(Xây dựng) - Với lợi thế mang lại từ hai dòng sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, tỉnh Bình Dương đang từng bước “đánh thức” tiềm năng của những đô thị ven sông.
Trung tâm thương mại dịch vụ Bạch Đằng ở TP Thủ Dầu Một là dự án khu đô thị ven sông hiếm hoi ở tỉnh Bình Dương. |
Tiềm năng lớn
Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt, với tiềm năng vô giá từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai mang lại, địa phương này có nhiều lợi thế phát triển các đô thị ven sông trong tương lai.
Được biết, hiện nay, quỹ đất tại một số địa phương trực thuộc tỉnh Bình Dương như: Thủ Dầu Một, Thuận An, Tân Uyên và thị xã Bến Cát đủ để quy hoạch phát triển các đô thị ven sông. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để tỉnh Bình Dương có những định hướng xây dựng đô thị ven sông phù hợp với sự phát triển của từng nơi.
Điển hình như TP Thuận An được ví như là một đô thị nén, mật độ dân số rất cao. Vì vậy việc triển khai xây dựng đô thị ven sông Sài Gòn là cần thiết. Hiện ven sông Sài Gòn còn rất nhiều dư địa phát triển, thành phố này cũng đang cùng đơn vị tư vấn tính toán phát triển đô thị một cách hợp lý, hài hòa bảo đảm về quy mô, cảnh quan.
Dựa trên quy hoạch đô thị Thuận An, tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối từ cầu Bà Lụa (TP Thủ Dầu Một) đến cầu Vĩnh Bình, giáp TP.HCM tổng chiều dài toàn tuyến trên 13 km. Theo đó, hành lang ven sông Sài Gòn từ cầu Vĩnh Bình, phường Vĩnh Phú tới cảng An Sơn được quy hoạch là trục cảnh quan quan trọng của thành phố, kết nối với các trục đường chính đô thị và với TP.HCM. Ngoài ra, dọc hành lang sẽ hình thành một số bến thủy nội địa, tại những bến này sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ cộng đồng để khai thác tối đa các hoạt động du lịch trên sông. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng các khu đô thị sinh thái, cao cấp ven sông trong thời gian tới.
Ông Đinh Thanh Long, người dân ở phường Lái Thiêu, TP Thuận An cho biết, nhiều khu vực ven sông tại đây có thể phát triển được các khu đô thị. “Tôi thấy gần đây nhất là có khu Vạn Phúc City ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Họ làm một khu đô thị ven sông rất đẹp, với nhiều tiện ích. Không những vậy, cư dân ở những khu vực kế đó cũng được hưởng lợi vì đất đai có giá hơn” ông Long nói.
Nhiều người dân hiện đang sinh sống gần khu vực ven sông Sài Gòn thuộc TP Thuận An, Thủ Dầu Một đều khẳng định tiềm năng lớn mà dòng sông mang lại. Thậm chí, người dân còn ví von sông Sài Gòn chảy qua đây chính là “điểm hẹn của kinh tế đêm” và nó sẽ sớm trở thành dòng sông “hái ra tiền” nếu có sự đầu tư phát triển chỉnh chu, nhất là các khu đô thị ven sông.
Gần như, toàn bộ các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đều được bao bọc bởi các dòng sông, vì vậy, không quá khi nói rằng, Bình Dương đang có rất nhiều lợi thế phát triển đô thị ven sông mà nhiều địa phương khác mơ ước. Sông Sài Gòn phía bờ Đông kéo dài thành một trục dọc từ huyện Dầu Tiếng, đến thị xã Bến Cát, TP Thủ Dầu Một, Thuận An là điều kiện thuận lợi để quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng cho những khu đô thị ven sông. TP Tân Uyên nơi có sông Đồng Nai chảy qua hiện cũng là một trong những địa phương được đánh giá là có quỹ đất ven sông chưa khai phá hết tiềm năng. Ngoài ra, hệ thống cảng thủy nội địa, kết hợp với các tỉnh lộ chạy song song, kết nối với các đô thị lớn của tỉnh Đồng Nai cũng là lợi thế để quy hoạch, phát triển các khu đô thị ven sông.
Bình Dương hiện cũng là tỉnh nằm trong Top 10 địa phương đông dân nhất cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng năm 2023. Về thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Dương luôn nằm ở Top đầu của cả nước. Những lợi thế về kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư cũng là nền tảng để tỉnh này hướng đến quy hoạch phát triển các đô thị ven sông.
Phù hợp với xu thế
Về xu hướng phát triển khu đô thị ven sông, hiện nay TP.HCM vẫn là đầu tàu của khu vực phía Nam với hầu hết các dự án lớn. Điển hình đó là Vinhomes Grand Park quy mô 271 ha; The Global City quy mô hơn 117 ha; Sala Đại Quang Minh quy mô 257 ha; Vạn Phúc City quy mô 198 ha… Đồng Nai, một địa phương khác nằm trong tứ giác kinh tế trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ hiện cũng có những dự án khu đô thị ven sông nổi bật như: Aqua City quy mô 1.000 ha; Biên Hòa New City quy mô 113.95 ha; Long Hưng City quy mô 227 ha; Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước quy mô 75 ha…
Quỹ đất tại TP Thủ Dầu Một được đánh giá là đủ khả năng đáp ứng việc quy hoạch, phát triển các khu đô thị ven sông. |
Có thể nói, khu Đông Sài Gòn cùng với khu vực ven sông Đồng Nai hiện đang được ví như “đất lành chim đậu” khi thu hút hàng loạt dự án, đại đô thị với quy mô “khủng”.
Trước đó, tháng 7/2023, tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, lãnh đạo các địa phương đã thống nhất với đề xuất định hướng quy hoạch và phát triển ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.
Theo lãnh đạo các địa phương, quy hoạch này có ý nghĩa quan trọng nhằm khai thác tiềm lực về kinh tế ven sông, cảng, du lịch, giao thông thủy, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước. Cụ thể, về dự án phát triển sông Sài Gòn là tổ hợp bao gồm trục giao thông bộ và thủy; trục kiến trúc và quy hoạch không gian; trục phát triển kinh tế - dịch vụ - du lịch; trục cảnh quan - môi trường; trục văn hóa - di sản và tâm linh; trục cư trú xã hội.
Về xu thế chung, dải đô thị ven sông Sài Gòn phải là dải đô thị mềm, xanh mang đậm nét văn hóa sông nước Nam Bộ. Đặc biệt với tỉnh Bình Dương hiện có khá nhiều lợi thế để phát huy tối đa tiềm năng của thiên nhiên ban tặng, ngoài ra, các nguồn lực cộng đồng sẵn có bao gồm các làng nghề, vườn cây ăn trái, các nét văn hóa đặc sắc sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng, phát triển các khu đô thị ven sông.
Mặc dù có những lợi thế quan trọng, tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh Bình Dương vẫn chưa có quy hoạch bài bản nào về phát triển một khu đô thị ven sông. Rải rác là một vài dự án quy mô nhỏ chưa xứng với tiềm năng của một tỉnh có nền kinh tế năng động. Tại Bình Dương, Trung tâm thương mại dịch vụ Bạch Đằng ở TP Thủ Dầu Một là dự án khu đô thị ven sông hiếm hoi có đầy đủ các tiện ích. Tuy nhiên, với quy mô chỉ hơn 6,4 ha, dự án chỉ mới đáp ứng được một phần nào đó nhu cầu sở hữu nhà ở đô thị ven sông của người dân.
Với việc thống nhất đề xuất định hướng quy hoạch và phát triển ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, địa phương này cũng đang có những bước đi quan trọng để quy hoạch các khu đô thị xứng tầm.
Trước đó, tại các hội nghị về phát triển vùng, lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, thiên nhiên đã ban cho Bình Dương hệ thống sông ngòi bao quanh rất đẹp, do đó, cần phải tận dụng tối đa các tiềm năng, đưa vào quy hoạch để nâng tầm đẳng cấp trong phát triển đô thị theo xu thế chung; khẳng định sông Sài Gòn là tuyến giao thông đường thủy có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Để phát huy tối đa lợi thế đó, tỉnh Bình Dương sẽ quy hoạch và phát triển thêm hạ tầng giao thông đường bộ ven sông, theo lộ trình, tuyến đường ven sông Sài Gòn bắt đầu từ TP Thuận An đến thị xã Bến Cát sẽ sớm được thực hiện.
Cũng phải nói thêm, dù có cơ sở hạ tầng, giao thông khá tốt, tuy nhiên, ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch của tỉnh Bình Dương chưa phát triển tương xứng so với tiềm năng đang có. Bình Dương gần như không có tên trên bản đồ du lịch về khai thác tiềm năng sông nước. Việc đánh thức các đô thị ven sông sẽ giải quyết được một phần hạn chế trên vì chỉ có phát triển các đô thị ven sông mới có thể thu hút được các dịch vụ, nhất là dịch vụ cao cấp.
Mai Thanh
Theo