Thứ sáu 08/11/2024 18:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Can Lộc (Hà Tĩnh): 550 năm trưởng thành và phát triển

10:03 | 21/12/2019

(Xây dựng) - Trải qua 550 năm thành lập và phát triển, mảnh đất, con người Can Lộc đã chứng kiến và in dấu nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa trọng đại của đất nước. Từ bao đời nay, mảnh đất này luôn tự hào với truyền thống vùng đất của địa linh nhân kiệt.

can loc ha tinh 550 nam truong thanh va phat trien
Trải qua 550 năm năm thành lập và phát triển, mảnh đất, con người Can Lộc đã chứng kiến và in dấu nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa trọng đại của đất nước.

Mảnh đất giàu truyền thống văn hóa

Can Lộc là huyện đồng bằng bán sơn địa nằm ở trung tâm tỉnh Hà Tĩnh, hiện có 23 xã, thị trấn với diện tích tự nhiên 30.248,4ha, dân số gần 130.000 người. Trung tâm huyện lỵ là thị trấn Nghèn, tên cũ là Trảo Nha, danh xưng được một triều đại phong kiến ban tặng - Xã tắc chi Trảo Nha (nanh vuốt nước nhà).

can loc ha tinh 550 nam truong thanh va phat trien
Thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) trên đường đổi mới.

Nơi đây đã liên tục sản sinh, nuôi dưỡng những con người làm rạng dạnh quê hương, đất nước, qua các thời kỳ thi cử Nho học có 42 vị đỗ đại khoa, chiếm 1/3 của cả tỉnh Hà Tĩnh.

Đất Can Lộc là mạch nguồn của những tấm lòng ái quốc ưu dân, nơi nuôi lớn những nhân cách mà lòng yêu nước luôn sục sôi từ thuở Đặng Tất, Đặng Dung mài gươm rửa hận, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp gác lại thú riêng ra giúp Quang Trung thống nhất giang sơn, đến những ông Nghè như Ngô Đức Kế dám dấn thân chốn lao tù mưu phục quốc, cụ giáo Võ Liêm Sơn lặn lội lên chiến khu làm cách mạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng gậy và trao trọn niềm tin: “Kháng chiến ắt thành công”.

Can Lộc cũng là huyện đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh giành được chính quyền trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, đến những chiến công hiển hách đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như Ngã ba Đồng Lộc, làng K130...

Truyền thống văn hóa, yêu nước của người dân Can Lộc luôn được thăng hoa, trao truyền qua các thế hệ đã góp phần tạo nên một hệ thống di sản văn hóa cả vật thể lẫn phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều di sản nổi tiếng như: Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Chùa Hương Tích, Xô viết Nghệ Tĩnh - Ngã ba Nghèn, Làng K130 Tiến Lộc, các di tích của dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu, họ Ngô - Trảo Nha, họ Hà, họ Đặng - Tùng Lộc… cùng kho tàng truyền thuyết, truyện cổ tích, nói lối, ca dao và các làn điệu dân ca ví, gặm, hò, vè…

Nắm bắt thời cơ phát triển bền vững

Trong công cuộc đổi mới của đất nước, cùng với sự phát triển chung, Can Lộc không ngừng thay đổi để phát triển và phải đến khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới huyện Can Lộc mới thực sự vươn lên mạnh mẽ. Sau mười năm thực hiện xây dựng Nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân Can Lộc với sự quyết tâm cao nhất đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên tất cả các mặt đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm được nâng cấp và xây dựng theo hướng khang trang, hiện đại, đáp ứng cơ bản đời sống người dân; Các mô hình kinh tế ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhất là việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Đến thời điểm này, Can Lộc đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, 21/21 xã đã về đích Nông thôn mới với các tiêu chí vững chắc; Xã Đồng Lộc đạt đô thị loại V, được công nhận thị trấn.

Trong những thành tựu chung đó, nổi bật là những kết quả xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu. Đến nay, toàn huyện Can Lộc có 183/183 thôn của 21/21 xã đã xây dựng phương án triển khai khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó đã có 23 thôn đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, 90% số hộ có diện tích vườn từ 500m2 trở lên trên địa bàn huyện được quy hoạch, thiết kế và tổ chức sản xuất theo quy hoạch. Trong đó có 807 vườn hộ đã và đang xây dựng mô hình vườn mẫu, đã có 290 vườn được công nhận đạt chuẩn. Các vườn mẫu đã trở thành điểm sáng trong việc phát triển kinh tế vườn, tạo cảnh quan môi trường, là điển hình để học tập và nhân rộng, là hạt nhân trong việc thực hiện xây dựng Nông thôn mới theo chiều sâu, bền vững.

Nhờ thế, thu nhập bình quân trên địa bàn nông thôn toàn huyện năm 2019 đạt 36,5 triệu đồng/người, tăng hơn 3 lần so với năm 2011. Trong tương lai, Can Lộc đang xây dựng nhiều chiến lược để khai thác triệt để hơn tiềm năng thế mạnh nhằm nâng cao đời sống nhân dân.

Môi trường được đảm bảo theo hướng bền vững; An sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là các chế độ chính sách với người có công, công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao, chất lượng sống ngày càng tăng; An ninh quốc phòng được đảm bảo; Nhiều công trình văn hóa lịch sử, di tích danh thắng đang được bảo tồn, xây dựng hoặc trùng tu…

Ông Võ Hữu Hào - Chủ tịch UBND huyện Can Lộc chia sẻ: “Can Lộc vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là huyện nông thôn mới. Sau gần 10 năm nỗ lực, diện mạo của huyện đã thay đổi hoàn toàn. Cùng với những đổi thay về cơ sở hạ tầng là sự hình thành nên những vùng kinh tế phát triển, khai thác được những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong dòng chảy lịch sử 550 năm hình thành và phát triển, những kết quả, thành tựu đạt được là tiền đề, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Can Lộc không ngừng đổi mới, sáng tạo, quyết tâm chung sức đồng lòng xây dựng quê hương trở giàu đẹp, văn minh”.

Phương Dung

Theo

Từ khóa: #Can Lộc #Hà Tĩnh
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load