Thứ tư 13/11/2024 15:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Lao động

Bình Dương: Tháo gỡ khó khăn về quản lý lao động nước ngoài

14:37 | 11/11/2023

(Xây dựng) - Với chính sách thông thoáng, mời gọi đầu tư và phát triển bền vững, tỉnh Bình Dương hiện có hàng chục ngàn dự án đầu tư nước ngoài với số lao động nước ngoài khoảng gần 28.000 người, tỉnh Bình Dương đang nỗ lực thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn.

Bình Dương: Tháo gỡ khó khăn về quản lý lao động nước ngoài
Hội nghị tổng kết 5 năm về thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1314/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 của UBND tỉnh Bình Dương về thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn; tỉnh Bình Dương hiện có hơn 61.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và 4.087 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh. Số lao động tại các dự án hiện nay khoảng trên 1,2 triệu lao động là công dân Việt Nam và 27.347 người nước ngoài. Người nước ngoài cư trú chủ yếu trong các cơ sở lưu trú thuộc các công ty, doanh nghiệp (15.816 người), số còn lại là các loại hình cơ sở lưu trú khác.

Theo ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, quy định tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia người nước ngoài theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã hết hiệu lực thực hiện từ ngày 01/01/2023. Điều này đã gây khó khăn cho người sử dụng lao động có sử dụng lao động nước ngoài đã làm việc nhiều năm tại Việt Nam (từ 10 năm trở lên). Người sử dụng lao động phản ánh rất khó khăn để xác nhận lại kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP do nhiều lý do khác nhau như doanh nghiệp không còn hoạt động, đã nghỉ việc rất lâu nên không xác nhận được.

Một khó khăn khác là trong công tác phối hợp giữa các ngành trong trao đổi thông tin, thanh tra, kiểm tra về tình hình lao động người nước ngoài xuất nhập cảnh, nhất là việc phối hợp trích xuất dữ liệu, thống kê cung cấp số lượng, quốc tịch người nước ngoài đang làm việc và sinh sống trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, xử lý vi phạm của người nước ngoài trên lĩnh vực lao động, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh hoạt động không đúng mục đích, chương trình.

Bình Dương: Tháo gỡ khó khăn về quản lý lao động nước ngoài
Một trong những chương trình đào tạo tại Bình Dương có sự tham giao của lao động nước ngoài.

Trao đổi về các vấn đề liên quan, Đại tá Phạm Quốc Dũng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, việc ban hành Quyết định số 1314/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương giữa các cơ quan, ban, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã góp phần thực hiện tốt công tác phối hợp quản lý hoạt động cư trú của người nước ngoài, bảo đảm sự nhịp nhàng và thống nhất, khắc phục được các vấn đề phát sinh, chồng chéo giữa các cấp, các ngành, tạo điều thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú tại tỉnh Bình Dương theo đúng quy định pháp luật.

Ông Dũng nêu ý kiến, thực tế có trường hợp lao động người nước ngoài bỏ công việc đang làm, không về nước, ở lại Việt Nam để tìm việc làm khác nhưng không tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, cư trú. Doanh nghiệp, người sử dụng lao động không kịp thời thực hiện thủ tục để cấp mới, gia hạn giấy phép lao động, hoặc không được cấp giấy phép lao động do không đủ điều kiện... dẫn đến chậm trễ thực hiện các thủ tục đề nghị cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định, vi phạm quy định về xuất nhập cảnh.

Cũng theo ông Dũng, thời gian qua đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài nhưng vẫn làm hồ sơ bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, sau đó để người nước ngoài đến làm việc cho các công ty khác, doanh nghiệp đối tác. Tình trạng công ty không có trụ sở, không hoạt động thực tế tại địa chỉ đăng ký kinh doanh hoặc công ty, doanh nghiệp ngưng hoạt động, không hoạt động vẫn bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh còn tiếp diễn... phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự và gây khó khăn trong công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tá Trần Văn Thanh - Phó Trưởng phòng Quản lý xuất, nhập cảnh (PA08) Công an tỉnh cho biết, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện nghiêm Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Luật sửa đổi Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; khai báo tạm trú người nước ngoài trên Internet. Giải quyết kịp thời, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh nói chung và trên lĩnh vực xuất nhập cảnh nói riêng. Từng lực lượng, từng cấp trong Công an tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai công tác nắm, quản lý người nước ngoài và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội của người nước ngoài theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tập trung thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình người nước ngoài nhập, xuất cảnh, hoạt động và cư trú trên địa bàn tỉnh hiệu quả. Tính từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2023, Công an Bình Dương đã tiếp nhận, giải quyết 43.430 hồ sơ xuất, nhập cảnh của người nước ngoài, đảm bảo đúng quy trình, quy định. Qua công tác kiểm tra hành chính và tiếp nhận hồ sơ liên quan đến người nước ngoài, Công an tỉnh đã phát hiện, tham mưu, phối hợp xử lý vi phạm hành chính đối với 3.111 trường hợp tổ chức, cá nhân người nước ngoài có hành vi vi phạm các quy định trên lĩnh vực xuất nhập cảnh; phát hiện, xử lý 46 người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đến tỉnh Bình Dương. Phối hợp bắt giữ 2 đối tượng truy nã quốc tế theo đề nghị của Bộ Công an Trung Quốc.

Cập nhật thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương, tính từ tháng 01/2018 đến tháng 8/2023, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 9 doanh nghiệp và trình UBND tỉnh xử phạt 1 doanh nghiệp về hành vi vi phạm trong việc sử dụng lao động người nước ngoài. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã phối hợp tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 34.450 lượt người nước ngoài. Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 13.478 trường hợp người nước ngoài cư trú trên địa bàn tỉnh; lập hồ sơ lý lịch tư pháp 25 trường hợp người nước ngoài có án tích…

Bình Dương: Tháo gỡ khó khăn về quản lý lao động nước ngoài
Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương chia sẻ về việc cấp giấy phép cho lao động người nước ngoài.

Theo ông Lê Thanh Toàn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, để công tác quản lý lao động nước ngoài có hiệu quả, các cơ quan cần thường xuyên và chủ động trao đổi, phối hợp, cung cấp thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, tăng cường đối thoại giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp và các hộ kinh doanh để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp.

Góp ý kiến về quy chế quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đại diện huyện Bắc Tân Uyên kiến nghị sửa đổi, ban hành quy chế mới cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Cùng với công tác quản lý Nhà nước, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết, để doanh nghiệp hiểu rõ và làm đúng theo quy định pháp luật Việt Nam. Cán bộ quản lý Nhà nước lĩnh vực này cần được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, đặc biệt là năng lực ngoại ngữ để làm tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Theo đó, Công an tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Bình Dương ban hành quy chế phối hợp mới về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài, qua đó tạo cơ sở pháp lý thực hiện các chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương, bảo đảm tạo điều kiện thu hút các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, người nước ngoài trình độ cao đến làm việc, sinh sống và tham gia trên các lĩnh vực theo luật định. Cũng với đó, các ngành, địa phương phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến công tác quản lý người nước ngoài; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ đối với cán bộ làm công tác quản lý người người nước ngoài trên địa bàn.

Thời gian tiếp theo, để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý người nước ngoài, tạo môi trường ổn định, thuận lợi nhất cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự xã hội của các đối tượng là người nước ngoài; kịp thời phát hiện, xử lý người nước ngoài vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, nhất là những trường hợp nhập cảnh, hoạt động không đúng mục đích, chương trình đã đề nghị cấp thị thực. Hoàn thiện cơ chế kết nối để trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị liên quan phục vụ công tác quản lý người nước ngoài.

Yphong

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quy định về loại thiết bị cần phải kiểm định kỹ thuật an toàn

    (Xây dựng) – Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được ban hành kèm theo Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

  • Xét tặng Giải thưởng “Nữ đoàn viên Công đoàn năng động, sáng tạo, trách nhiệm”

    (Xây dựng) - Công đoàn Cơ quan Bộ Xây dựng đã có Hướng dẫn số 184 ngày 12/11/2024 đề nghị Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở quan tâm triển khai Quyết định, nội dung Quy chế xét tặng Giải thưởng “Nữ đoàn viên Công đoàn năng động, sáng tạo, trách nhiệm” đến toàn thể nữ đoàn viên Công đoàn, cán bộ công nhân viên chức lao động. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ công nhân viên chức lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua tại cơ quan, đơn vị và địa phương.

  • Chủ động quản lý yếu tố rủi ro trên công trường

    (Xây dựng) - Thời gian qua, mặc dù tai nạn lao động (TNLĐ) trong lĩnh vực xây dựng đã giảm dần, nhưng tỷ lệ về tai nạn gây thiệt hại về người còn ở mức cao hơn so với các ngành nghề khác. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật an toàn khi làm việc trên cao và trong không gian hạn chế ở công trường xây dựng cho cấp quản lý để giúp công tác an toàn lao động trên công trường được thực thi đầy đủ.

  • Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

    (Xây dựng) - Nghị định 143/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể phương thức đóng và mức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

  • Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện áp dụng từ ngày 1/1/2025

    (Xây dựng) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (gọi tắt là bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện).

  • Đa dạng các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Ất Tỵ

    (Xây dựng) - Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 67/KH-LĐLĐ về việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load