Thứ tư 13/11/2024 14:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Bình Định: Xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép

18:09 | 11/06/2023

(Xây dựng) - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn khẳng định, Bình Định muốn trở thành trung tâm đô thị văn hóa thì phải xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất đai, đừng vì cả nể một người nào mà làm phá vỡ quy hoạch đô thị và đề nghị phải xử lý nghiêm minh, kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không được dung túng, bao che cho bất kỳ trường hợp nào.

Bình Định: Xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép
Những ngôi nhà xây dựng trái phép tại tổ 49, khu vực 5, phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn.

Các trường hợp bị xử lý

Tính đến ngày 31/3/2023, trên địa bàn tỉnh Bình Định phát hiện 14.257 trường hợp lấn, chiếm đất đai, trong đó đã xử lý 6.945 trường hợp (tỷ lệ 48,71%), còn 7.313 trường hợp chưa xử lý.

Để xử lý tình trạng lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2014: Trường hợp nào đủ điều kiện cho phép tiếp tục sử dụng đất (đủ điều kiện tồn tại) thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43, ngày 15/5/2014 của Chính phủ; trường hợp nào không đủ điều kiện cho phép tồn tại (kể cả không phù hợp quy hoạch, hoặc phát sinh từ ngày 1/7/2014 trở về sau) thì phải có thông báo rõ nội dung gửi UBND xã, phường, thị trấn và nhân dân biết để thực hiện.

Đối với các trường hợp đủ điều kiện cho phép sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn người sử dụng đất làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cơ quan chuyên môn phải tuân thủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tài chính (thu tiền sử dụng đất, tiền thu lợi bất chính theo Nghị số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ và Quyết định số 36/2021, ngày 21/7/2021 của UBND tỉnh Bình Định về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vị phạm, nếu có);

Đối với các trường hợp không đủ điều kiện cho phép tồn tại, thì trong thông báo phải nêu rõ thời gian và hướng xử lý cụ thể; các trường hợp buộc phải tháo dỡ trả đất cho Nhà nước, nếu quá thời gian quy định mà người sử dụng đất không chấp hành, thì UBND xã, phường, thị trấn báo cáo UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Bình Định: Xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép
Công trình xây dựng trái phép đã tồn tại nhiều năm.

Các trường hợp lấn, chiếm đất đai từ ngày 1/7/2014 trở về sau, Nhà nước không công nhận quyền sử dụng đất, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng chuyên môn thuộc huyện thường xuyên kiểm tra phát hiện các trường hợp mới phát sinh, gắn với việc công bố công khai số điện thoại đường dây nóng, thư điện tử và địa điểm tiếp nhận các thông tin từ tổ chức, công dân phát hiện báo các trường hợp lấn, chiếm đất đai, giao đất trái quy định. Phân công cán bộ trực tiếp tiếp nhận ý kiến và ghi vào sổ theo dõi hàng ngày.

Cán bộ công chức địa chính cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng đất tại địa bàn quản lý để phát hiện kịp thời những trường hợp lấn, chiếm đất đai. Khi phát hiện, trong thời hạn không quá một ngày làm việc, kể từ khi phát hiện sai phạm phải báo cáo bằng văn bản lên Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để xử lý, đồng thời báo cáo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thị xã, thành phố để báo cáo UBND cấp huyện ngăn chặn tháo dỡ kịp thời.

Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo thường xuyên việc kiểm tra phát hiện các hành vi lấn chiếm đất đai. Trong thời hạn không quá một ngày, kể từ ngày phát hiện vi phạm hoặc được báo cáo có vi phạm thì phải tổ chức việc kiểm tra buộc khôi phục lại tình trạng sử dụng đất ban đầu; nếu người có hành vi vi phạm không chấp hành thì tổ chức tháo dỡ, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức cưỡng chế tháo dỡ kịp thời; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan có chức năng trực thuộc phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn (nơi có đất xảy ra lấn chiếm) tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo thẩm quyền (trừ trường hợp quy định tại khoảng 3, Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ).

Khung thời gian thực hiện xử lý

Thời gian thực hiện, cụ thể trong tháng 6: Quán triệt chủ trương; thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và chỉ đạo, UBND cấp xã, phường, thị trấn thành lập Tổ công tác; tổ chức ra quân trên địa bàn; họp dân phát tờ khai tình hình sử dụng đất. Trong tháng 7, chỉ đạo hoàn thành việc lập danh sách người sử dụng đất do lấn, chiếm niêm yết công khai, thời gian 15 ngày làm việc (lần 1).

Từ tháng 8 đến tháng 10: Tổ công tác cấp xã, phường, thị trấn hoàn thành việc kiểm tra thực tế, đo đạc đất đai, lập bản đồ thửa đất, phân loại đối tượng gửi hồ sơ về Ban chỉ đạo cấp huyện, thị xã, thành phố.

Từ tháng 11 đến tháng 12: Ban chỉ đạo cấp huyện tổ chức các đợt họp xét và công bố danh sách, ra thông báo các trường hợp được phép tồn tại, các trường hợp không được phép tồn tại buộc tháo dỡ; chuẩn bị quỹ đất ở trên địa bàn, quỹ nhà ở xã hội (nếu có) đề xuất chủ trương tái định cư, bán nhà ở xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội (đối với trường hợp không có nơi ở nào khác trên địa bàn cấp huyện theo quy định).

Trong tháng 1 năm 2024, niêm yết danh sách công khai, thời gian 15 ngày làm việc (lần 2). Trong tháng 2 đến hết tháng 3 năm 2024: Các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp được phép tồn tại. Từ tháng 4 năm 2024 trở đi, phải tổ chức ra quân xử lý tháo dỡ hoặc cưỡng chế những trường hợp lấn, chiếm đất đai không được phép tồn tại.

Bình Định: Xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép
Hội nghị Quán triệt công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, chống lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Tại Hội nghị Quán triệt công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, chống lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh, do UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đề nghị phải xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, thực hiện nghiêm minh, kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không được dung túng, bao che cho bất kỳ trường hợp nào. Phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa, xử lý ngay khi phát hiện vi phạm; gắn trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn khẳng định, Bình Định muốn trở thành trung tâm đô thị văn hóa thì phải xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất đai, đừng vì cả nể một người nào mà làm phá vỡ quy hoạch đô thị. Chúng ta phải tập trung vào xử lý đối với tình trạng lấn, trong đó phòng là chính. Đối với trường hợp lấn chiếm đất đai mới phát sinh thì phải xử lý ngay; trường hợp vi phạm cũ, thì phải tính toán, phải có phương án xử lý rõ ràng vừa phải có tính nhân văn vừa phải đúng quy định.

Mỹ Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load