Thứ ba 18/06/2024 00:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bộ Xây dựng tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đô thị

17:54 | 17/01/2024

(Xây dựng) – Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các lĩnh vực quản lý, tập trung nghiên cứu hồ sơ xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và các văn bản pháp luật hướng dẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Bộ Xây dựng tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đô thị
Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị là 53,9% (ảnh minh họa).

Toàn quốc có 902 đô thị trong năm 2023

Về công tác quản lý phát triển đô thị, năm 2023, Bộ Xây dựng đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ban hành Nghị quyết số 41-NQ/BCSĐ ngày 01/03/2023 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 143/QĐ-BXD ngày 08/3/2023 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP; gửi văn bản đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương về việc triển khai thực hiện.

Tính đến tháng 12/2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV và 702 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị là 42,7%.

Quy hoạch phân khu tại đô thị đặc biệt và đô thị loại I ước tính đạt khoảng 79%, tại đô thị còn lại ước tính khoảng 55% so với đất xây dựng đô thị. Quy hoạch chi tiết tại đô thị đặc biệt và đô thị loại I ước tính khoảng 39%, các đô thị còn lại ước tính khoảng 23% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 98,9%2.

Cũng trong năm qua, Bộ thực hiện công tác thẩm định công nhận phân loại đô thị theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022. Bộ đã công nhận loại cho 30 đô thị gồm 3 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV, 24 đô thị loại V; 14 đô thị được thành lập mới (3 thị xã, 11 thị trấn), 1 thị trấn điều chỉnh mở rộng, 2 đô thị thành lập thêm phường.

Cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 3 đô thị loại II (thành phố Dĩ An, thành phố Kon Tum, thành phố Yên Bái). Công nhận theo thẩm quyền kết quả rà soát tiêu chí đô thị loại III (thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An); đô thị loại IV (đô thị Yên Phong, Bắc Ninh, đô thị Kim Bảng, Hà Nam).

Bộ Xây dựng hướng dẫn, cho ý kiến các địa phương về đánh giá tiêu chí phân loại 4 đô thị (Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh); thẩm định Báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị loại III (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); đang thực hiện thẩm định 6 đề án công nhận nâng loại đô thị.

Theo đó, công nhận loại I (thành phố Vinh mở rộng); công nhận loại II (thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; dự kiến mở rộng thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định); công nhận loại IV (3 đô thị gồm: Thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa; đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).

Tập trung xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị

Nhằm tăng cường hướng dẫn, lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị, Bộ đã cho ý kiến chương trình phát triển đô thị cho 4 đô thị tại Hà Nam, An Giang và Tây Ninh. Sau khi Nghị định số 35/2023/NĐ-CP có hiệu lực, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BXD ngày 08/9/2023, theo đó việc lập, thẩm định, phê duyệt Chương trình phát triển đô thị đã được phân cấp cho địa phương thực hiện.

Đồng thời, với mục tiêu tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn rà soát và triển khai thực hiện quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, đánh giá phân loại đô thị để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đô thị cấp huyện, cấp xã gửi UBND của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hoàn thành kế hoạch kiểm tra quản lý Nhà nước về phát triển đô thị năm 2023 tại các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Đắk Nông, Bạc Liêu, Cao Bằng, Quảng Bình và thành phố Cần Thơ; tham gia ý kiến với các địa phương về chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng; thẩm định 6 dự án khu đô thị theo quy định pháp luật về đầu tư; triển khai đúng tiến độ các chương trình, đề án đã được phê duyệt như Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến 2030; Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030…

Bộ Xây dựng tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đô thị
Trong năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị (ảnh minh họa).

Về quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, Bộ đã thực hiện báo cáo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý không gian ngầm đô thị; đề nghị các địa phương rà soát, tổng hợp báo cáo khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị trong quá trình quản lý không gian ngầm đô thị; nghiên cứu đưa các nội dung về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; tổ chức hội thảo tham vấn để hoàn thiện nội dung về chính sách quản lý hạ tầng kỹ thuật khung và không gian ngầm đô thị trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025; Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025; Điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước, thoát nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 34/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục.

Bộ tổ chức Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Tích cực đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 02/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn. Đôn đốc, báo cáo tình hình triển khai thực hiện và trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị...

Trong năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn kết chặt chẽ giữa các cấp độ quy hoạch và các loại quy hoạch; tham gia góp ý, xây dựng nội dung và thẩm định các hợp phần quy hoạch thuộc lĩnh vực xây dựng trong quy hoạch vùng theo tiến độ chung và phối hợp với các địa phương trong xây dựng nội dung quy hoạch xây dựng của quy hoạch tỉnh. Việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch, đồng bộ.

Trong công tác quản lý phát triển đô thị, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu hồ sơ xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và các văn bản pháp luật hướng dẫn đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả; nghiên cứu, tổ chức xây dựng Chương trình quốc gia về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị giai đoạn 2026-2030; ban hành và triển khai Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về phát triển đô thị năm 2024.

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load