(Xây dựng) - Sáng 24/12, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND các tỉnh: Điện Biên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Lễ khánh thành trực tuyến 4 dự án giao thông trọng điểm gồm: Mở rộng cảng hàng không Điện Biên, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ báo cáo tổng thể về 4 dự án tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang. |
Dự Lễ khánh thành tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo, đại diện các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các địa phương; các đơn vị thi công, nhà thầu cùng đông đảo cán bộ và nhân dân các tỉnh, thành có dự án đi qua.
Dự buổi lễ tại điểm cầu khánh thành cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Chẩu Văn Lâm - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang; Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ; lãnh đạo một số Bộ, ngành, đơn vị Trung ương; lãnh đạo các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang; đại diện nhà thầu, đơn vị thi công cùng đông đảo người dân trong khu vực dự án.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo tổng quan về 4 dự án. Các dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày hôm nay là kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực trung du và miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kết nối, tạo động lực thúc đẩy kinh tế liên vùng và mở ra những cơ hội phát triển mới trong tương lai.
Để hoàn thành các dự án, hàng nghìn kỹ sư, công nhân đã vào cuộc ngày, đêm, vì công việc, vì tình yêu đất nước, lòng yêu nghề đã vượt qua tất cả sự khắc nghiệt của thời tiết và môi trường lao động, không nghỉ trong những ngày lễ, Tết để bám máy, bám công trường thi công đảm bảo tiến độ.
Toàn cảnh Lễ cắt băng khánh thành cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. |
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ được đầu tư bằng hình thức đầu tư công, tổng chiều dài 40,2km (địa phận tỉnh Tuyên Quang 11,3km; địa phận tỉnh Phú Thọ 28,9km). Tổng mức đầu tư 3.753 tỷ đồng; quy mô 4 làn xe; tốc độ khai thác 90km/h. Điểm đầu của dự án tại thành phố Tuyên Quang và điểm cuối kết nối với nút giao IC9 của cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc tỉnh Phú Thọ.
Công trình khởi công năm 2021, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tuyên Quang làm chủ đầu tư. Đây là dự án quan trọng của quốc gia, đồng thời là dự án cao tốc đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Phú Thọ đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; các Sở, ban, ngành và các địa phương đã tập trung cao độ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn. Đặc biệt là giai đoạn thi công nước rút từ đầu tháng 10/2023 đến nay, trên tinh thần thi đua “78 ngày đêm vượt nắng, thắng mưa”, chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công đã tập trung nhân lực, vật lực, máy móc, thiết bị, thi công “3 ca, 4 kíp” xuyên ngày, xuyên đêm để hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch.
Tuyến đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ hoàn thành và đưa vào sử dụng. |
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai chính thức hoàn thành đã mở ra không gian phát triển mới; giúp giảm tải cho Quốc lộ 2 và rút ngắn thời gian di chuyển từ Tuyên Quang về Thủ đô Hà Nội. Trong tương lai không xa, khi tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hoàn thành sẽ tạo trục đường cao tốc nối liền Hà Nội với Tuyên Quang và Hà Giang, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang và khu vực trung du, miền núi phía Bắc.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Sự kiện lần đầu tiên đồng loạt khánh thành 4 công trình giao thông trọng điểm với tổng vốn đầu tư gần 18 nghìn tỷ đồng hôm nay có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công và nhân dân trong vùng dự án đi qua đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đồng tâm hiệp lực với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, làm việc xuyên ngày, xuyên đêm đưa các dự án về đích đúng tiến độ.
Từ kết quả đạt được, Thủ tướng nêu lên 6 bài học kinh nghiệm để triển khai hiệu quả những công trình, dự án trọng điểm trong thời gian tới. Đó là đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ; phát huy tính tự lực, chủ động, sáng tạo của các địa phương; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó; phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan trong hệ thống chính trị và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tiếp tục phối hợp hoàn thiện các hạng mục phụ trợ, khai thác hiệu quả các công trình, dự án; thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán đảm bảo công khai, minh bạch, chống tiêu cực; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng công trình; thực hiện hoàn nguyên các nơi khai thác nguyên vật liệu đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường; đồng thời quan tâm chăm lo đời sống, tạo sinh kế cho nhân dân thuộc diện phải di dời để thực hiện dự án theo tinh thần “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”.
Thủ tướng kỳ vọng các dự án sẽ mở ra không gian phát triển, làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong thời gian tới.
Thái Lâm
Theo