(Xây dựng) - Gần 6km Quốc lộ 13 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng ùn tắc nghiêm trọng do chỉ có 4 - 6 làn xe, trong khi đây là tuyến đường huyết mạch và tập trung lượng lớn cư dân.
Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh giới tỉnh Bình Dương với chiều dài gần 6km sẽ được mở rộng lên 53-60m. Tổng vốn đầu tư của dự án mở rộng này là gần 14.000 tỷ đồng, khoảng 2.300 tỷ đồng/km. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 9.400 tỷ đồng.
Hiện tại, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đang thuê tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị triển khai. Công trình dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028.
Tuyến đường này đi qua các khu vực đông đúc với hàng loạt chợ dân sinh, trường học, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh cùng với hàng nghìn căn nhà phố nằm san sát.
Trong khi đó, Quốc lộ 13 lại khá nhỏ hẹp, chưa được mở rộng tương xứng. Với lưu lượng phương tiện đông đúc, tuyến đường này nhiều năm qua đã trở nên quá tải.
Vào khung giờ cao điểm, người dân lưu thông qua đây phải chen chúc mất hơn 30 phút mới vào được trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Người dân chật vật di chuyển, nhích từng chút một tại ngã ba giao với Khu đô thị Vạn Phúc City.
Nhiều phương tiện luồn lách giữa dòng ôtô trên Quốc lộ 13 trong giờ cao điểm (đoạn qua địa bàn phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức hướng vào trung tâm Thành phố).
Tại nút thắt cổ chai cầu Đúc Nhỏ và cầu Ông Dầu, người dân cũng phải di chuyển từng chút một do mặt cầu quá nhỏ, cộng với lượng xe cộ qua lại đông đúc khiến tình trạng ùn tắc càng trầm trọng.
Cách đây hơn 20 năm, Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch mở rộng Quốc lộ 13 nhưng chưa thể triển khai do thiếu vốn và vướng cơ chế. Sau khi Nghị quyết 98 cho phép Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với các công trình nâng cấp đường hiện hữu, dự án mở rộng Quốc lộ 13 nằm trong nhóm ưu tiên thực hiện.
Đây là 1 trong 5 dự án nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu được thực hiện theo hình thức đầu tư BOT của Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An), Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3), trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành), cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh).
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất nâng cấp, mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng để đồng bộ với dự án mở rộng Quốc lộ 13.
Bình An
Theo