(Xây dựng) – Những năm qua, Bình Định luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án phát triển điện gió ngoài khơi, điện rác và thủy điện tận dụng các hồ thủy lợi.
Bình Định phát triển các dự án nhà máy điện mặt trời mái nhà. |
Đầu tư xây dựng nhà máy năng lượng tái tạo
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có 21 nhà máy điện đang vận hành phát điện với tổng công suất 878,9MW. Trong đó, 12 nhà máy thủy điện với tổng công suất là 347,9MW; 4 nhà máy điện gió với tổng công suất 107,4MW và 5 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 529,5MWp (tương đương 423,6MW). Ngoài ra, còn có các hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới với tổng công suất khoảng 223MWp.
Ông Phan Thanh Hiển - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Tầm nhìn Năng lượng Sạch cho biết: Công ty đầu tư 3 nhà máy điện mặt trời hơn 323,5ha tại xã Mỹ Thắng, xã Mỹ An của huyện Phù Mỹ. Đây là dự án năng lượng tái tạo lớn nhất khu vực miền Trung. Từ một đồi cát không có hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trong năm 2023, dự án đã thu được 399 triệu kWh, bổ sung lượng điện thiếu hụt cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt trong mùa khô. 3 nhà máy này có tổng doanh thu 626,74 tỷ đồng, đóng ngân sách Nhà nước 38,6 tỷ đồng và tạo việc làm cho 100 lao động địa phương.
Bên cạnh đó, Bình Định có 9 nhà máy điện mặt trời và điện gió đang hoạt động như: Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp (huyện Phù Cát); Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ, Nhà máy điện mặt trời Mỹ Hiệp, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ); Nhà máy điện mặt trời Fujiwara Bình Định, Nhà máy phong điện Phương Mai 3 (Khu kinh tế Nhơn Hội). Các nhà máy này góp phần nâng sản lượng điện sản xuất trong năm 2023, tăng gấp 2 lần so với năm 2021.
Nhà máy thủy điện Định Bình tại huyện Vĩnh Thạnh. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm trong việc chỉ đạo các Sở, ban ngành, địa phương phối hợp, hỗ trợ Truyền tải điện Bình Định trong công tác đảm bảo an toàn hành lang lưới điện để phục vụ quản lý vận hành hệ thống lưới điện truyền tải, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và liên tục. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định không có xảy ra quá tải hệ thống lưới điện truyền tải phải thực hiện giảm phát của các nhà máy điện. Qua đó, các nhà máy điện năng lượng tái tạo được giải tỏa hết công suất đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các nhà máy điện đóng góp đáng kể trong việc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động, đóng góp ngân sách địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619, ngày 14/12/2023, đồng thời, Bình Định đề xuất Bộ Công Thương đưa vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, đây là cơ sở tiền đề để phát triển năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới.
UBND tỉnh Bình Định đang xúc tiến Tập đoàn PNE (CHLB Đức) triển khai dự án điện gió ngoài khơi với tổng quy mô công suất 2.000MW, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 6 tỷ USD, quy hoạch dự án khoảng 96.470ha, chủ yếu là trên mặt nước biển, không chồng lấn với các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.
UBND tỉnh Bình Định đồng ý chủ trương cho Tập đoàn PNE được khảo sát, nghiên cứu, lắp đặt cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió trên một số khu vực biển thuộc địa bàn các huyện Phù Cát, Phù Mỹ. Đồng thời, UBND tỉnh đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung nhà máy điện gió ngoài khơi Bình Định vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hiện nay, tại tỉnh Bình Định còn có dự án Thủy điện Nước Lương, công suất 22MW, (huyện Hoài Ân) do Công ty Cổ phần thủy điện Nước Lương làm chủ đầu tư vừa hoàn thành đang chạy vận hành phát điện thử nghiệm. Bình Định còn có 3 dự án thủy điện đang trong qua trình đầu tư triển khai thi công với tổng công suất là 50,9 MW gồm: Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 4 (công suất 18 MW), dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 3 (công suất 30 MW), dự án Thủy điện hạ lưu Đập dâng Phú Phong (công suất 2,9 MW, tận dụng nước xả của Đập dâng Phú Phong).
Nhà máy thủy điện Vân Phong tại huyện Tây Sơn. |
Theo Đề án quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh tỉnh Bình Định đến năm 2030, tỉnh sẽ có 40 dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 2.280 MWp. Điều này phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn năng lượng trong cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng chia sẻ thêm: UBND tỉnh ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi và một số dự án thủy điện tận dụng các hồ thủy lợi hiện có trên địa bàn tỉnh. Việc chuyển năng lượng sơ cấp sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là phát triển điện gió, điện mặt trời, điện rác vừa giúp tận dụng tối đa nguồn tài nguyên vô tận, giảm tác động xấu đến môi trường, khí hậu vừa là giải pháp ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết. Bình Định với chiều dài 134km bờ biển có tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời. Với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, trong thời gian đến, Bình Định tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ và các nguồn năng lượng khác như điện sinh khối, điện rác, địa nhiệt.
Mỹ Bình
Theo