ được khái niệm và sử dụng nó, chuyển hóa nó vào trong thực tế cuộc sống thì chúng ta có sức mạnh hơn AI nhiều”, PGS-TS Thành khẳng định.

Từ đó, ông cho rằng trong giáo dục, chúng ta nên chung sống, đồng hành chứ không nên đối kháng với các công cụ AI. “Người thầy và học trò phải tìm cách để sử dụng công cụ AI có lợi cho mình. Chẳng hạn, Napoleon sinh năm nào, cuộc đời ông ấy đã trả qua những gì, ông ấy có ý chí, hành động ra sao... thì người máy chỉ có thể cung cấp đầy đủ thông tin, nhưng mỗi chúng ta học hỏi được gì từ ông ấy, có cảm nhận thế nào... thì chỉ chính chúng ta mới có thể biết, chứ ChatGPT không biết được”, ông Nguyễn Đức Thành nói.

Ngoài ra, giáo sư Trương Nguyện Thành cho hay có ChatGPT làm được 80% công việc của thầy cô rồi thì giáo viên sẽ giải quyết vấn đề khác. “Đó là dạy các em cách sử dụng các công cụ này, dạy cách suy luận, đưa ra giải pháp… Cách đánh giá học tập lâu nay cũng đã bắt đầu lỗi thời nên chúng ta phải suy nghĩ cách đánh giá khác phù hợp hơn. Chẳng hạn, đánh giá cách sinh viên giải quyết vấn đề thay vì trả lời câu hỏi liên quan đến kiến thức”, giáo sư Trương Nguyện Thành chia sẻ.

Trong nhiều thập kỷ qua, công nghệ AI mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Sự ra đời của những công nghệ mới đều giúp cho mọi công việc trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Đặc biệt trong ngành giáo dục, các thành tựu công nghệ AI đã giúp ngành giáo dục có những bước tiến lớn.

Trước kia, ngành giáo dục hay các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức. Ngày nay, với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi, thay đổi từ thể thức truyền bá tri thức sang định hướng và đồng hành cùng người học.

ChatGPT không thay thế được người thầy, còn là cơ hội cho giáo dục
Các chuyên gia công nghệ và giáo dục chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm.

Toạ đàm “Người thầy trong thời đại AI: Ảo và Thật – Đồng hành và Đối kháng” được triển khai trên cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Với sự góp mặt của nhiều chuyên gia về công nghệ. Chương trình đã mang đến những góc nhìn tổng quan về ưu điểm và hạn chế của ứng dụng AI-ChatGPT, những góc nhìn khác nhau về tác động của ChatGPT trong giáo dục, thảo luận và tìm cách ứng xử phù hợp với công cụ này ở trường học. Từ đó, đưa ra những định hướng thay đổi trong chiến lược, phương pháp dạy, học và đánh giá nhằm giúp cho sinh viên học tập hiệu quả hơn, đồng thời có những thay đổi, chuẩn bị tích cực cho việc dạy và học của nhà trường trong kỷ nguyên công nghệ số.

Ngoài ra, tọa đàm cũng là diễn đàn để các nhà quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu, giảng viên thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục.

Tùng Quân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load