(Xây dựng) – Thời gian gần đây, những dấu hiệu hằn lún, sống trâu xuất hiện cho thấy tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, tuyến cao tốc này còn thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng kéo dài.
Mối nối giữa mặt đường với các mố cầu cũng tiềm ẩn mất an toàn. |
Mặt đường xuống cấp
Theo quan sát, dọc tuyến từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Long Thành – Đồng Nai (tính từ đường Mai Chí Thọ, quận 2 đến trạm thu phí, ngõ ra phía Long Thành – Đồng Nai), phóng viên Báo điện tử Xây dựng nhận thấy tình trạng hằn lún xuất hiện dày đặc, đặc biệt là tại các khu vực nối với các mố cầu cạn hay cống ngầm.
Tình trạng này khá nhiều, nếu chạy xe ở vận tốc 80km – 100km/h qua các khu vực trên mà không quan sát kỹ thì khá nguy hiểm. Trao đổi với nhiều tài xế thường xuyên đi trên tuyến này, họ cho biết nếu đang chạy tốc độ bình thường (chưa phải là tốc độ tối đa cho phép) nhưng khi qua các đoạn lún này đều phải giảm tốc độ, nếu không sẽ xảy ra hai tình huống, một là cạ gầm xe, hai là xe bị hất tung lên.
Ngoài tình trạng lún tại các đầu cầu cạn và cống ngầm, trên cầu Long Thành xuất hiện tình trạng mà trong ngành giao thông gọi là “sống trâu” ngang đó là hiện tượng hằn lún nhỏ, đều… khi chạy với 1 vận tốc thấp sẽ rất khó chịu vì như đang phi ngựa, hiện tượng này cũng xuất hiện tại 1 số nơi trên các cầu cạn khác. Tại khu vực đường dẫn xuống cao tốc phía quận 2 thì xuất hiện hằn lún “sống trâu” dọc theo các vệt bánh xe, tình trạng này khá nguy hiểm cho các xe nhỏ khi lưu thông.
Theo 1 chuyên gia trong ngành giao thông, tình trạng này sẽ nằm trong hai trường hợp, một là khả năng nền đường không ổn định; hai là nếu xuất hiện trên các cầu thì có khả năng do chất lượng nhựa đường.
Mặt đường đã được chủ đầu tư – VEC bù lún, tuy nhiên, nếu không giảm tốc độ khi đi qua thì xe sẽ bị hất tung lên. |
Thường xuyên xảy ra ùn tắc
“Tình trạng ùn tắc thì xảy ra khá lâu rồi, trước đây ùn tắc chỉ vào ngày cuối tuần, nhưng đến mấy năm nay thì xảy ra hàng ngày, tình hình chẳng có cải thiện mà lại còn ngày một tăng. Nó là nỗi ám ảnh của tôi khi phải đi qua đây”, anh Nguyễn Tiến Lâm – một người thường xuyên di chuyển trên cao tốc ngán ngẩm cho biết.
Quả đúng như vậy, khi tuyến cao tốc này được đưa vào sử dụng, chỉ sau 1 thời gian ngắn là xảy ra tình trạng ùn tắc trên cầu Long Thành (trước khi đến trạm thu phí), có khi kẹt xe kéo dài cả 10km với thời gian cả giờ đồng hồ, nhiều người cho rằng có tại nạn, người thì cho rằng đó là “động tác” của chủ đầu tư – VECE, đơn vị quản lý cao tốc.
Hàng ngày, trên các diễn đàn về xe, về giao thông đều xuất hiện các thông tin cảnh báo về tình trạng kẹt xe trên tuyến cao tốc này, đa số các thành viên trên các diễn đàn này đều cho rằng khá mệt mỏi khi phải di chuyển trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Nhiều người cho biết, họ không còn sự lựa chọn nào khác nhưng chạy trên cao tốc mà tốc độ rùa bò với tình hình kẹt xe kéo dài và tình trạng các xe dịch vụ, xe khách, xe container, xe tải… chạy vào lane khẩn cấp, khiến tình trạng mất an toàn trên tuyến cao tốc càng tồi tệ hơn.
“Tình trạng ùn tắc xe vài tiếng đồng hồ với hang chục km trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây xảy ra liên tục thời gian gần đây, đặc biệt là các dịp cuối tuần, ngày lễ”, khá nhiều người dân than phiền về tình hình kẹt xe liên tục trên tuyến cao tốc này.
Chỉ sau 1 thời gian ngắn đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây thường xuyên ùn tắc. Thời gian gần đây ùn tắc cả ngõ ra phía Long Thành – Đồng Nai. |
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng liên hệ với Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC, họ cũng thừa nhận có tình trạng kẹt xe, tuy nhiên phía VEC cho rằng tình trạng này là do có tai nạn trên tuyến.
Phóng viên hỏi: “Trong điều kiện nào thì đơn vị vận hành mới xả trạm?”. Phía VEC cho biết, theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định một số trường hợp về xử phạt đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ nếu để xảy ra các hành vi vi phạm (Khoản 6, 7, 8, 9 Điều 15) mà không chấp hành yêu cầu của Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí.
Cụ thể, các khoản 6,7,8,9 này quy định nếu đơn vị thu phí không thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành theo quy định để số lượng xe vượt quá quy định từ 100 xe trở lên hoặc thời gian dừng trước trạm thu phí từ 10 phút đến 30 phút, hay để dòng xe sếp hang dài chờ tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng từ 1.000m đến 2.000m thì sẽ bị xử phạt theo các mức tương ứng từ 10 triệu đồng cho đến 70 triệu đồng.
Như vậy, điều kiện xả trạm là khi đơn vị vận hành để vi phạm các quy định nêu trên và khi có sự yêu cầu triển khai các giải pháp khắc phục của Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam).
Tuy nhiên, theo VEC cũng cần phải xem xét đến nguyên nhân gây ùn tắc giao thông có phải do công tác thu phí gây ra hay không và việc xả trạm có giải quyết được ùn tắc hay không.
Vẫn không có giải pháp căn cơ
“Qua thực tế ở tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, cho thấy đến hơn 90% sự cố ùn tắc giao thông là do tai nạn, do xe tải đi chậm, đi thành 2 hàng. Ngoài ra, vào dịp cuối tuần, ngày lễ, tết lưu lượng xe quá đông (đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Quốc lộ 51, quá tải lưu lượng thiết kế của đường 200 - 300%)”, phía VEC khẳng định việc kẹt xe là do các nguyên nhân khách quan.
Như vậy, theo VEC thì chuyện ùn tắc trên tuyến là do tai nạn chiếm trên 90%, còn lại là do nhiều tài xế ý thức kém, chạy dưới tốc độ cho phép, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định hoặc có nhiều trường hợp cố tình chạy song song nên đã gây ra tình trạng ùn ứ giao thông.
Khi có dấu hiệu ùn tắc thì hàng loạt xe di chuyển vào lane khẩn cấp bất chấp nguy hiểm. |
Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này thì đơn vị quản lý đường cho biết: Với trách nhiệm là đơn vị vận hành, VEC đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Cử ngay đội vận hành thực hiện phân luồng, điều tiết giao thông; phối hợp với các đài phát thanh, đăng tải lên các biển báo điện tử lắp đặt trên tuyến cao tốc về tình trạng giao thông, khuyến cáo các chủ phương tiện chủ động đổi lộ trình từ xa, tùy vào mục đích của mình để lựa chọn cung đường phù hợp để di chuyển; đồng thời báo cáo ngay với cơ quan chức năng (Cục Cảnh sát giao thông, Thanh tra Giao thông, chính quyền địa phương…).
“Để xử lý theo thẩm quyền do VEC là doanh nghiệp, không có quyền xử phạt, chỉ có thể ghi nhận tình huống và báo cáo cho các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định”, VEC chia sẻ.
Trước tình trạng quá tải trên tuyến cao tốc này, VEC cho biết đang đề xuất phương án mở rộng tuyến cao tốc để đáp ứng lưu lượng giao thông hiện nay.
Box: Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây được đưa vào sử dụng từ tháng 2/2015, với tổng mức đầu tư 20.630 tỷ đồng, có chiều dài 55,7km, điểm đầu tại nút giao thông An Phú, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai.
Mạnh Cường
Theo