Thứ sáu 20/09/2024 22:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Bốn bài học lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang

14:49 | 07/06/2021

(Xây dựng) - Đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang đã được kiểm soát và ghi nhận xu hướng ca mắc mới giảm mạnh. Để có thể nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19 như vậy, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bắc Giang nhiều điểm mới trong đợt chống dịch bệnh lần này. Đây cũng chính là những bài học lớn cần phổ biến rộng để chủ động phòng ngừa nguy cơ bùng phát dịch tại các địa phương khác trong cả nước.

bon bai hoc lon trong cong tac phong chong dich covid 19 tai bac giang
Bộ Y tế đã huy động gần 2.500 cán bộ nhân viên y tế tới chi viện cho Bắc Giang.

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang được thành lập theo Quyết định số 2454/QĐ-BYT ngày 18/5/2021 của Bộ Y tế. Ngay khi được thành lập, Trưởng Bộ phận thường trực đã phân công nhiệm vụ các thành viên trong bộ phận phụ trách về công tác điều tra, giám sát dịch tễ, xét nghiệm, cách ly y tế và xử lý môi trường và điều trị. Các thành viên đã tích cực chủ động tham mưu, phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang chỉ đạo, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch ngay khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát mạnh thông qua các cuộc họp, bàn thảo, bám sát thực địa...

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế đã huy động hơn 2.500 nhân lực y tế hỗ trợ toàn diện công tác chống dịch tại Bắc Giang, triển khai đồng loạt các giải pháp căn cứ vào diễn biến của dịch. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, xu hướng ca mắc mới giảm mạnh.

bon bai hoc lon trong cong tac phong chong dich covid 19 tai bac giang
Công tác lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện ở từng ngõ xóm để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.

Nhà nhà cửa đóng then cài

Đợt dịch lần này tại Bắc Giang so với các làn sóng dịch trước đó tại Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương có nhiều điểm khác về quy mô, tốc độ lây lan cũng như mức độ nguy hiểm của biến chủng Delta của SARS-CoV-2 được ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ.

Trong quá trình thực hiện, tỉnh Bắc Giang và Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đã gặp phải vấn đề nan giải khi quy mô lây lan dịch bệnh diễn ra nhanh trên diện rộng, xuất hiện số lượng lớn ca mắc ở nhiều ổ dịch. Đặc biệt do dịch xảy ra trong khu công nghiệp nên số lượng công nhân có liên quan dịch tễ tại ổ dịch quá lớn.

Để ứng phó tình huống cấp bách trên, các chuyên gia của Bộ Y tế thuộc Tổ điều tra, giám sát dịch tễ do PGS. TS. Trần Như Dương đứng đầu đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thực hiện hành động phong tỏa nhanh chóng các khu dân cư tập trung đông công nhân có nguy cơ cao như Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng, Quang Biển; đưa thiết chế cách ly tập trung vào những khu vực này để thiết lập mô hình khu cách ly y tế tập trung tại chỗ (với sự tham gia đầy đủ của các lực lượng quân đội, công an, y tế và lắp camera giám sát trong khu dân cư) nhằm khoanh vùng, khống chế dịch ngay. Thực hiện nghiêm ngặt việc nội bất xuất, ngoại bất nhập không cho nguồn lây thoát ra ngoài để lây lan sang các địa phương khác.

Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt việc cách ly tại nhà với từng hộ gia đình ở bên trong ổ dịch để ngăn chặn dịch lây lan với nguyên tắc: “Người nhà nào ở yên nhà ấy, không gặp gỡ tiếp xúc với ai ở bên ngoài, không cho ai đến chơi nhà ai, không cho ai vào nhà mình với tinh thần nhà nhà cửa đóng then cài”.

Tỉnh Bắc Giang cũng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm quét định kỳ 3 ngày/lần tại những khu vực phong tỏa để phát hiện và đưa nhanh người nhiễm ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức việc kéo giãn, giảm mật độ công nhân tại những điểm nóng để làm giảm nguy cơ lây lan trong ổ dịch, đặc biệt tại thôn Núi Hiểu.

PGS. Trần Như Dương nhấn mạnh, việc Bắc Giang giữ chân được hầu hết số công nhân ngoại tỉnh ở lại Bắc Giang và phong tỏa sớm những khu vực nguy cơ cao là một nỗ lực rất lớn. Chính điều này đã ngăn chặn được dịch bệnh không lây lan trên diện rộng, góp phần giữ an toàn cho cả nước.

bon bai hoc lon trong cong tac phong chong dich covid 19 tai bac giang
Các thiết bị hiện đại được lắp đặt tại Trung tâm ICU Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang.

Xét nghiệm diện rộng tới từng nhà, từng ngõ xóm

Do virus lây lan dịch ở Bắc Giang có khả năng lây truyền mạnh, tốc độ nhanh, dịch tễ xuất hiện ở khu công nghiệp nên số lượng ca bệnh có liên quan dịch tễ lên tới vài chục nghìn người. Việc xét nghiệm phải thực hiện nhanh trên diện rộng, phạm vi lớn.

Trong khi xét nghiệm realtime PCR (RT-PCR) bắt buộc phải thực hiện trong phòng thí nghiệm và cần có thời gian, thì test nhanh kháng nguyên được đề xuất triển khai để sàng lọc tại chỗ các nguồn lây nhiễm mạnh (các test nhanh lựa chọn áp dụng có độ nhạy lớn hơn 70% và độ đặc hiệu lớn hơn 80%).

Cụ thể, test nhanh được sử dụng cho các trường hợp có triệu chứng, thực hiện tại các khu vực tỷ lệ lây nhiễm cao và khu cách ly tập trung. Còn phương pháp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp/mẫu đơn được chỉ định linh hoạt theo tình hình dịch tại từng khu vực. Các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao thực hiện theo kế hoạch 72 giờ/lần, các khu vực cộng đồng 5 ngày/lần.

Phương pháp lấy mẫu xét nghiệm cũng thực hiện theo hình thức mới, chia nhỏ các nhóm đi từng ngõ, tới từng nhà để lấy mẫu nhằm hạn chế tới mức tối đa việc lây nhiễm chéo. Nhờ áp dụng phương pháp mới trên mà các ổ dịch nóng tại Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng (huyện Việt Yên) đã từng bước được sàng lọc, các ổ dịch đã gần như được khống chế và kiểm soát.

Bên cạnh đó, nhằm giải quyết bài toán do thiếu hụt về nhân lực y tế, Tổ xét nghiệm cũng đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thử nghiệm mô hình hướng dẫn người dân tự lấy mẫu test nhanh cho nhau (triển khai thí điểm tại các khu cách ly tập trung).

GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phối hợp cùng lực lượng nhân viên y tế tới từ các đoàn chi viện tổ chức nhiều buổi tập huấn cho người dân tự lấy mẫu trong các khu cách ly tập trung, xây dựng video hướng dẫn tự lấy mẫu test nhanh và hướng dẫn nhân viên y tế lấy mẫu test nhanh trong cộng đồng. Theo bà Mai, mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng và nhân rộng trong những tình huống cấp bách khi địa phương bị thiếu hụt về nhân lực y tế.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu với sự an toàn của khu cách ly

Theo ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, Bắc Giang có đến hàng trăm khu cách ly tập trung trải rộng khắp các địa bàn nhiều huyện. Nếu không có biện pháp quản lý giám sát chặt, giãn cách, giảm tải kịp thời sẽ rất dễ gây ra lây nhiễm chéo.

Để quản lý có hiệu quả, Tổ cách ly y tế và xử lý môi trường của Bộ phận thường trực đã tham mưu cho tỉnh giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý khu cách ly. Ngày 26/5, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra công văn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình hoạt động của các khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện, thành phố; thành lập ngay các Tổ kiểm tra, giám sát và phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện, mỗi khu cách ly phải được kiểm tra, giám sát ít nhất 1 lần/ngày và báo cáo kết quả về Tổ kiểm tra, giám sát của tỉnh.

Khu cách ly tập trung nào không đảm bảo điều kiện Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp huyện và người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp khu cách ly. Các đối tượng đã hoàn thành thời gian cách ly phải có xác nhận của người quản lý khu cách ly mới được phép đưa về cách ly tại nhà để tiếp tục theo dõi. Người quản lý khu cách ly phải thực hiện báo cáo thông tin chung của khu cách ly theo mẫu phiếu điện tử hàng ngày để Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang tổng hợp, điều tiết kịp thời.

Đồng thời, tiểu ban cũng đã góp ý để Cục Quản lý Môi trường y tế trình lãnh đạo Bộ Y tế ký Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 5/6/2021 về hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.

Đầu tư trọng điểm cho Trung tâm hồi sức tích cực thay vì thiết lập nhiều bệnh viện dã chiến cùng một lúc

Với tình hình số ca mắc lên đến gần 3000 trường hợp, dự báo trong những ngày tới, số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng song mức tăng có chiều hướng giảm. Trước tình hình đó, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Tổ trưởng điều trị Bộ phận thường trực cho biết, không thể thiết lập nhiều bệnh viện dã chiến cùng một lúc vì rất tốn kém và mất thời gian, phải đưa phương án khác phù hợp hơn.

Do vậy, Bộ phận thường trực đã thảo luận và thống nhất với UBND tỉnh Bắc Giang tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của tỉnh như kí túc xá các trường Cao đẳng Ngô Gia Tự, Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn, Trung tâm chăm sóc người có công… và một số cơ sở khác thành cơ sở thu dung điều trị ban đầu bệnh nhân mắc Covid-19.

Các cơ sở này tiếp nhận những ca dương tính không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, tuỳ theo mức độ lâm sàng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tất cả bệnh nhân ở đây đều có bệnh án, được theo dõi y tế như ở bệnh viện, được xét nghiệm, chụp X-quang theo dõi diễn tiến của phổi, cùng với các hỗ trợ về mặt sức khỏe để bệnh nhân nhanh hồi phục.

Mặt khác, tổ điều trị nhận thấy biểu hiện lâm sàng của ca bệnh khác với đợt dịch trước, ngay cả những người trẻ không có bệnh nền thì diễn biến tổn thương phổi cũng rất nhanh, thường xảy ra từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10, từ khi có triệu chứng sau vài ngày đã xuất hiện mờ trắng hai bên phổi. Do đó, nguy cơ tử vong có thể ở các nhóm độ tuổi.

Để đáp ứng dự báo tình hình số ca mắc tăng nặng, phương án thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) lớn nhất từ trước đến nay đã được ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu với đầy đủ hệ thống và phương tiện cần thiết.

Bệnh viện Phổi Bắc Giang được lựa chọn để thiết lập trung tâm hồi sức tích cực với 58 giường. Trung tâm hồi sức tích cực quy mô lớn nhất miền Bắc với 101 giường cũng đã được ra mắt ngày 04/6/2021 sau 5 ngày khẩn trương triển khai thi công. Cụ thể, tầng 1 có 23 giường hồi sức với đầy đủ oxy, khí nén và hệ thống hút trung tâm; tầng 2 và 3 với 52 giường có hệ thống oxy và khí nén; tầng 4 có 26 giường có oxy không có khí nén. Hệ thống thiết bị máy móc bao gồm 60 máy thở, máy siêu âm mới, máy chụp X quang có thể thực hiện hồi sức mức độ cao nhất như ECMO, lọc máu, thở máy…

Để vận hành được trung tâm hồi sức tích cực này, Bộ Y tế đã huy động các kíp chuyên môn kỹ thuật từ các Bệnh viện Trung ương, Bệnh viện tuyến tỉnh để cùng tham gia vận hành. Đây cũng là dịp để các y bác sĩ ở tỉnh Bắc Giang trao đổi, học hỏi kinh nghiệm tham gia điều trị bệnh nhân nặng trong đợt dịch này.

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
  • Yên Bái: Tặng quà hỗ trợ gia đình thân nhân liệt sỹ bị thiệt hại do bão số 3

    (Xây dựng) - Ngày 18/9, Đoàn công tác của Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam (Trung ương Hội) do Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Trung ương Hội dẫn đầu đã đến thăm hỏi, động viên và trao quà hỗ trợ 05 gia đình thân nhân liệt sỹ trên địa bàn thành phố Yên Bái.

  • Bình Dương: Công tác chuẩn bị cho Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh đang theo đúng yêu cầu, tiến độ đề ra

    (Xây dựng) – Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Tổng Công ty Becamex IDC, đến nay, công tác chuẩn bị tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều nội dung như: Kịch bản, chương trình hội nghị; công tác đón tiếp khách mời trong nước và quốc tế; công tác hậu cần… đang được triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu, tiến độ đề ra.

  • Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam ủng hộ 200 triệu đồng khắc phục hậu quả bão lũ

    (Xây dựng) - Ngày 20/9, ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng và đại diện lãnh đạo cơ quan, hội viên trực thuộc Hội đã trao số tiền 200 triệu đồng ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai do cơn bão số 3 gây ra tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

  • Bình Dương: Xử lý rác để phát triển “sản phẩm xanh”

    (Xây dựng) - Được biết đến là tỉnh phát triển công nghiệp, ngay từ những ngày đầu tái lập Bình Dương luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường đi đôi với phát triển bền vững. Công ty Cổ phần – Tổng Công ty Nước và Môi trường Bình Dương (Biwase) được tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ không chỉ cung cấp nguồn nước sạch, mà còn xử lý nước thải, chất thải, tái tạo năng lượng và tái chế rác tạo sản phẩm thân thiện môi trường.

  • Quảng Trạch (Quảng Bình): Tập trung nguồn lực xây dựng Quảng Phương trở thành đô thị loại V

    (Xây dựng) - Trước khi được quy hoạch, khu vực này là vùng cát trắng mênh mông nhưng bằng sự quyết tâm, tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị trẻ Quảng Trạch đang từng bước phát triển…

  • Xu hướng mới về ứng dụng yếu tố xanh bền vững trong xây dựng công trình

    (Xây dựng) - Không dừng lại ở câu chuyện sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, giải pháp tiết kiệm điện năng, các công trình còn góp phần định hình sức mạnh của một đô thị, một quốc gia. Bằng những cách kiến giải độc đáo về khái niệm “xanh bền vững” và những sáng tạo trong kiến trúc, Văn Phú - Invest không chỉ tạo ra giải pháp ứng phó linh hoạt với những diễn biến phức tạp của khí hậu mà còn hàn gắn những “đứt gãy” trong cộng đồng và xoa dịu căng thẳng cho những thế hệ nhiều áp lực.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load