(Xây dựng) - Hơn 10 qua năm với nhiều cách làm sáng tạo và chủ động, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã thổi luồng sinh khí mới đến những vùng nông thôn của tỉnh Cao Bằng nói chung và thành phố Cao Bằng nói riêng. Diện mạo thành phố Cao Bằng bừng lên sức sống với những con đường mới, những công trình được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Thành tựu đó là sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân sau nhiều quyết tâm, quyết liệt để phấn đấu xây dựng thành phố xanh, sạch, văn minh.
Thành phố Cao Bằng dẫn đầu trong công tác thi đua xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh. |
Những kết quả khởi sắc đáng ghi nhận trong công tác xây dựng Nông thôn mới
Thực hiện phong trào thi đua “Cao Bằng chung sức xây dựng Nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, thành phố Cao Bằng đã kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đóng góp ủng hộ 70 tỷ đồng để xây dựng Nông thôn mới. Trong đó, huy động hơn 30 tỷ đồng từ các nguồn lực khác, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ gần 20 tỷ đồng; cán bộ, công chức, viên chức 3,6 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 5,8 tỷ đồng, hiến trên 17.000 m2 đất và hàng chục nghìn ngày công lao động.
Thành phố Cao Bằng là đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai xây dựng xóm điểm Nông thôn mới kiểu mẫu. Trong khi năm 2021, chưa có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, nhưng thành phố đã chủ động xây dựng ban hành Bộ tiêu chí xóm điểm Nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 với 13 tiêu chí. Qua đánh giá khảo sát, thành phố đã tập trung triển khai lựa chọn 3 xóm điểm để xây dựng, đó là: Xóm Nam Phong 2 (xã Hưng Đạo), Xóm 6 (xã Vĩnh Quang), Xóm 2 (xã Chu Trinh). Đến nay, cả 3/3 xóm đã cơ bản hoàn thành các nội dung tiêu chí.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sức lan tỏa và làm chuyển biến nhận thức của người dân, sau gần 9 năm thực hiện xây dựng Nông thôn mới, xã Vĩnh Quang đã huy động 22,4 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó ngân sách Trung ương và tỉnh 5 tỷ 043 triệu đồng; ngân sách thành phố hỗ trợ trên 12 tỷ đồng; ngân sách xã 48 triệu đồng; nguồn đóng góp nhân dân gần 4,8 tỷ đồng và doanh nghiệp ủng hộ gần 500 triệu đồng. Đến nay, xã Vĩnh Quang đã xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học, trồng rau rau an toàn theo hướng sản xuất hàng hóa. 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa; mương thủy lợi được đầu tư xây mới đáp ứng nhu cầu tưới tiêu trên 90% diện tích đất canh tác. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng đồng bộ. Đến năm 2019, xã Vĩnh Quang thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm còn 3,4%. Tháng 01/2020, xã Vĩnh Quang vinh dự được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Xã Chu Trinh là xã có địa hình chia cắt và độ dốc lớn, đa phần người dân sinh sống chủ yếu làm nghề nông nghiệp nên đời sống của bà con nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Xác định rõ những khó khăn đó, những năm qua Đảng bộ, chính quyền xã Chu Trinh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới phù hợp với điều kiện địa phương. Trong đó, ưu tiên thực hiện những công việc có tính khả thi để làm trước. Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương đã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là đề cao vai trò của trưởng xóm, người có uy tín trong tuyên truyền, vận động nhân dân. Đến nay, diện mạo nông thôn của xã Chu Trinh đang ngày một khởi sắc, hệ thống chính trị được ổn định, nhiều tuyến đường được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của nhân dân; hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp từng bước được hoàn thiện bằng sự hỗ trợ về vật liệu của Nhà nước và đóng góp công sức của người dân để xây dựng nên. Xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Xã Chu Trinh đã chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn của UBND thành phố mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ về vốn và giống cho các hộ triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, cơ cấu nông nghiệp của xã Chu Trinh bước đầu đã có thay đổi tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá. Nhiều hộ dân tại địa phương này đã biết tận dụng diện tích vườn đồi, tập trung trồng cây ăn quả như thanh long, cam, quýt, bưởi; chăn nuôi gà ri lai... Đến nay, đời sống người dân dần được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,9%.
Đến nay, cả 3 xã Hưng Đạo, Vĩnh Quang, Chu Trinh đã xây dựng, hoàn thiện được 150km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa trên 100km kênh mương thủy lợi; diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới 85%. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn được cải thiện. Xây dựng và hình thành một số mô hình sản xuất điển hình như dâu tây, cây nho công nghệ cao, thanh long, đào cảnh, rau an toàn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 33,3 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân khu vực nông thôn giảm từ 7 % năm 2011 xuống còn 3,4% năm 2019.
Diện mạo các Nông thôn mới đang khởi sắc, minh chứng cho sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thành phố. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố quyết tâm bước tiếp chặng đường mới, phấn đấu đến năm 2023, xã Hưng Đạo hoàn thành Nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2024, xã Vĩnh Quang hoàn thành Nông thôn mới nâng cao.
Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu hoàn thành sớm hoặc theo đúng kế hoạch, có chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong xây dựng Nông thôn mới. |
Toàn tỉnh Cao Bằng chung sức thi đua xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Ngày 26/9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh ký ban hành Kế hoạch số 2452/KH-UBND thực hiện phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Theo đó: Các Sở, ban, ngành, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể tỉnh, căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua; tập trung xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nông thôn mới.
UBND các huyện, thành phố tiếp tục phát động, hướng dẫn, đổi mới, nội dung, hình thức triển khai thực hiện Phong trào thi đua trên địa bàn, trong đó chú trọng: Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với từng địa bàn và dân cư làm mục tiêu để tổ chức, triển khai, đánh giá Phong trào thi đua; Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh trong việc triển khai thực hiện Phong trào thi đua; Huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia, đóng góp trí tuệ, công sức, phát huy nội lực và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng Nông thôn mới; Tuyên truyền, vận động củng cố, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để chung sức xây dựng Nông thôn mới; Phấn đấu hoàn thành sớm hoặc theo đúng kế hoạch, có chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong xây dựng Nông thôn mới.
UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nông thôn mới, tích cực tham gia, đóng góp công sức trong xây dựng Nông thôn mới; phấn đấu hoàn thành sớm hoặc theo đúng kế hoạch, có chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu; triển khai thực hiện các Phong trào thi đua trên địa bàn.
Các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền, vận động, tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để chung sức xây dựng Nông thôn mới; phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiến tiến trong Phong trào thi đua; tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện xây dựng Nông thôn mới góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của Phong trào thi đua.
Thảo Phương
Theo