(Xây dựng) – Đó là ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Văn phòng Chính phủ ra thông báo.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII trình lần này vẫn chưa khả thi, hiệu quả. |
Trước đó, ngày 08/9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan. Sau khi nghe báo cáo tổng hợp, tóm tắt nội dung kế hoạch trình và ý kiến của các Bộ, ngành tham dự, Phó Thủ tướng Chính phủ đã kết luận với các số nội dung như sau:
Quy hoạch điện VIII được hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, trong đó đã nghiên cứu, thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ về các yếu tố "động" và "mở" để có các biện pháp quản lý chủ động, linh hoạt và hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VIII có nêu các tiêu chí, luận chứng xây dựng danh mục dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện để triển khai lập Kế hoạch thực hiện quy hoạch này, đáp ứng yêu cầu về mức độ chi tiết của Kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật để các cấp các ngành tổ chức triển khai khả thi, hiệu quả, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Phó Thủ tướng cho rằng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII là nội dung rất khó, cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng mới đáp ứng yêu cầu phê duyệt theo quy định. Mặc dù đã rất nỗ lực, cố gắng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện song dự thảo Kế hoạch thực hiện được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa đáp ứng đầy đủ về mức độ yêu cầu chi tiết để triển khai khả thi, hiệu quả và trình tự, thủ tục thực hiện còn chưa đầy đủ theo quy định.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương cần nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của các Bộ, cơ quan tại cuộc họp để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trong đó lưu ý đến các vấn đề, cụ thể:
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả các mục tiêu đã được phê duyệt. Yêu cầu bám sát phương án phát triển nguồn điện, lưới điện, các tiêu chí, luận chứng và các giải pháp, nguồn lực để hoàn thiện Kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật và các chỉ đạo điều hành liên quan của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công thương cần chủ trì, phối hợp với các địa phương có liên quan rà soát, thống kê đầy đủ về các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo đã được quyết định chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư và đang triển khai, đáp ứng các yêu cầu được kế thừa triển khai trong Quy hoạch điện VIII. Đồng thời, rà soát tiến độ triển khai của các dự án đủ điều kiện để tính toán, đề xuất trong Kế hoạch thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương hướng dẫn các địa phương về các tiêu chí cụ thể (về pháp lý, công nghệ, hiệu quả…) để thực hiện việc rà soát các dự án đang triển khai và đề xuất các dự án đáp ứng các yêu cầu được kế thừa tiếp tục triển khai và đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Ngoài ra, Bộ này cũng phải tiến hành rà soát quy định của pháp luật về quy hoạch, điện lực, đất đai, pháp luật có liên quan và yêu cầu về công tác quản lý, điều hành về cung ứng điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia để xác định sự cần thiết hay không cần thiết của việc tính toán cân đối cung - cầu hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện các miền và xác định danh mục các dự án nguồn điện đưa vào vận hành hằng năm trong các giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
Kế hoạch thực hiện quy hoạch cũng phải bổ sung báo cáo về việc làm việc với các nhà đầu tư các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông; làm rõ tính khả thi và tiến độ triển khai của các dự án để đề xuất cụ thể.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu, thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu thí điểm giao EVN và doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện triển khai dự án điện gió ngoài khơi.
Ngoài ra, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm rà soát thực hiện thủ tục xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bảo đảm đúng quy định pháp luật, trong đó thực hiện thủ tục lấy ý kiến của các địa phương có liên quan và tổ chức nghiên cứu, tiếp thu theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng trong thông báo này, Phó Thủ tướng nêu ra trường hợp Bộ Công Thương giữ nguyên đề xuất về kế hoạch phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo theo hướng phân bổ công suất đến vùng hoặc tỉnh thì cần bổ sung báo cáo rõ về việc tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt, bảo đảm các yêu cầu khả thi, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật. Đây cũng là Bộ sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm cung ứng điện, an ninh năng lượng và nội dung đề xuất là đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Trong tháng 9 này, Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trong đó có báo cáo về các nội dung nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương liên quan, các vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ kí Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đưa ra mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
Minh Khánh
Theo