Thứ sáu 08/11/2024 14:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Cần bổ sung các quy định phù hợp quản lý vận hành hệ thống thoát nước tại Việt Nam

22:49 | 20/04/2021

(Xây dựng) - Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về Thoát nước và xử lý nước thải quy định hoạt động thoát nước và xử lý nước thải là các hoạt động về quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước; dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải là các hoạt động - về quản lý, vận hành hệ thống thoát nước nhằm đáp ứng yêu cầu thoát nước mưa, nước thải và xử lý nước thải theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, bảo trì và bảo dưỡng hệ thống thoát nước đang gặp khó khăn.

Hiện nay nhiều đơn vị hoạt động quản lý vận hành hệ thống thoát nước chưa thực hiện thoả thuận thực hiện dịch vụ thoát nước (là văn bản pháp lý được ký kết giữa UBND hoặc cơ quan được ủy quyền với đơn vị thoát nước thực hiện dịch vụ thoát nước trên địa bàn). Vì vậy, cần phải có những cơ chế, chính sách quy định về điều kiện năng lực của các đơn vị thực hiện hoạt động quản lý vận hành, duy tu, bảo trì và bảo dưỡng hệ thống thoát nước nhằm thoát nước hiệu quả, ổn định và bền vững cho các đô thị và khu công nghiệp.

can bo sung cac quy dinh phu hop quan ly van hanh he thong thoat nuoc tai viet nam
Xã hội hoá ngành Thoát nước là xu thế phù hợp.

Hoạt động quản lý vận hành, duy tu, bảo trì và bảo dưỡng hệ thống thoát nước là loại hình hoạt động kinh doanh có điều kiện chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Khách hàng sử dụng dịch vụ thoát nước, trong đó có xét đến việc hỗ trợ cho người nghèo, các khu vực đặc biệt khó khăn. Xã hội hoá ngành Thoát nước, huy động, khai thác tối ưu mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển thoát nước và nâng cao công tác quản lý vận hành, duy tu và bảo dưỡng công trình thoát nước hiện đang được nhiều địa phương lựa chọn.

Theo đánh giá của Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), công tác quản lý vận hành hệ thống thoát nước đang gặp nhiều khó khăn. Đối với khu đô thị, các Công ty và đơn vị hoạt động trong lĩnh này chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách phân bố hàng năm của địa phương dẫn đến việc chủ động trong hoạt động đầu tư nâng cấp, cải tạo và phát triển mở rộng hệ thống thoát nước còn hạn chế; Hệ thống mạng lưới đường ống thoát nước tại nhiều đô thị xuống cấp và hư hỏng, vật liệu và công nghệ lạc hậu nên tình trạng ngập úng cục bộ thường xuyên xảy, điều này khiến cho phát sinh lượng nước thải lớn gây ô nhiêm nguồn nước, môi trường sống. Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe người dân.

Điển hình như, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội chủ yếu hoạt động dựa trên ngân sách khoảng 600 tỷ/năm. Công ty thoát nước và xử lý nước thải Bắc Ninh cũng có ngân sách khoảng 20 tỷ để thực hiện thoát nước. Nếu cổ phần hoá các Công ty này, cần phải chuyển sang cơ chế đấu thầu hợp đồng cung cấp dịch vụ thoát nước.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội từng hướng đến mục tiêu cổ phần hoá năm 2018, 2019. Tuy nhiên do đặc thù của hình thức giao thầu hiện tại, việc cổ phần hóa cũng chưa cho thấy sự quyết tâm từ phía các nhà đầu tư. Khi cổ phần hóa các Công ty này, Nhà nước sẽ phải tiến đến đấu thầu cạnh tranh dịch vụ, mà các doanh nghiệp thoát nước sẽ mất đi tính độc quyền. Ở các dự án do tư nhân vận hành, chi phí vận hành khi giao cho nhà đầu tư tư nhân giảm đáng kể. Nhà thầu vận hành xử lý nước thải Gamuda ở Hà Nội đang vận hành nhà máy với mức phí bằng 2/3 mức phí vận hành dự tính nếu để thành phố tự vận hành (86 tỷ so với 120 tỷ).

Các doanh nghiệp tư nhân tham gia vận hành các Nhà máy xử lý nước thải đã huy động được thành phần kinh tế tư nhân tham gia. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, vẫn chưa có đầy đủ bằng chứng thuyết phục để xác định hiệu quả hoạt động của các Nhà máy xử lý nước thải. Ví dụ như Nhà máy xử lý nước thải thành phố Vinh dù được tư nhân vận hành nhưng vẫn được đánh giá là “thiếu hiệu quả”, gây ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực. Lý do được đưa ra là nguồn nước thải đầu vào thiếu ổn định. Tuy nhiên, nếu như việc đấu thầu lựa chọn công nghệ, nhà đầu tư, đơn vị quản lý vận hành được thực hiện đúng, đơn vị xây dựng và quản lý vận hành phải tính đến yếu tố nước thải đầu vào.

Lựa chọn mô hình quản lý vận hành hệ thống thoát nước nào cho phù hợp.

Nhu cầu phát triển ngành cấp thoát nước đã nảy sinh nhiều hình thức đầu tư, tham gia kinh doanh, quản lý vận hành. Để quản lý, thúc đẩy đầu tư, cam kết chất lượng dịch vụ, nhiều hình thức hợp đồng mới trong ngành cấp thoát nước đô thị đã được phát triển như: BT (Xây dựng – Chuyên giao); BOT (Xây dựng -

Vận hành – Chuyển giao); BTO (Xây dựng – Chuyển giao - Kinh doanh); BOO (Xây dựng - Vận hành – Sở hữu); BTL (Xây dựng – Chuyển giao – Thuê vận hành); O&M (Thuê kinh doanh, Quản lý vận hành); hợp đồng đặt hàng dịch vụ công ích đô thị.

Trên thực tế nguồn vốn đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước mưa, thu gom, đấu nối nước thải và nhà máy xử lý nước thải hầu hết từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn ODA nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Bởi do tình hình kinh tế khó khăn trong những năm qua nên nguồn ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng các công trình thoát nước nói riêng và hạ tầng kỹ thuật nói chung. Trong khi nguồn vốn đầu tư hệ thống thoát nước tương đối lớn, bao gồm cả nhà máy xử lý và hệ thống chuyển tải thu gom nước thải và đấu nối hộ gia đình, hệ thống thoát nước mưa và kiểm soát ngập úng đô thị. Vốn ngân sách không đủ đế xây dựng đồng thời các nhà máy trên tất cả các lưu vực cũng như tất cả các hạng mục của các công trình thoát nước đồng bộ trong sự kết nối thống nhất với các dự án hạ tầng khác có liên quan.

Do huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách còn khó khăn, các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này bởi lợi nhuận đầu tư chưa cao. Phí thoát nước thu còn thấp và là vấn đề khó khăn nên việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực thoát nước còn nhiều hạn chế. Một số dự án có khối lượng đến bù, giải phóng mặt bằng lớn, nhiều dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và đòi hỏi nguồn vốn giải phóng mặt bằng lớn dẫn đến chậm tiến độ đầu tư theo kế hoạch.

Theo tính toán sơ bộ, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, Việt Nam mỗi năm cần khoảng từ 800 triệu đến 2 tỷ USD cho đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải phụ thuộc vào loại hình công nghệ, kỹ thuật hệ thống thu gom chuyển tải và đấu nối áp dụng (nguồn ADB). Việc đầu tư phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải chủ yếu sử dụng nguồn vốn ngân sách (trong đó vốn vay ODA là chính), trong khi nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư còn rất khiêm tốn và cả hai nguồn vốn này cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Vì vậy cần phải có những giải pháp phù hợp hơn nữa để huy động tối đa các nguồn lực, trong đó tập trung thu hút sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân đầu tư phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, có khoảng dưới 10 doanh nghiệp chuyên làm nhiệm vụ thoát nước tập trung ở một số đô thị lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thái Nguyên trong đó có 2 doanh nghiệp vừa tách chức năng cấp nước và thoát nước là ở Bắc Ninh và Đà Lạt. Theo nguồn Hội cấp thoát nước Việt Nam, khoảng 20 doanh nghiệp có chức năng hoạt động trong cả lĩnh vực thoát nước và cấp nước; còn lại doanh nghiệp khác hoạt động mang tính chất đa ngành nghề, bao gồm cả môi trường và xây dựng. Nhìn chung, mô hình tổ chức quản lý tài sản và quản lý vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải về cơ bản thường là doanh nghiệp công ích (doanh nghiệp nhà nước hoặc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) là các Công ty thoát nước, Công ty cấp thoát nước, Công ty công trình đô thị, Công ty môi trường đô thị... được ủy quyền quản lý tài sản, là chủ đầu tư các dự án thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị, được giao trực tiếp hoặc đầu thầu quản lý vận hành các công trình thoát nước và xử lý nước thải; Ngoài ra, có một số hệ thống thoát nước và nhà máy/trạm xử lý nước thải được doanh nghiệp tư nhân đầu tư và quản lý vận hành theo hình thức BT hoặc BO.

Do chưa có mô hình thống nhất nên việc tổ chức doanh nghiệp thoát nước của từng địa phương khác nhau, tạo nên những bất cập trong tổ chức quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên cả nước. Đây cũng là vấn đề mà các cơ quan quản lý cần tập trung tháo gỡ để giải pháp phù hợp hơn nữa để huy động tối đa các nguồn lực nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Đặng Ngân

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load