(Xây dựng) – Doanh nghiệp xã hội Nghĩ về sân chơi trong phố Think Playgrounds (TPG) đánh giá mô hình công viên rừng đặc biệt quan trọng với sự phát triển bền vững của thành phố theo đúng chủ trương “Trong thành phố có rừng”, “Biến bãi rác thành công viên”.
Các thành phố ở Việt Nam đang thiếu sân chơi cho trẻ em. |
Một khu vực tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức
Hiện nay, tại các thành phố ngày đông dân như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh đang tồn tại một thực trạng là trẻ em thiếu sân chơi, đường phố không an toàn, người già khó kiếm chỗ tập thể dục, thanh niên khó tìm được chỗ để giao lưu. Không gian công cộng an toàn và tiện ích dành cho các sinh hoạt của người dân đang bị thiếu trầm trọng. Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần.
Trẻ em thành phố ở Việt Nam trong khoảng 20 năm qua đang lớn lên với rất ít không gian chơi tự do ở ngoài trời. Điều này dẫn đến số lượng trẻ béo phì và trẻ bị các vấn đề về tâm lý ngày càng tăng lên.
Hơn hết, không gian công cộng an toàn và thuận tiện còn đóng vai trò kết nối xã hội, giúp cho bất cứ ai cũng có thể tìm được một không gian để giao lưu, gặp gỡ gần nhà, có thể đi đến hàng ngày mà không cần phải trả tiền. Điều này đặc biệt quan trọng với các nhóm yếu thế ít có tiếng nói trong xã hội như trẻ nhỏ, người già yếu, người nghèo, người khuyết tật… Không gian công cộng vốn đã thiếu thốn, các không gian xanh hiện có như công viên, vườn hoa có sự quản lý chính thức cũng đang gặp phải các vấn về về quản lý rác, duy tu bảo dưỡng.
Trước các vấn đề an sinh xã hội và môi trường như vậy, người dân Thành phố Hà Nội đang có một cơ hội lớn khi chính quyền thành phố bắt đầu nhìn lại về các dải không gian xanh quý giá còn sót lại ở hai bờ và bãi giữa sông Hồng. Tuy nhiên hiện trạng sử dụng khu vực này lại đang có nhiều vấn đề.
Một khu vực bờ vở thuộc phường Chương Dương được đánh dấu các điểm bãi rác. |
Khu vực thuộc 4 quận nội thành Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình và Tây Hồ đang được người dân sử dụng tự phát làm nông nghiệp, trồng trọt chăn nuôi và cả bẫy chim hoang dã. Một số nơi có các hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng, cắm trại, bãi đỗ xe và hàng quán. Ở phường Chương Dương và Phúc Tân sát với bờ vở (bờ lở sông Hồng) là các khu dân cư đông đúc, mật độ cao, nhiều ngõ ngách với nhà cửa chật chội, không thông thoáng. Nhiều người lao động sống trong các khu nhà trọ tồi tàn. Dọc khu vực bờ vở là các bãi rác, các cống nước thải trực tiếp ra sông.
Với việc thượng nguồn xây dựng thêm các đập thủy điện, và một con đường mới được mở chắn ngang dòng nước ở khu vực An Dương, toàn bộ khu giữa bờ vở và bãi giữa thuộc Ba Đình, Hoàn Kiếm đang xuất hiện tình trạng nước tù đọng, kém lưu thông, dẫn đến ô nhiễm và mùi hôi thối.
Xu thế tất yếu của đô thị bền vững
Được truyền cảm hứng bởi các dự án cải tạo không gian xanh theo hướng thuận tự nhiên dựa vào cộng đồng như cải tạo không gian sinh thái trong trường tiểu học Ikiminami tại thành phố Fukuoka (Nhật Bản) hay dự án chuyển hóa từ một nhà máy thuốc lá cũ thành Công viên rừng Benjakitti (Bangkok), doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds cho rằng việc trao quyền cho cộng đồng trong xây dựng, vận hành và quản lý không gian công cộng hòa nhập, thuận tự nhiên, đảm bảo đa dạng sinh học là xu thế tất yếu của các đô thị bền vững.
Các thử nghiệm vườn cộng đồng trong phố cũng chứng minh mang đến các sức sống mới cũng như huy động được kiến thức thực vật bản địa. Từ 2018 đã có 7 mô hình vườn cộng đồng tại Đông Anh, Tân Mai, Ngọc Hà và bãi giữa sông Hồng được thực hiện với hơn 50 người tham gia vận hành và quản lý theo hướng tái tạo, sử dụng, duy trì nhờ phần lớn nguồn lực từ người dân. Không gian này mang lại rất nhiều giá trị về xã hội, sinh thái, môi trường và giáo dục.
Trong những năm gần đây, quận Hoàn Kiếm đã rất chú ý đến khu vực bờ vở và hỗ trợ nhiều sáng kiến cải tạo môi trường thông qua các dự án nghệ thuật và dân sinh. Dự án con đường nghệ thuật Phúc Tân đã gây tiếng vang lớn khi quy tụ được 16 nghệ sỹ thực hiện các tác phẩm dọc theo bức tường ngăn khu dân cư. Không gian từng bị thành phố quay lưng, bỏ rơi, bỗng nhiên trở nên hấp dẫn, sống động hơn với cả cộng đồng lẫn khách du lịch. TPG cũng phối hợp với cộng đồng ở Phúc Tân cải tạo một sân chơi hòa nhập, nơi không chỉ là điểm vui chơi của trẻ nhỏ và sinh hoạt cộng đồng mà còn có các hoạt động duy trì sinh kế của nhóm phụ nữ bán hàng rong.
Tại dự án công viên rừng Chương Dương, trong 6 tháng đầu tiên, dự án đã cải tạo 1.200m2 với các hạng mục thu gom và vận chuyển 200 tấn rác thải, xây dựng đường kết nối, làm cống xả, xây dựng sân chơi tái chế và đặc biệt là thử nghiệm thành công mô hình vườn rừng cộng đồng đầu tiên có diện tích gần 400m2 với hơn 100 loài thực vật. Trong 1 năm sau, dự án mở rộng đến hơn 8.000m2 với sân bóng rổ đa năng, đường dạo toàn khu, xử lý các cống nước thải, tiếp tục bổ sung các cây bản địa trong vườn giác quan, bảng biển thông tin giáo dục môi trường. Việc quản lý rác và nước thải cũng dễ dàng hơn và hiệu quả hơn rất nhiều.
Trong suốt dự án, cộng đồng dân cư, các chuyên gia và chính quyền đã có nhiều cơ hội để nâng cao nhận thức về sinh thái, thực hành lối sống thuận tự nhiên vốn rất quen thuộc với người Việt Nam như giảm tiêu dùng, giảm đốt rác, chôn lấp rác hữu cơ, làm compost từ chất thải hữu cơ, thuốc trừ sâu hữu cơ, học cách phân biệt và trồng lại các loài cây bản địa, bảo vệ chim di cư hoang dã…
Vườn rừng cộng đồng Chương Dương sau cải tạo. |
Mô hình thí điểm này đã nhận được sự quan tâm của chính quyền cũng như các phương tiện truyền thông, có tiềm năng lan tỏa trên toàn bộ dải bờ vở sông Hồng. Từ thành công của dự án công viên rừng Chương Dương, TPG đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm xây dựng môi trường và xã hội bền vững tại khu vực bờ vở sông Hồng.
Trước hết, các chuyên gia nhấn mạnh rằng mô hình công viên rừng đặc biệt quan trọng với sự phát triển bền vững của thành phố theo đúng chủ trương “Trong thành phố có rừng”, “Biến bãi rác thành công viên”. Khi thành phố định hướng phát triển văn hóa cần ưu tiên các sinh hoạt tập thể của cộng đồng dân cư, diễn ra trong các không gian công cộng.
Các không gian công cộng sáng tạo cần quan tâm đến đa dạng hoạt động và năng lực, ưu tiên hỗ trợ các nhóm yếu thế như trẻ em, phụ nữ, người già, người khuyết tật… Cảnh quan cần chú trọng hỗ trợ phục hồi hệ sinh thái bản địa nhằm đảm bảo môi trường sống tốt cho các loài sinh vật bản địa khác, qua đó góp phần phục hồi và bảo vệ đa dạng sinh học. Mặt khác, chính quyền và cộng đồng dân cư cần đảm bảo quản lý tốt rác thải và nước thải, đó là 2 vấn đề lớn nhất trong các khu vực giữ cảnh quan hệ sinh thái tự nhiên.
Nguyễn Tiêu Quốc Đạt - Chu Kim Đức
Theo