Thứ sáu 20/09/2024 23:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Cận cảnh hình hài cây cầu dây văng đầu tiên tại Bắc Giang sau gần 1 năm thi công

19:28 | 05/06/2023

(Xây dựng) – Sau gần 1 năm nỗ lực thi công, đến nay, hình hài cầu Đồng Việt – cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất của tỉnh Bắc Giang đang dần hiện ra rõ nét. Theo dự kiến của đơn vị thi công, cầu Đồng Việt sẽ được hợp long vào cuối tháng 8/2024 và hoàn thành, đưa vào khai thác cuối tháng 9/2024, vượt tiến độ 3 tháng.

Cận cảnh hình hài cây cầu dây văng đầu tiên tại Bắc Giang sau gần 1 năm thi công

Những ngày này, có mặt tại công trường xây dựng dự án cầu Đồng Việt, không khó để nhận ra không khí làm việc hết sức hối hả, gấp rút, dù thời tiết miền Bắc đã chuyển hè với cái nóng “cháy da, cháy thịt”. Tất cả phấn đấu vì mục tiêu chung sớm đưa dự án vào sử dụng, qua đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch; tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông theo định hướng quy hoạch phát triển giao thông - vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cận cảnh hình hài cây cầu dây văng đầu tiên tại Bắc Giang sau gần 1 năm thi công
Theo đại diện chủ đầu tư, việc thi công trụ chính nhịp dây văng giữa sông đòi hỏi kỹ thuật cao và tốn nhiều thời gian.

Dự án cầu Đồng Việt được khởi công xây dựng vào ngày 24/6/2022, đây được coi là công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn 2022 -2025. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang.

Cầu do liên danh Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và XNK 168 Việt Nam thi công; dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2024.

Cận cảnh hình hài cây cầu dây văng đầu tiên tại Bắc Giang sau gần 1 năm thi công
Mặc cho thời tiết nắng nóng, tinh thần làm việc trên công trường vẫn rất miệt mài, sôi nổi.

Cầu Đồng Việt là cây cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất của tỉnh Bắc Giang. Điểm đầu của cầu (Km0+00) thuộc địa phận xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) và đi qua Khu công nghiệp đô thị, dịch vụ Đức Giang, Khu công nghiệp đô thị, dịch vụ Đồng Phúc, vượt sông Thương (cách bến phà Đồng Việt khoảng 2,4km về phía hạ lưu).

Điểm cuối (Km8+590) kết nối với đường quy hoạch thuộc địa phận xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh (khớp nối với dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với Quốc lộ 37, thành phố Chí Linh do UBND tỉnh Hải Dương đầu tư).

Cầu Đồng Việt dài hơn 730m, kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, mặt cầu rộng 22,5m. Phần cầu chính gồm 2 nhịp dây văng, một mặt phẳng, phần cầu dẫn gồm 14 nhịp Super T. Phần đường dẫn lên cầu hai bên dài khoảng 7,86km, quy mô đường cấp II đồng bằng, nền 22m, mặt đường 21,5m.

Để xây dựng cầu Đồng Việt cần thu hồi hơn 32ha đất nông nghiệp, đất ở thuộc 4 xã: Đồng Việt, Cảnh Thuỵ, Tư Mại, Đồng Phúc (huyện Yên Dũng, Bắc Giang). Về phía Hải Dương, cần thu hồi 1,5ha đất nông nghiệp thuộc xã Hưng Đạo (thành phố Chí Linh).

Cận cảnh hình hài cây cầu dây văng đầu tiên tại Bắc Giang sau gần 1 năm thi công
Ông Trần Ngọc Tú – Giám đốc điều hành liên danh dự án cho biết, về phần cầu nhà thầu cam kết sẽ vượt tiến độ 3 tháng.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Trần Ngọc Tú – Giám đốc điều hành liên danh dự án cho biết: Sau hơn nhiều tháng tổ chức thi công, đến nay, sản lượng xây lắp của toàn dự án đã đạt hơn 35% giá trị hợp đồng.

“Để đảm bảo tiến độ thi công, chúng tôi sử dụng khoảng 150 công nhân thi công liên tục 24/24, chia làm 3 ca, qua đó đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão. Theo dự kiến, cầu Đồng Việt sẽ hợp long vào cuối tháng 8/2024 và hoàn thành, đưa vào khai thác cuối tháng 9/2024, vượt tiến độ 3 tháng theo đúng cam kết với chủ đầu tư”, ông Tú cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Tú, việc thi công khoảng hơn 7km đường dẫn bên phía Bắc Giang đang gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn nguyên liệu san lấp và vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Theo đó, tại thời điểm đấu thầu, giá đất san lấp trong dự toán chỉ 60.000 - 70.000 đồng/m3, nhưng hiện nay nhà thầu đang phải mua với giá 130.000 - 140.000 đồng/m3. Dẫu vậy, việc tìm mua đất san lấp vẫn hết sức khó khăn. Về vấn đề này, nhà thầu cũng đã chủ động phối hợp với chủ đầu tư tìm mọi cách khắc phục.

Bên cạnh đó còn một số vướng mắc về khâu giải phóng mặt bằng đối với 40 hộ dân sinh sống tại khu ngã 6 xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng. “Chúng tôi rất mong trong thời gian tới, chính quyền huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang sẽ có những biện tháo gỡ, sớm giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư thi công”, ông Tú chia sẻ.

Thân Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load