Thứ sáu 20/09/2024 10:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Cá tra từ ao làng đã “bơi” ra biển lớn

10:51 | 19/12/2022

(Xây dựng) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức Lễ hội cá tra lần thứ I - Năm 2022, với chủ đề “Vươn ra biển lớn” diễn ra tại thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển thông tin cho biết, năm 2022 sản lượng cá tra đạt khoảng 1,6 triệu tấn; kim ngạch xuaất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, tăng vượt năm 2018 - năm kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt cao nhất 2,26 tỷ USD.

Cá tra từ ao làng đã “bơi” ra biển lớn
Cá tra xuất khẩu là thế mạnh thủy sản Đồng bằng sông Cửu long nhưng mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn.

Trong chuỗi sự kiện lễ hội cá tra, Ban tổ chức đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ giải pháp năm 2023”. Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2022 diện tích thả nuôi cá tra cả nước ước đạt khoảng 5.500ha, sản lượng đạt khoảng 1,6 triệu tấn (bằng 103,5% so với cùng kỳ năm 2021). Kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD. Thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra là Trung Quốc chiếm 30%, Hoa Kỳ chiếm 23%; ngoài ra, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như EU, Thái Lan, Mexico... giá xuất khẩu cá tra phile sang các thị trường khác đều tăng trung bình từ 28 - 66%. Giá cá tra nguyên liệu cũng đạt từ 27.000-29.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 đồng so với cùng kỳ năm 2021. Các sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo dự báo, thị trường thế giới năm 2023 sẽ diễn biến phức tạp do những bất ổn về chính trị, kinh tế, nhu cầu cá tra có thể chững lại và không cao như các tháng đầu năm 2022. Do đó, mục tiêu định hướng phát triển ngành hàng cá tra năm 2023 với diện tích thả nuôi phát sinh trong năm dự kiến đạt 5.600ha; sản lượng cá tra thương phẩm dự kiến đạt 1,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2,3 tỷ USD.

Để ngành hàng cá tra ngày một phát triển hiệu quả, bền vững, ngày 16/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 985/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 và 2030 đạt tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 5,6-7 triệu tấn/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8-12 tỷ USD/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình 4-4,5%/năm; chủ động sản xuất, cung ứng được trên 70-100% nhu cầu cá tra bố mẹ chọn giống; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 30-50 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 40-50% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để “Cá tra vươn ra biển lớn” cần các giải pháp phát triển cho ngành hàng cá tra như: Đẩy mạnh liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa nông dân và doanh nghiệp; Quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ; Dự báo tình hình cung – cầu và đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tuần hoàn để gia tăng giá trị. Đặc biệt, phải tập trung nâng cao chất lượng con giống; chất lượng di truyền về một số tính trạng về kháng bệnh, tỉ lệ phile, chịu mặn… và việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cá tra từ ao làng đã “bơi” ra biển lớn
Thu hoạch cá tra.

Tại Lễ khai mạc Lễ hội cá tra tỉnh Đồng Tháp lần thứ I năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết: “Cuối năm 1990, khi thị trường mở cửa, doanh nghiệp chú ý và giới thiệu với đối tác nước ngoài, từ đó cá tra đã từ ao làng vươn ra thị trường thế giới. Đến nay, sản phẩm cá tra đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về giá trị trên 2 tỷ USD hàng năm. Đặc biệt, có sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022, với kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với năm 2021. Trong đó, Đồng Tháp đã đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra gần 01 tỷ/2,4 tỷ USD cả nước. Ðây là cơ hội tốt để các địa phương nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng có thế mạnh tiếp tục đầu tư nuôi trồng, xuất khẩu cá tra và xa hơn là tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị cá tra phát triển bền vững…

Tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn cá tra là 01 trong 05 ngành hàng chủ lực của tỉnh trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp từ năm 2014. Sản xuất cá tra ở Đồng Tháp đã phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến, đông lạnh đến vận chuyển và thực hiện hậu cần xuất khẩu... và thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Các sản phẩm cá tra đạt các tiêu chuẩn của nhiều thị trường lớn, khó tính nhất. Ngành công nghiệp cá tra đã thúc đẩy phát triển nhiều ngành khác như: thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, ngành dược phẩm, mỹ phẩm… đặc biệt là đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, OCOP nâng cao giá trị ngành hàng.

Riêng đối với người dân Đất Sen hồng, năm 2022, ngoài Lễ hội Sen, Lễ hội Xoài, thì Lễ hội Cá tra là sự kiện được mọi người hân hoan, chờ đón, với kỳ vọng “Cá Tra - Vươn ra biển lớn, bay xa hơn” góp phần vào niềm tự hào, hình ảnh của con người, quê hương Đồng Tháp.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load